Đại sứ văn hóa đọc Trung Nghĩa: Sách giúp tôi tĩnh tại sau những xôn xao

20/04/2024 - 07:08

PNO - Trung Nghĩa là người có tình yêu mãnh liệt với sách. Anh có quá trình nhiều năm đưa tin về ngành xuất bản, các tác phẩm sách trên báo chí và mạng xã hội. Anh cũng là cây bút giới thiệu, bình luận sách thường xuyên trên báo chí.

Năm 2023, Trung Nghĩa vinh dự được bầu chọn là 1 trong 10 Đại sứ văn hóa đọc TPHCM góp phần thúc đẩy văn hóa đọc nơi cộng đồng, hướng tới mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành đô thị sách và văn hóa đọc.

Anh đồng thời là thành viên Ban điều hành dự án Đọc sách cùng Xích Lô do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sáng lập với mục đích phát triển khuyến đọc, tinh thần học tập nâng cao kiến thức trong cộng đồng, người lao động.

Trung Nghĩa có nhiều tác phẩm phóng sự quốc tế, văn hóa văn nghệ, thể thao, du ký, tùy bút đã xuất bản như Phim & diễn viên Hàn Quốc được yêu thích (viết chung với Kim Hyun Jae), Đời ca sĩ, Bí mật ở Cannes, Sydney yêu thương, Sân trường ngày chia tay, Sài Gòn úmbala, Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl

Anh có thể ngồi  đọc sách lặng lẽ  ở một góc nào đó
Anh có thể ngồi đọc sách lặng lẽ ở một góc nào đó

Mẹ là người trao cho tôi tình yêu lớn với sách

Phóng viên: Chúc mừng anh với quyển sách mới nhất - Đọc sách cũng như yêu - ra mắt nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba. Anh có thể chia sẻ một số thông tin cũng như thông điệp của quyển sách mới nhất này?

Đại sứ văn hóa đọc Trung Nghĩa: Tôi viết cuốn sách này nhằm sẻ chia với mọi người tình yêu sách báo, giữ gìn thói quen đọc sách trong thời đại mạng xã hội ngày nay. Chúng ta sẽ không cô đơn và không bao giờ cô đơn với thói quen đọc sách, từ sách in truyền thống đến sách nói, sách điện tử... Sách chính là người tình tuyệt vời không chỉ khiến bạn say lòng từ ánh mắt đầu tiên mà sẽ theo bạn đến hết tháng năm cuộc đời. Những cộng đồng đọc sách đa phương tiện có thể lan tỏa tình yêu thương, niềm hy vọng cho hiện tại và tương lai. Đọc sách cũng như yêu thực chất là một cuốn “sách trong sách”. Trong đó, tôi cất công tuyển chọn và giới thiệu đến bạn đọc rất nhiều tựa sách quý, có giá trị của ngành xuất bản nước nhà trong nhiều năm qua; kèm với những gợi mở, nhận định, luận bàn về các khía cạnh, vấn đề liên quan đến sách và việc đọc sách. Điều này giúp người đọc dễ dàng chọn lọc được những đầu sách uy tín và phù hợp, đồng thời theo dõi được những chuyển biến tích cực trong mảng sách và thị trường sách nói chung.

Mẹ chính là người trao truyền tình yêu lớn với sách cho Trung Nghĩa
Mẹ chính là người trao truyền tình yêu lớn với sách cho Trung Nghĩa

* Anh từng nói mình được mẹ trao truyền cho niềm yêu thích đọc sách báo từ nhỏ?

- Đúng vậy! Và niềm say mê này kéo dài cho đến tận bây giờ, khi tôi vẫn thường ngắm nhìn mẹ đọc sách báo sau mỗi bữa cơm. Mỗi khi làm việc tại nhà, nhiều lúc tôi rời mắt khỏi màn hình để ngẩng lên nhìn chỗ mẹ tôi ngồi. Bà vẫn thường làm cho tôi bất ngờ và yêu đời hơn khi chăm chú đọc sách báo. Tôi thấy mẹ cặm cụi chép lại vào cuốn sổ tay lưu giữ những điều bà tâm đắc khi đọc một bài báo. Kể cả những trang báo giấy đã nhiều năm vẫn được bà gìn giữ hay những cuốn sách bà thích đọc.

* Như vậy, có thể nói Đọc sách cũng như yêu ra đời khi anh thường ngắm mẹ đọc sách báo mỗi ngày?

- Vâng. Tình yêu sách vở, báo chí, văn chương của tôi may mắn được hình thành từ nhỏ do ba mẹ tôi - vốn đều xuất thân từ nghề giáo - là những người rất thích đọc để nâng cao kiến thức. Ba mẹ tôi truyền được niềm yêu thích đọc sách báo cho các con một cách hết sức tự nhiên. Cho đến giờ, mẹ tôi ở tuổi 78 vẫn mê đọc sách báo. Hình ảnh đó góp phần giúp dòng máu đam mê viết sách, viết báo vẫn chảy nhiệt thành trong tim tôi dù nghề lao động chữ nghĩa này khá vất vả.
Thế nhưng, tôi luôn khắc ghi kỷ niệm thuở ấu thơ: luôn có đầy ắp sách báo xung quanh mình - từ trên bàn học, kệ sách trong phòng khách… đến cả trên giường để tôi có thể đọc bất cứ lúc nào.

Ngay cả lúc kinh tế gia đình khó khăn, ba vẫn chở tôi ra sạp báo huyện nhà để mua sách báo. Những lúc tôi gặp khó khăn hay đứng trước ngã rẽ nghề nghiệp, mẹ tôi hay ủi an rằng “ông trời không nỡ phụ người cố gắng đâu con!”. Vì thế, tôi vẫn viết sách, báo như một thói quen thường ngày. Tôi luôn yêu thích công việc này và có rất nhiều hạnh phúc với nó trong cuộc sống từ xưa đến nay. Niềm vui của tôi còn là viết bình luận, cảm nhận cụ thể về những quyển sách mình đọc, sẻ chia ở các cộng đồng yêu sách trên báo chí, mạng xã hội; lan tỏa sách có giá trị với mọi người. Tôi hy vọng bạn có thể cảm nhận điều ấy khi cầm trên tay cuốn sách Đọc sách cũng như yêu.

Tác phẩm mới nhất của Trung Nghĩa
Tác phẩm mới nhất của Trung Nghĩa

* Tôi thật xúc động khi hình dung điều anh vừa nói: ngồi ăn cơm, đọc sách báo bình yên bên mẹ. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng mong có những giây phút ấm áp như vậy. Phải chăng tình mẹ chính là điều góp phần giúp anh lựa chọn gắn bó với sách, liên tục viết và hoạt động về lĩnh vực sách vì lựa chọn đi đường dài với sách, với bất cứ ai, đều không phải việc dễ dàng?

- Tôi thừa nhận rằng trong thế giới tấp nập ngày nay, việc lựa chọn quan tâm gắn bó, đi đường dài với lĩnh vực sách không phải là một sự lựa chọn dễ dàng. Nó cũng như việc bạn quyết tâm tắt chiếc điện thoại di động; ngừng lướt web, Facebook… để cầm quyển sách lên mà đọc. Đôi khi đó là một quyết tâm rất lớn.

Vậy nên, theo tôi, bất cứ ai muốn yêu sách, thích đọc sách và duy trì việc đọc như một thói quen đều phải có nguyên do tự thân. Ví dụ đối với tôi, đó là ân sủng và may mắn lớn khi được ba mẹ truyền tình yêu sách báo từ nhỏ. Lớn lên, tôi lại được làm nghề nghiệp gắn chặt với sách báo (tác giả Trung Nghĩa làm việc chính thức tại Báo Tuổi Trẻ 18 năm, làm việc tại Nhà xuất bản Trẻ hơn 3 năm và hiện vẫn cộng tác thường xuyên với các báo). Lĩnh vực sách và ngành xuất bản là một trong các đề tài viết báo từ nhiều năm qua của tôi. Nói cách khác, công việc của tôi cũng chính là niềm đam mê, sở thích cá nhân. Cho nên tình yêu với sách trong tôi luôn bền bỉ theo thời gian một cách hết sức tự nhiên.

Trung Nghĩa dẫn chương trình Du hành Vui cùng sách do Đường sách TPHCM tổ chức dành cho học sinh
Trung Nghĩa dẫn chương trình Du hành Vui cùng sách do Đường sách TPHCM tổ chức dành cho học sinh

Đọc sách giúp tôi phục hồi tâm trí tốt nhất

* Tôi cảm nhận được rằng phải có tình yêu lớn với sách và say mê đọc thế nào thì anh mới có thể đọc nhiều sách và ghi nhận kỹ càng như thế trong Đọc sách cũng như yêu. Những phân tích sâu rộng và đa dạng về sách của anh có phù hợp trong thời đại tiếp nhận thông tin “tốc độ”, thời của “clip ngắn 30 giây” hiện nay?

- Làm sao để giữ gìn thói quen đọc sách trong bối cảnh công nghệ tác động mạnh mẽ và làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin, tri - kiến thức của chúng ta là một câu hỏi lớn.

Với cá nhân mình, tôi mạo muội nghĩ thế này: sự phát triển của công nghệ nghe nhìn hiện đại ngày nay giúp chúng ta có thể tiếp nhận thông tin, tri thức qua nhiều kênh khác nhau bên cạnh việc đọc sách truyền thống. Người đọc sách hôm nay cần được hiểu là họ có thể “đọc” sách nói, sách điện tử, đọc thông tin phù hợp từ internet và các nền tảng mạng xã hội khác nhau qua máy tính, điện thoại di động.

Trong thời đại chuyển đổi số, thói quen đọc của người Việt đang và sẽ tăng lên rất nhiều nếu như ta không nghĩ bó hẹp theo hướng đọc truyền thống qua sách in. Như diễn giả Nguyễn Phi Vân đã chia sẻ quan điểm của chị mà tôi rất tâm đắc: “Đã đến lúc tất cả chúng ta nên coi sách ở góc độ nội dung để người thụ hưởng văn hóa đọc có thể chạm được tới nội dung một cách mới mẻ, hữu ích, không chỉ dừng lại ở trang giấy”.

“Cũng giống như tình yêu, việc đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc cần tình cảm chân thật từ mỗi cá nhân. Tình yêu đó được vun đắp, chăm sóc, hạnh phúc vững bền qua năm tháng thời gian”.

Trung Nghĩa (Đại sứ văn hóa đọc TPHCM 2023-2024)

* Anh vốn là phóng viên, biên tập viên nhiều năm ở lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thể thao… - có thể nói là một nhà báo năng động, bén nhạy thời sự, nhiều khi liên tục dịch chuyển tác nghiệp “toàn cầu”. Nhưng, đồng nghiệp, bạn bè cũng thấy anh thường ngồi đọc sách lặng lẽ ở quán nước hay chốn thiên nhiên tĩnh lặng. Anh có thể lý giải về sự “mâu thuẫn” thú vị này?

- Bạn bè hay nói tôi là người “nghiện công việc”. Kỳ thực tôi rất đam mê làm việc nên luôn cố gắng học hỏi, nỗ lực trong công việc. Tôi cũng thuộc kiểu người di chuyển nhiều, có lẽ do từ nhỏ đã được ba mẹ cho đọc những tác phẩm khơi gợi trí phiêu lưu vạn dặm như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Buratino và chiếc chìa khoá vàng (Aleksey Tolstoy), Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry)… Nhưng sau những giờ làm việc cật lực, những chuyến đi liên tục qua nhiều miền đất, gặp gỡ nhiều người, tôi tất yếu cần nghỉ ngơi, tái nạp năng lượng và sự yên tĩnh. Đọc sách chính là thói quen, thú vui giúp tôi phục hồi tâm trí tốt nhất. Sách có lợi ích quan trọng cho tôi “tĩnh tại sau những xôn xao”, dung nạp thêm kiến thức phục vụ công việc.

Bạn có thể nói tôi là người “hướng ngoại” lẫn “hướng nội” và 2 điều này bổ sung, dung hòa rất tốt trong tôi chứ không mâu thuẫn. Tôi thấm thía rằng: đi khắp non sông, ngắm bao gấm vóc, nhìn bao cảnh đẹp, gặp bao con người, học bao điều hay nhưng có hạnh phúc nào sánh bằng được ngồi ăn bữa cơm chiều với mẹ, cùng mẹ đọc sách, báo trong ánh nắng chiều buông, bên chậu hoa, cây lá xanh tươi góc nhà.

Tác giả Trung Nghĩa (bìa phải) chụp ảnh tại lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn 2024 cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - ẢNH: THUẬN VĂN
Tác giả Trung Nghĩa (bìa phải) chụp ảnh tại lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn 2024 cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - ẢNH: THUẬN VĂN

Miệt mài nuôi dưỡng tình yêu với sách

* Với vai trò Đại sứ văn hóa đọc, anh có thể gợi mở cách để lan tỏa tình yêu sách mạnh mẽ; công chúng, giới trẻ quan tâm đến sách và đọc sách nhiều hơn?

- Việc đọc và yêu sách tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Tôi nghĩ tự thân chúng ta sẽ thích đọc sách dựa trên nhu cầu riêng, vào từng thời điểm cụ thể. Ví dụ trẻ nhỏ thì thích truyện tranh; học sinh sinh viên thích đọc sách bồi đắp cho các môn học; người ra trường cần đọc sách kỹ năng, chuyên ngành, khởi nghiệp…

Những năm qua, tôi rất vui mừng khi thấy nhiều cơ quan đơn vị, nhiều giới và các đơn vị làm sách chung tay phát triển văn hóa đọc lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Có nhiều mô hình thành công và thiết thực như chương trình Du hành Vui cùng sách tại Đường sách TPHCM; Hội sách xuyên Việt mang sách đến nhiều địa phương với mức giá ưu đãi tối đa cho bạn đọc; các chương trình giao lưu sách diễn ra ở nhiều trường học; nhiều người vận dụng rất tốt xu thế nền tảng công nghệ để đưa sách đến gần hơn với độc giả trẻ như việc live stream bán sách trên nền tảng mạng xã hội rất thành công.

* Những tín hiệu anh vừa kể cùng với nỗ lực từ các nhà xuất bản: giới thiệu những tác phẩm đặc sắc về nội dung; bắt mắt về trình bày, mỹ thuật; các tác giả đưa khuyến đọc ở nhiều nơi từ đường sách đến trường học; các lễ hội sách lớn tổ chức thường niên… như thời gian qua có thể đo lường được tính hiệu quả?

- Câu hỏi trên xin dành cho những cơ quan chức năng chuyên ngành, các nhà xuất bản, người làm sách chuyên nghiệp và rất có thể phải cần một thăm dò xã hội học cụ thể. Tuy nhiên, ở góc độ quan sát nhỏ bé của mình, tôi có thể thấy rằng trong thời đại nghe nhìn hiện nay hay thời buổi kinh tế khó khăn mà đông đảo bạn trẻ vẫn nhộn nhịp đến đường sách vui chơi giải trí và mua sách, doanh thu sách giấy ổn định, nhiều dòng sách đặc biệt được tranh nhau đặt hàng online “hết nhanh trong vòng một nốt nhạc” cùng sự phát triển khả quan của người dùng các ứng dụng sách nói… là những tín hiệu tích cực rõ ràng.

Sự khởi sắc của ngành xuất bản trong nước cũng như thị trường sách của Việt Nam hiện nay đúng như bạn nhận định là thể hiện qua những tác phẩm giá trị cả về nội dung lẫn hình thức. Nhiều tác phẩm kinh điển vượt thời gian được tái bản nhiều lần, trong khi các tác phẩm mới rất đa dạng về đề tài, sinh động về mỹ thuật, phục vụ nhiều đối tượng độc giả khác nhau.

Trung Nghĩa (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) trong buổi giao lưu Nhà báo viết sách tại Đường sách TPHCM năm 2023
Trung Nghĩa (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) trong buổi giao lưu Nhà báo viết sách tại Đường sách TPHCM năm 2023

* Có nhiều lo âu rằng thiết bị công nghệ phát triển sẽ khiến công chúng càng ít đọc sách hơn, đồng thời lại có những mô hình hợp xu thế như việc live stream bán sách trên các nền tảng mạng xã hội. Anh nghĩ gì về điều này?

- Sự phát triển công nghệ, mạng xã hội không phải là “kẻ thù” của sách, ngược lại, thời đại chuyển đổi số đang mở ra cho tất cả chúng ta những cơ hội học hỏi, lan tỏa tri - kiến thức chưa từng có. Ví dụ việc tiêu thụ sách giấy đang ngày càng rộng mở và dần chiếm ưu thế qua các nền tảng thương mại điện tử vì tính tiện lợi, dễ mua. Các thông tin về sách lan tỏa cực kỳ phong phú và “không biên giới” trên rất nhiều hội nhóm yêu đọc sách trên mạng xã hội.

Bây giờ, một buổi live stream giới thiệu sách trên mạng có thể khiến một tựa sách đột nhiên “hút hàng” và đạt số lượng tiêu thụ bùng nổ mà ngay cả nhà xuất bản, cửa hàng sách cũng không ngờ tới. Có đơn vị làm sách đã yêu cầu toàn bộ nhân viên tích cực lập kênh chia sẻ và bán sách trên mạng xã hội, vừa tăng doanh số cho công ty, vừa cải thiện thu nhập cho chính nhân viên… Rõ ràng công nghệ giúp các hình thức phát hành được đa dạng hóa, từ đó sách đến với người dân nhanh chóng, thuận lợi hơn bao giờ hết.

Trung Nghĩa tốt nghiệp cử nhân Khoa Báo chí và Truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM và ngành Community Welfare (Phúc lợi cộng đồng) ở Úc năm 2012. Anh là nhà báo, tác giả sách và là người dẫn chương trình Vodcast Doctor247 - góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện và lối sống lành mạnh, hữu ích.

Điều chúng ta cần quan tâm là ngày nay trẻ em rất dễ rơi vào tình trạng lạm dụng thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bảng. Vì vậy, vai trò của cha mẹ trong việc giúp con em mình có thói quen đọc sách là rất quan trọng. Cha mẹ cần dành thời gian đọc sách cùng con; xây dựng tủ sách gia đình hấp dẫn, bổ ích; cuối tuần đưa con đi nhà sách, đường sách, cho con chơi các trò chơi tương tác sáng tạo với sách… để tránh cho trẻ bị nghiện quá sớm các thiết bị công nghệ và tiếp cận nội dung tốt xấu lẫn lộn trên mạng.

* Tính luôn tác phẩm mới nhất, anh đã là tác giả hơn 10 tựa sách đa dạng chủ đề, thể loại (phóng sự quốc tế, văn hóa văn nghệ, thể thao, du ký, tùy bút). Anh có thể chia sẻ vài kinh nghiệm viết sách?

- Kỳ thực tôi chỉ đơn giản là một người yêu sách rất bình thường, thích đọc, thích viết và may mắn khi nghề nghiệp chính của mình gắn liền với chữ nghĩa, trình bày. Ở mỗi giai đoạn, tôi quan tâm đến một chủ đề và viết nhiều về chủ đề đó, rồi nếu “đủ duyên hoa nở” sẽ đúc kết lại bằng một quyển sách để mình ghi nhớ những gì đã học, đã trải nghiệm, đã viết ra. Nếu quá trình này được sự đón nhận, đồng cảm của bạn đọc là điều rất quý giá và vinh hạnh dành cho tác giả.

Có lần trà dư tửu hậu, tôi xin hỏi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đại ý làm thế nào để viết được một tác phẩm, một quyển sách, anh nói một điều thoạt nghe cực kỳ giản dị, song lại vô cùng hữu ích và đòi hỏi tính kỷ luật cao: “Bạn phải ngồi vào bàn và viết”. Nhìn những tấm gương đầy ngưỡng mộ trên văn đàn, báo chí truyền thông xưa nay, tôi thấu hiểu rằng nghiệp viết, nghề văn là một lao động rất nghiêm túc và bạn cần đến với nó trước tiên bằng tình yêu tự nhiên, thuần khiết nhất.
Tôi cũng rất tâm đắc với chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, người sáng lập dự án Đọc sách cùng Xích Lô, rằng: “Sách là người bạn tốt với mọi người. Đọc sách không chỉ để làm việc mà còn để khai sáng tinh thần, có tư duy mở, để làm người, để xây dựng giá trị sống tích cực, bao dung. Đọc sách để thấy mình quá nhỏ bé trong xã hội”.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Trần Huyền Trang (thực hiện)- Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI