Đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm: “Tôi vô cùng xúc động khi viết về tàu không số”

19/11/2022 - 08:01

PNO - Năm 2011, đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - thiếu tá Nguyễn Văn Đức trong chuyến về nguồn kỷ niệm 50 năm của đoàn tàu không số, tại Hải Phòng. 3 năm sau, ông viết truyện ký "Nguyễn Văn Đức - người anh hùng tàu không số huyền thoại".

Phóng viên: Thưa nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, từng có rất nhiều tác phẩm viết về huyền thoại tàu không số, khi viết về chủ đề này, ông có cân nhắc lựa chọn cách thức thể hiện để có sự khác biệt?

Đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm: Sau chuyến đi năm 2011, trở về tôi đã viết nhiều bài báo, ký về đề tài tàu không số. Nhưng riêng anh hùng Nguyễn Văn Đức thì tôi nghĩ cần phải viết một cuốn sách mới xứng tầm vóc của ông. Thời điểm đó, tôi và đồng chí Đức thường xuyên được các cơ quan, trường học mời đến nói chuyện về tàu không số huyền thoại. 3 năm sau, tôi chính thức bắt tay vào viết tác phẩm. Khi tiếp cận với anh hùng Nguyễn Văn Đức, tôi thấy cuộc đời ông đã như một câu chuyện kể. 

Đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - tác giả truyện ký Nguyễn Văn Đức - người anh hùng tàu không số huyền thoại - ẢNH: TAM NGUYÊN
Đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - tác giả truyện ký Nguyễn Văn Đức - người anh hùng tàu không số huyền thoại - Ảnh Tam Nguyên

* Điều gì khiến nhà văn xúc động nhất trong những câu chuyện đã viết về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - thiếu tá Nguyễn Văn Đức cũng như về tàu không số?

- Tôi rất ngưỡng mộ, cảm phục cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Đức. Ba đồng chí Nguyễn Văn Đức là đồng chí Nguyễn Văn Tân - Bí thư Huyện ủy huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Năm 1954, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam cùng đồng đội chiến đấu. Sau đó ông bị giặc bắt, tra tấn dã man. Không khai thác được gì từ ông, chúng thủ tiêu ông cho đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Anh Nguyễn Văn Đức đã nối tiếp cha đi theo con đường cách mạng. 

Tất cả những chuyến đi của tàu không số đều nguy hiểm trùng trùng, nhưng khiến tôi xúc động nhất là chuyến đi của 4 con tàu vào Mỹ Á (Quảng Ngãi) năm 1968. Khi bị lộ, các chiến sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Riêng con tàu 43 có đồng chí Nguyễn Văn Đức được quyết định cho nổ phá hủy tàu. Toàn bộ tàu có 17 đồng chí, hy sinh 3 người, còn lại 14 người bơi vào bờ, được nhân dân đón và đưa đến bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Các anh được chữa trị và 35 ngày sau đã tiếp tục hành trình ra Bắc. 

* Trong tác phẩm, nhà văn đã khắc họa hình ảnh Cồn Tra (Bến Tre) của năm 1961, là một khu rừng vắng, với những cây bần, mắm, chà và, dừa nước… Còn Cồn Tra của hôm nay qua thực tế của nhà văn đã đổi khác ra sao?

- Đất Cồn Tra (Thạnh Phú) năm xưa giờ đã được xây dựng thành một khu thôn xóm sầm uất, đường sá đi lại rất thuận lợi, rất nhiều trang trại người dân nuôi cá, lại có khu vui chơi giải trí. Bến Cồn Tra - nơi 28 chuyến tàu không số đã cập bến giao vũ khí cho chiến trường Nam Bộ - nay cũng đã có tượng đài tàu không số. Tỉnh Bến Tre đang có dự án đầu tư xây dựng để nơi này trong tương lai sẽ là điểm đến cho du khách thăm và tìm hiểu về lịch sử tàu không số, giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. 

* Xin cảm ơn nhà văn! 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI