Đại sứ quán VN tại Ả rập can thiệp để đưa NLĐ về nước

27/02/2014 - 07:59

PNO - PN - Sau khi Báo Phụ Nữ có bài viết Tiếng khóc từ Ả rập Saudi, ngày 24/2, làm việc với PV Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại và nhân lực quốc tế INTIME cho là bài báo viết không chính...

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo ông Thi: “Trưa ngày 23/2, tôi có trao đổi với chị Đặng Thị Lan Chi về nguyện vọng muốn về nước thì chị chưa trả lời. Tôi cũng làm việc với người chủ, chủ rất có cảm tình với chị, chị giờ cũng có cảm tình với chủ… Xích mích hiện nay chỉ là vấn đề ngôn ngữ. Phóng viên có thể gọi lại hỏi rõ quan hệ của chị Chi và chủ hiện nay…”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi cho chị Chi (bật loa to để ông Thi trực tiếp nghe), chị khóc nói: “Cả tuần này chị bệnh, thở không nổi…. Giờ chị đã kiệt sức, sợ tiếp tục làm bên này sẽ chết không được gặp con, chỉ mong muốn được về Việt Nam. Chị nhắn tin, gọi điện biết bao nhiêu lần nhưng ông Thi không trả lời. Trước đó, lần ông Thi trả lời điện thoại thì bảo phải đưa 4.000 USD mới được về nước. Giờ chị tha thiết muốn các cơ quan chức năng giúp đỡ chị về nước…”. Nghe đến đây, ông Thi… im lặng.

Về hướng giải quyết vấn đề cho chị Chi, ông Thi cho biết: “Hiện chúng tôi có ba phương án: Một là chị Chi ở lại làm tiếp, chuyển chủ, công ty sẽ chuyển ngay. Nếu chị muốn về, công ty sẽ sắp xếp cho về, nhưng phải trả các chi phí gồm: tiền vé từ Ả rập về Việt Nam (ít nhất 500 USD), chi phí visa, khám sức khỏe, nói chung là chi phí chủ đã bỏ ra, chưa biết cụ thể là bao nhiêu, phải xác định lại, chúng tôi sẽ báo sau”.

Dai su quan VN tai A rap can thiep de dua NLD ve nuoc

Theo luật sư Lê Quang Vũ - Phó trưởng văn phòng luật sư Người Nghèo, điều 17 Luật Đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định: Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải có các nội dung cụ thể, phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động. Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam. Hợp đồng ký kết giữa Công ty INTIME và chị Đặng Thị Lan Chi có những điều khoản không rõ như: thời gian làm việc: theo quy định của chủ sử dụng lao động; làm thêm giờ: theo Luật Lao động Arab Saudi; thu nhập làm thêm: phụ thuộc vào chủ sử dụng và ý thức của chị Lan Chi.

Hợp đồng quy định chị Lan Chi là lao động phổ thông mà thời gian thử việc ba tháng là trái với điều 27 Bộ luật Lao động Việt Nam quy định thời gian thử việc không quá sáu ngày. Hợp đồng có các điều khoản quy định không rõ ràng thì phải áp dụng theo quy định Bộ luật Lao động Việt Nam. Nếu thực tế thời gian làm việc chị Lan Chi vượt quá tám giờ/ngày thì thời gian vượt quá phải được trả lương làm thêm giờ và số giờ làm thêm cũng không vượt quá bốn giờ/ngày, 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm. Ngoài ra, khi làm việc liên tục tám giờ, chị Lan Chi phải được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút (hoặc 45 phút nếu vào ban đêm) tính vào thời gian làm việc. Chị Lan Chi còn được quyền nghỉ một ngày/tuần hoặc ít nhất bốn ngày/tháng. Nếu chủ nhà không đảm bảo những yêu cầu đó là vi phạm pháp luật lao động Việt Nam, chị Lan Chi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trở về Việt Nam rồi thỏa thuận thanh lý hợp đồng với Công ty INTIME.

Ngày 25/2, trao đổi với PV Báo Phụ Nữ về trường hợp chị Đặng Thị Lan Chi muốn về nước, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH cho biết: lãnh đạo Cục đã có ý kiến với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập, tập trung chỉ đạo giải quyết sớm trường hợp của chị Đặng Thị Lan Chi.

Theo ông Hải, Cục và Đại sứ quán sẽ hỗ trợ tích cực việc đưa NLĐ về. Tuy nhiên, cần có thời gian, vì theo quy định của nước bạn, nếu NLĐ có hộ chiếu, tiền mua vé về nước nhưng ông chủ không đồng ý thì cơ quan xuất nhập cảnh cũng không cấp phép. Hiện Đại sứ quán đang can thiệp, từng bước đề nghị chủ sử dụng lao động đồng ý ký vào bản cam kết để đưa NLĐ về nước.

 Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI