Buổi trưa mùa hè như oi ả hơn trong căn nhà nhỏ thuộc Q.Phú Nhuận (TP.HCM) mà đại tá Khuất Biên Hòa đang tiếp khách. Trên bàn là một chồng sách, tài liệu về Đại tướng Lê Đức Anh. Từng là thư ký của đại tướng, ông Biên Hòa đã dành nhiều năm gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tài liệu để khôi phục từng giai đoạn cuộc đời của vị tướng từng trải chiến trường này. Ông kể: “Tôi về làm bên đại tướng khi chỉ là một người viết sử, một phóng viên chiến trường. Cái phóng khoáng của người cầm bút khiến tôi e ngại việc phải làm việc trực tiếp với một nguyên thủ, lại là một tướng lĩnh tài ba. Nhưng về sau, càng tìm hiểu về cụ, tôi càng bị mê hoặc bởi cuộc đời sôi động mà thâm trầm của ông”.
Chợt, vị đại tá ngẩng mặt nhìn tôi như vừa ngước lên khỏi ký ức: “Cô là phóng viên Báo Phụ Nữ đúng không?”. Tôi gật đầu xác nhận lần nữa: “Dạ đúng”. “Vậy để tôi kể cô nghe chuyện này. Đây là chuyện đời của ông Lê Đức Anh mà có lần, bà Ba Định (bà Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - PV) từng đòi kỷ luật ông. Chính dư luận sau này cũng đem hiểu lầm này ra để thắc mắc về đại tướng”.
Đại tướng Lê Đức Anh và bà Võ Thị Lê - người vợ đã gắn bó với ông trong mọi thăng trầm của thời cuộc
Rồi ông lui về những ngày đầu mới làm việc với Đại tướng Lê Đức Anh. Khi đó, đại tướng đã có hai người con với người vợ thứ hai là bà Võ Thị Lê (quê Quảng Nam). Được biết, đại tướng từng có cuộc hôn nhân đầu trước khi tập kết ra Bắc với bà Bảy Anh, nhưng trong những cuộc chuyện trò, biến cố cụ thể trong hôn nhân chưa từng được ông tâm sự. Vô tình, trong một lần kể chuyện kháng chiến, người viết sử Khuất Biên Hòa mới hiểu được một mảnh ghép đời tư của vị đại tướng mà ông vẫn gắn bó.
Năm 1954, khi được lệnh tập kết ra Bắc, Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức duyệt cho đưa vợ con cùng xuống Cái Bè, Tiền Giang để tập trung, đợi tàu ra Bắc. Vợ chồng đang gắn bó, bà Bảy Anh cũng tha thiết muốn theo chồng, nhưng ở quê nhà Bến Cát, Bình Dương, mẹ bà vừa mất. Tất cả anh em trai đều theo kháng chiến, gửi con lại nhờ cha nuôi giúp. Sau mấy lần động viên bà Bảy Anh không thành, ông Trần Văn Trà khi ấy mới ra sức tác động: “Nếu lần này chị không ra, tình hình kháng chiến lại chưa biết thế nào, nếu kháng chiến lâu dài quá thì gia đình cách trở, anh em chúng tôi cũng không biết sẽ ra sao”. Bên chồng, bên cha - lại nghĩ cảnh những người đàn ông khỏe mạnh của gia đình đều đã theo kháng chiến ra Bắc, bà Bảy Anh quyết định ở lại, phụ cha già chuyện hậu phương.
Ra Bắc, ông Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Sư trưởng Sư đoàn 335 đóng quân ở Thanh Hóa được vài tháng thì lại được điều về làm Cục phó Cục Tác chiến, rồi làm Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Quốc phòng. Năm 1956, quân đội có một cuộc chỉnh huấn nặng nề do cố vấn người Trung Quốc thực hiện trong mấy tháng trời. Trong toàn bộ cơ quan Bộ Quốc phòng, ban chỉnh huấn phát hiện ra hai người được cho là có vấn đề về chính trị là ông Lê Đức Anh và ông Bội Dong, can tội “lấy vợ địa chủ”. Bị buộc ly khai gia đình vợ, ông Lê Đức Anh bần thần mấy ngày liền.
Một lần ngồi tâm sự với người cùng cảnh ngộ, ông Lê Đức Anh bàn: “Thôi mình không đủ điều kiện ở cơ quan chiến lược thì xin về đơn vị chiến đấu vậy”. Thế nhưng, khi hai ông vừa đến thưa chuyện, chỉ huy đơn vị chiến lược đã phản đối: “Các anh đòi về đơn vị à? Đơn vị của các anh là ở đây, không đi đâu hết!”. Bị buộc ở lại, cộng thêm sức ép ly khai từ phía các cố vấn Trung Quốc, ông Lê Đức Anh cùng đồng đội Bội Dong phải tuyên bố ly khai gia đình vợ. Theo thủ tục, tuyên bố ấy được thông báo về Ủy ban thống nhất, chuyển đến quê nhà với bà Bảy Anh.
Ly khai gia đình vì tổ chức, ông Lê Đức Anh tiếp tục bước vào cuộc hôn nhân do tổ chức xếp đặt với bà Võ Thị Lê - y sĩ Bệnh viện Hữu Nghị. Đến với nhau trong kháng chiến, họ dần nảy sinh tình cảm và gắn bó với nhau trong mọi thăng trầm của thời bình.
Tôi từng nghe phần chuyện “ly khai gia đình vợ” được lược kể trong nhiều tài liệu về Đại tướng Lê Đức Anh, phần lớn những tình tiết đều quy về một mối hoài nghi nảy sinh giữa sự gãy đổ, khập khiễng giữa “người chồng ở miền Nam” và “người đàn ông tập kết ra Bắc”. Nhưng, tất cả câu chuyện tôi từng được đọc trên những tài liệu nọ đều diễn tiến trên những sự kiện bề ngoài, thiếu vắng những diễn biến không thể chối bỏ bên trong từng con người thường tình - có lẽ cũng vì sự hạn chế tư liệu bởi một nhân vật hiếm khi bày tỏ. Chúng từng làm tôi băn khoăn, nhưng rồi tôi bị “con người tướng lĩnh” của nhân vật này cuốn đi, cho đến khi được nghe lại nó một cách tường tận từ vị thư ký Khuất Biên Hòa.
“Chuyện ở miền Bắc” vẫn không đủ lý giải về con người nội tâm của ông Lê Đức Anh, nếu người viết sử Khuất Biên Hòa không may mắn được gặp một nhân chứng khác. Sống tại đường Phổ Quang (Q.Gò Vấp, TP.HCM) những năm đầu thế kỷ XXI, lúc sinh thời, ông Võ Đình Tương (bí danh Bảy Hùng) nắm giữ một mảnh ghép khác của câu chuyện đời Lê Đức Anh.
Đầu năm 1964, vừa vào đến miền Nam làm tham mưu trưởng quân giải phóng, Lê Đức Anh đã đạp xe xuống Bến Cát tìm gặp cha vợ. Gặp nhau sau tám năm trời từ lúc từ biệt, rồi thông báo ly khai, ông Lê Đức Anh mới có cơ hội trình bày với cha hoàn cảnh của mình. Hiểu tính con rể, cụ ông bày tỏ sự thông cảm. Cụ kể, người vợ cũ của ông Lê Đức Anh hiện là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phóng và đang đi dự đại hội xa nhà. Lúc này, ông Lê Đức Anh quay về đơn vị xin nghỉ một buổi và đi cùng ông Bảy Hùng - người bạn chiến đấu lâu năm (lúc bấy giờ đang là trợ lý trang bị) lên gặp bà Bảy Anh.
Đến sát nơi diễn ra đại hội, cả hai phải dừng chân ở trạm giao liên để báo cáo. Các cán bộ giao liên mời hai ông nghỉ ngơi và hẹn đến giờ giải lao sẽ cho người vào báo cáo và mời bà Bảy Anh ra. Không ngờ, vừa ngồi xuống trạm thì nhận được điện báo của đơn vị gọi về chiến đấu. Ông Lê Đức Anh cùng đồng đội tức tốc ra về. Lời chào với người vợ cũ vĩnh viễn không trọn, cũng trong một lần ông đáp từ tiếng gọi của tổ chức. Sau đó, bà Bảy Anh mất, ông không bao giờ có dịp gặp lại bà nữa.
Kết thúc câu chuyện, ông Khuất Biên Hòa thận trọng nói: “Dẫu chỉ là chuyện đời tư, nhưng nó cũng là một phần quan trọng về cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh. Bản thân cụ Lê Đức Anh cũng năm lần bảy lượt bị những đồng đội sau này mang chuyện hôn nhân ra đặt vấn đề mỗi lần được đề bạt. Tôi là thư ký của cụ, cũng là người viết sử, tôi trân trọng từng chút sự thật xoay quanh cuộc đời của nhân vật lịch sử. Cô thấy đó, nếu cứ bóc tách nhân vật lịch sử ra khỏi bối cảnh của họ mà phân xử đúng/sai, thì người ta dễ nhìn sự hy sinh, thậm chí là nỗi đau của người đó - thành một cái tội”.
Lời nói sau cùng của vị đại tá vốn có tác phong khí thế, quyết liệt chợt nhẹ xuống như một lời tâm sự. Có lẽ, đó là trạng thái nhẹ lòng dễ có của một người nghiên cứu lịch sử, khi đã yên tâm rằng mình vừa kịp trao một sự thật cho công chúng.
Kết thúc câu chuyện, ông Khuất Biên Hòa thận trọng nói: “Dẫu chỉ là chuyện đời tư, nhưng nó cũng là một phần quan trọng về cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh. Bản thân cụ Lê Đức Anh cũng năm lần bảy lượt bị những đồng đội sau này mang chuyện hôn nhân ra đặt vấn đề mỗi lần được đề bạt. Tôi là thư ký của cụ, cũng là người viết sử, tôi trân trọng từng chút sự thật xoay quanh cuộc đời của nhân vật lịch sử. Cô thấy đó, nếu cứ bóc tách nhân vật lịch sử ra khỏi bối cảnh của họ mà phân xử đúng/sai, thì người ta dễ nhìn sự hy sinh, thậm chí là nỗi đau của người đó - thành một cái tội”.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.