“Đại sứ” túi ni-lông sạch

08/01/2020 - 12:25

PNO - Để đưa được những chiếc túi ni-lông thân thiện đến với mọi người, trong suốt ba năm qua, cả trăm ngôi chợ tại TP.HCM đã in dấu chân chị.

Để đưa được những chiếc túi ni-lông thân thiện đến với mọi người, trong suốt ba năm qua chị đã có mặt ở từng hàng thịt, hàng cá, hàng rau củ quả, tạp hóa… Cả trăm ngôi chợ tại TP.HCM đã in dấu chân chị. Trải qua bao khó khăn, đến nay các loại túi ni-lông tự hủy của chị đã thuyết phục được các siêu thị lớn và hàng ngàn ngôi chợ, cửa hàng ở khắp miền Nam và miền Trung.

Người ta từng bảo tôi… điên

Buổi sáng đầu tháng 11, trời se lạnh, chợ An Nhơn trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Bên dãy sạp hàng tạp hóa, một phụ nữ nhỏ nhắn, mặc áo bà ba sọc xanh, gương mặt phúc hậu, cầm một xấp túi ni-lông tự hủy với nhiều màu sắc, tươi cười tiếp thị đến các sạp hàng.

Chị tên là Phan Thị Thúy Phượng, 59 tuổi. Túi ni-lông tự hủy là sản phẩm do chị dành nhiều tâm huyết làm ra. Loại túi này có đủ chủng loại, kích cỡ, công dụng không khác túi ni-lông thông thường, nhưng nó sẽ tự phân hủy theo thời gian và giá cả cũng không đắt.

Bà Phan Thị Thúy Phượng đưa sản phẩm túi ni-lông thân thiện đến với mọi người
Bà Phan Thị Thúy Phượng đưa sản phẩm túi ni-lông thân thiện đến với mọi người

Đi một lượt khắp chợ, một vài chủ sạp đồng ý cho chị để lại một vài mẫu túi kèm theo số điện thoại, còn lại đều lắc đầu. Dù vậy, chị Phượng vẫn kiên nhẫn tiếp thị sản phẩm của mình, tuyên truyền để người dân nói không với túi ni-lông và chuyển qua sử dụng túi thân thiện môi trường. “Ba năm qua, tôi đi khoảng 100 chợ ở TP.HCM. Ban đầu, khi tôi chìa sản phẩm ra, đa số tiểu thương đều lắc đầu bảo giá cao, ít mẫu. Thấy tôi kiên trì quảng bá, có người còn nói tôi điên. Năm nay thì phong trào sử dụng túi thân thiện đã lan rộng khắp thành phố rồi” - chị Phượng phấn khởi. 

Chuyện sản xuất túi ni-lông tự hủy của chị Phượng như cái duyên, cái nghiệp, bởi vào thập niên 90 của thế kỷ trước, chị và chồng từng có một thời làm nghề báo. Năm 2001, chồng qua đời, chị giã từ nghiệp viết lách và chuyển công tác về Phân viện Khoa học địa chất khoáng sản. Thời gian làm việc ở đây, chị hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường đất và nước ngầm. Vì vậy, năm 2011, khi gặp một kỹ sư hóa - người mang những chiếc túi tự hủy từ nước ngoài về Việt Nam và cũng có tâm nguyện làm ra sản phẩm tương tự, thì hai người đã cùng nhau thực hiện. Trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng những chiếc túi thân thiện môi trường đầu tiên đã ra đời. Nhưng do giá thành cao, người dân cũng chưa hiểu được tác hại của những chiếc túi đang sử dụng, nên việc tiêu thụ gặp khó. 

Rồi người kỹ sư đồng hành với chị lại đột ngột qua đời, sự hợp tác bị đứt gãy. Nhưng chị quyết tâm đi tiếp con đường đã chọn. Đến năm 2014, sau thời gian dài dò dẫm trong muôn vàn khó khăn, đến lượt chị lại mắc bệnh hiểm nghèo - bệnh ung thư. Trước khi lên bàn mổ, chị đã nghĩ “rất có thể sẽ xong một kiếp người”. Thế nhưng, ca mổ thành công và cứ sau mỗi đợt điều trị, chị lại khỏe dần. “Sức khỏe của tôi tiến triển tốt, đến bác sĩ cũng phải ngạc nhiên: “Chắc Diêm Vương cho bà hồi phục để tiếp tục làm cho môi trường tốt hơn”. Còn tôi thì nghĩ, có lẽ nhờ ước mơ cháy bỏng về bao bì thân thiện môi trường mà tôi đã có ý chí để vượt qua bệnh tật”. 

Giấc mơ thành hiện thực 

Trở về từ cõi chết, năm 2017, chị Phượng gom góp chút vốn liếng còn lại sau cơn bạo bệnh để tiếp tục thực hiện giấc mơ túi ni-lông sạch. May mắn là vào thời điểm này, Hội LHPN các cấp cũng phát động phong trào hạn chế túi ni-lông gây ô nhiễm môi trường. Vô tình được “tiếp sức”, chị lại hợp tác với công ty in để đưa sản phẩm bao bì sinh học thân thiện môi trường ra các chợ. 

Đến nay, tất cả các chợ Bến Thành, An Đông, Tân Định, Nguyễn Tri Phương… đều in dấu chân chị Phượng và chị cũng biết gần như tất cả các ngõ ngách ở các chợ này nhờ quá trình tiếp thị sản phẩm của mình. Nhận thấy tiểu thương còn băn khoăn khi giá túi tự hủy còn cao hơn khoảng 10% so với túi thông thường, chị đã đề nghị với phía công ty in cùng chia sẻ để hạ giá xuống gần bằng với túi thông thường. Khi tiểu thương e ngại về độ dai và mẫu mã không đa dạng, chị đã thuyết phục họ bằng cách đa dạng mẫu mã, cải thiện độ chịu tải trọng.

Chị cũng kết hợp với ban quản lý các chợ nhờ kết nối, kêu gọi tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni-lông thông thường để dùng túi thân thiện môi trường. “Bất cứ chợ nào, chỉ cần gọi điện cho biết nhu cầu thì dù 5-10kg tôi cũng cung cấp. Chị em yêu cầu được trải nghiệm sản phẩm trước rồi đặt hàng sau, tôi cũng đáp ứng” - chị nói. 

Mưa dầm thấm lâu. Đến nay, câu chuyện về “Người đàn bà đi bán túi ni-lông tự hủy” đã có được những kết quả khả quan, các loại túi ni-lông của chị đã thuyết phục được các siêu thị lớn như Lotte Mart, VinMart, Emart, Big C, Satrafoods và hàng ngàn chợ truyền thống, cửa hàng bán tạp hóa ở khắp miền Nam và miền Trung.

Dù làm giám đốc thương hiệu, nhưng người phụ nữ gần 60 tuổi này vẫn hằng ngày đến các chợ, tới các gian hàng khởi nghiệp do Hội Phụ nữ tổ chức vào các dịp đặc biệt 8/3, 28/6, 20/10… để tận tay tiếp thị những chiếc túi thân thiện đến mọi người. “Nhiều lần để các em mới ra trường đi tiếp thị, nhưng hầu như không hiệu quả bằng tôi trực tiếp đi. Có lẽ, tôi có duyên với chiếc túi sạch này rồi” - chị Phượng tươi cười. 

  • “Tiền bạc cứ đổ vào mà không thu được kết quả, nên nhiều lúc kinh tế gia đình tôi quá khó khăn. Bạn bè bảo: tại sao không làm nghề khác, thậm chí có nơi còn mời làm giám đốc, lương cao, không chịu làm, mà cứ ôm chi mấy chiếc bao ni-lông vào chợ năn nỉ. Nghe vậy, có lúc tôi đã muốn buông xuôi, nhưng nhìn thấy môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm, nhìn thấy hàng tấn rác thải từ túi ni-lông đang gây ô nhiễm môi trường đất và nước, tôi cảm thấy đau lòng nên lại tiếp tục” - 
  •                                                                Chị Phan Thị Thúy Phượng

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI