Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc lên án cuộc đảo chính của quân đội

27/02/2021 - 13:00

PNO - Hôm 26/2, Đại sứ LHQ của Myanmar đưa ra lời kêu gọi tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) về hành động quốc tế ngay lập tức, nhằm giúp lật ngược cuộc đảo chính quân sự.

Kyaw Moe Tun, vẫn trung thành với chính phủ dân sự bị lật đổ vào ngày 1/2, đã có một bài phát biểu ấn tượng trước hội đồng LHQ vào ngày 27/2.

Ông nói: “Chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn việc đàn áp người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ”.

Nhà ngoại giao đã nhận được tràng pháo tay hiếm hoi từ các đồng nghiệp LHQ khi kết thúc bài phát biểu.

Tân đại sứ Mỹ tại LHQ, Linda Thomas-Greenfield, đã ca ngợi những lời nhận xét "dũng cảm" của phái viên Myanmar.

Bà Thomas-Greenfield phát biểu trước cuộc họp: "Mỹ tiếp tục lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, và chúng tôi cũng lên án hành động giết người tàn bạo không vũ trang của lực lượng an ninh”.

Đại sứ Mỹ tại LHQ nói thêm rằng Mỹ "sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cứu người, bao gồm cả người Rohingya và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác ở các bang Chin, Kachin, Rakhine và Shan".

Akila Radhakrishnan, Chủ tịch Trung tâm Công lý Toàn cầu, cho biết trong một tuyên bố hôm 26/2: "Thế giới nên hoan nghênh sự dũng cảm của Đại sứ Kyaw Moe Tun vì đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ như vậy thay mặt cho người dân Myanmar, không phải quân đội bất hợp pháp.

Cộng đồng quốc tế phải khen thưởng lòng dũng cảm đó bằng cách thực hiện lời kêu gọi của ông ấy về hành động ngay lập tức, dứt khoát để buộc quân đội phải chịu trách nhiệm".

Ông Kyaw Moe Tun có bài phát biểu dũng cảm khi lên án hành động đảo chính của quân đội trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc
Ông Kyaw Moe Tun có bài phát biểu "dũng cảm" khi lên án hành động đảo chính của quân đội trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc

Myanmar rơi vào tình trạng bất ổn từ khi nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi bị bắt giữ trong cuộc đảo chính ngày 1/2 gây chấn động cộng đồng quốc tế, đảo ngược nhiều năm tiến bộ theo hướng dân chủ của quốc gia.

Bà Suu Kyi đã bị giam giữ tại nhà riêng ở thủ đô kể từ sau cuộc đảo chính.

Kể từ đó, đất nước đã chứng kiến ​​21 ngày liên tiếp của các cuộc biểu tình chống quân đội, với các cuộc biểu tình mới nhất được tổ chức ở Mandalay và Yangon vào thứ Sáu 26/6. Vào đầu ngày, một số người biểu tình đã tập trung ôn hòa bên ngoài nhà của bà Suu Kyi để cầu nguyện.

Sau đó, lực lượng an ninh ở 2 thành phố lớn nhất của Myanmar đã trấn áp những người biểu tình bằng cách bắn lựu đạn choáng, đạn cao su và bắn chỉ thiên.

Ít nhất một người bị thương ở Yangon, trong khi 3 người khác được xác nhận bị thương ở Mandalay - 2 người biểu tình bị đạn cao su bắn vào ngực, và 1 người khác bị thương ở chân.

Hôm 25/2, các nhân viên cảnh sát đã bắn "ít nhất 10 phát đạn lên trời” để giải tán một đám đông biểu tình ở Yangon.

Tấn Vĩ (theo CNN, DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI