Đại thắng mùa xuân 1975 là động lực cho những đại thắng trong kỷ nguyên mới

21/04/2025 - 07:51

PNO - “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

“Đại thắng mùa xuân 1975 luôn là nguồn động lực tinh thần to lớn cho thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau” là nhận xét của các đại biểu dự hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đại thắng mùa xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”.

Hội thảo do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TPHCM tổ chức sáng 20/4 tại TPHCM.

Hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Những ký ức không bao giờ phai

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - chia sẻ câu chuyện về tinh thần đoàn kết quân dân để đi đến ngày toàn thắng.

Đúng 50 năm trước, là Trung đoàn trưởng trung đoàn 27 của sư đoàn 320B, quân đoàn 1, ông cùng các chiến sĩ hành quân từ Bắc vào giải phóng miền Nam. Khi hành quân đến đèo Ang Bun trên đường Trường Sơn, ông nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Khi ấy, anh em chiến sĩ như bừng dậy, quên hết mệt nhọc, khẩn trương tiến về phía trước.

Đêm 29/4/1975, trung đoàn 27 đã đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10km. Lúc đó, đường đêm mịt mùng, chỉ có căn nhà lá đơn sơ của má Huỳnh Thị Sáu. Biết họ là quân giải phóng, má đã lấy ra tấm bản đồ được ghi rất kỹ, nét chữ rất đẹp. Theo tấm bản đồ, cách đó 5km là trại địch với khoảng 2.000 lính, do 1 đại tá chỉ huy.

Má nói: “Ngày mai tiến công vào, các con không cần đánh mà kêu hàng, nhưng phải nhanh chóng chiếm Lái Thiêu và cầu Vĩnh Bình. Nếu không chiếm được cầu Vĩnh Bình thì không vào được Sài Gòn bằng cơ giới”.

Má còn muốn sáng hôm sau cùng ngồi xe tăng để dẫn đường cho các chiến sĩ, nhưng ông Nguyễn Huy Hiệu đáp lại: “Thưa má, má già rồi. Chúng con đánh xong sẽ quay lại cảm ơn má và đồng bào”.

4g30 sáng 30/4/1975, trung đoàn 27 tiến công vào Lái Thiêu, đánh cầu Vĩnh Bình. Nhờ lời dặn của má rằng “cầu có dây thép gai chằng chịt, có thùng phuy đựng cát chắn đường, phải đánh nhanh”, trung đoàn đã nhanh chóng làm chủ trận địa. Gần 10g, trung đoàn đã chiếm được Bộ Tư lệnh thiết giáp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở quận Gò Vấp. Ông nói: “Giữ lời hứa, hôm sau, chúng tôi quay lại cảm ơn má. Đồng bào đứng chào đón 2 bên đường rợp cờ sao”.

Bà Hoàng Thị Khánh - Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM - nhớ lại, tháng 4/1975, ở Côn Đảo, địch có nhiều hoạt động khác thường như liên tục tổ chức khám xét phòng giam, chuyển trại đối với tù chính trị. Nhờ giấu được 2 chiếc radio nên những người tù vẫn nắm được tốc độ tiến quân của ta. Nhưng sau đó, địch đã tịch thu radio.

Thấy địch đào bới, gài mìn ngoài trại giam, họ biết tình hình đã rất căng nên họp bàn, thống nhất rằng khả năng quân ta đã giải phóng gần đến Sài Gòn, địch có thể thủ tiêu tù chính trị, vì vậy, nếu có chết cũng phải chết cho đàng hoàng.
Từ ngày 28 đến 30/4/1975, máy bay địch gầm rú liên hồi trên bầu trời Côn Đảo.

Khoảng gần 4g sáng 1/5/1975, tên trại trưởng mở cửa phòng giam và nói: “Mấy bà ra đi, bên mấy bà thắng rồi”. Sau đó, mọi người được nghe radio với giọng thượng tướng Trần Văn Trà đọc thiết quân luật trang nghiêm, dũng mãnh.

Bà nghẹn ngào kể: “Bấy giờ, không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt hô lên sung sướng: “Mình thắng rồi. Bác Hồ muôn năm. Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”.

Niềm vui chiến thắng khiến chúng tôi vỡ òa, khuỵu xuống, bật khóc. Đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy mình nghẹn ngào sung sướng khi nhớ lại giây phút đó. Cảm xúc đó đúng như lời bài hát Mùa xuân trên TPHCM của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Vui sao nước mắt lại trào”. Khoảng 6g sáng 1/5/1975, hơn 4.000 người tù chính trị Côn Đảo đã được tự do”.

Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần tiến công

Ông Huỳnh Đảm - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng, bài học tâm đắc nhất của chiến công vĩ đại ngày 30/4/1975 là sự lãnh đạo tài tình của Đảng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo ông, trong khi những đoàn quân thần tốc tiến về giải phóng các mục tiêu ở Sài Gòn - Gia Định thì nhân dân Sài Gòn - Gia Định cũng nổi dậy giành từng khu vực, khóm phố, đón mừng đoàn quân chiến thắng và bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng.

Ông nói: “Tinh thần đoàn kết giữa 2 miền Bắc Nam, giữa hậu phương và tiền tuyến trong những thời khắc vô cùng ác liệt đã tạo nên sức mạnh to lớn của cả dân tộc. Chính tinh thần đoàn kết đã tạo sức mạnh nội sinh để Đảng và nhân dân ta vượt qua muôn vàn thử thách, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, đánh thắng kẻ xâm lược để bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế. Chính nhờ đoàn kết mà Đảng, nhân dân ta đã vượt qua cơn địa chấn toàn cầu là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, từng bước xây dựng và phát triển đất nước như ngày nay”.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM - nhận định, trải qua 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã phát huy tinh thần tiến công “1 ngày bằng 20 năm”, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo ra những dấu ấn lịch sử quan trọng, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Theo ông, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM đạt 7,17% và bối cảnh khách quan còn nhiều thách thức nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 8,5% và thậm chí 10% cho các năm sau.

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm của đại thắng mùa xuân 1975, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM cần nắm bắt thời cơ, tăng tốc phát triển để đi đầu trong việc thoát bẫy thu nhập trung bình, trong đó tập trung tăng năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất thông minh, đặc biệt là chuyển đổi kinh tế xanh.

Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho rằng, những bài học lịch sử từ Đại thắng mùa xuân 1975 mãi là nguồn động lực to lớn cho các thế hệ người Việt Nam. 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn đoàn kết, kiên định, quyết tâm xây dựng nhiều mùa xuân mới trên đất nước Việt Nam.

Ông Phan Văn Giang cho rằng, hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ôn lại truyền thống bất khuất của dân tộc, thể hiện lòng tri ân, biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cha anh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, những đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập dân tộc.

Từ đó, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo và kiên cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo nên những đại thắng mùa xuân trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Phát triển TPHCM xứng đáng với sự hy sinh của cha anh

Thời gian càng lùi xa thì ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của đại thắng mùa xuân 1975 càng tỏa sáng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của trận đại thắng cũng như giá trị thiêng liêng của hòa bình, thống nhất và mãi mãi biết ơn bao thế hệ đã cống hiến, hy sinh, góp phần xương máu của mình viết nên thiên anh hùng ca bất hủ.

Kế thừa và tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân TPHCM đã nỗ lực phấn đấu, kiên cường, bền bỉ vì cả nước, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện các nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TPHCM đang tập trung triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, quyết sách lớn, đột phá, cấp bách của cấp trung ương, chuẩn bị tâm thế, điều kiện bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển thành phố để xứng với niềm tin, kỳ vọng của cả nước, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của bao thế hệ tiền nhân.

Ông NGUYỄN VĂN NÊN - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM

Minh Linh

 
TIN MỚI