Đại sứ Mỹ muốn cắt giảm lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

05/02/2017 - 17:54

PNO - Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, đặt vấn đề đánh giá sâu rộng hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, một động thái có thể dẫn đến việc đóng cửa và tinh giản các phái bộ quốc tế.

Các nhà ngoại giao LHQ cho biết, bà Haley tiếp nhận chức vụ của mình với cam kết “cải tổ” LHQ và loại bỏ những gì bà gọi là các hoạt động "lỗi thời", trong bối cảnh rộ lên những đồn đoán mới ở Washington về việc tài trợ của Mỹ cho tổ chức lớn nhất thế giới này.

Dai su My muon cat giam luc luong gin giu hoa binh LHQ
Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley trình thư ủy nhiệm lên Tổng thư ký Antonio Guterres - Ảnh: AFP

Trong các cuộc gặp mặt riêng với từng đại sứ của Hội đồng Bảo an trong tuần này, tân Đại sứ Mỹ đặt vấn đề gìn giữ hòa bình (GGHB) như một ưu tiên để cắt giảm, bà “chĩa mũi nhọn” vào hoạt động quan trọng hàng đầu này của LHQ. "Về cải tổ LHQ, tôi nghĩ rằng có một sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động GGHB", một nhà ngoại giao trong Hội đồng Bảo an tiết lộ.

Bà Haley đang lần lượt đánh giá hoạt động của các phái bộ quốc tế trong toàn bộ 16 hoạt động hòa bình và "tương đối hoài nghi" về giá trị và hiệu quả của nhiều sứ mệnh triển khai lính mũ nồi xanh GGHB.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ nói với các hãng tin quốc tế rằng cải tổ hoạt động GGHB là một "ưu tiên" đối với tân Đại sứ Mỹ, một người “muốn làm việc mật thiết với các đối tác then chốt về vấn đề này trong vài tuần tới”.

Dai su My muon cat giam luc luong gin giu hoa binh LHQ
Đại sứ Nikki Haley phát biểu tại cuộc họp Hội đồng bảo an LHQ ngày 2/2 - Ảnh: AP

Trong khi Hoa Kỳ có ít binh sĩ phục vụ sứ mệnh GGHB, đến nay nước này vẫn là người đóng góp tài chính lớn nhất cho hoạt động GGHB của LHQ. Năm nay, Washington đóng góp gần 29% vào ngân sách 7,9 tỷ USD của LHQ.

Trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ tháng 1/2017, Đại sứ Haley nói rõ bà đang tìm cách đưa tỷ trọng tài trợ của Mỹ đối với hoạt động GGHB của LHQ xuống mức dưới 25% và cho biết các nước khác cần chia sẻ với Mỹ gánh nặng này.

Mặc dù chưa có danh sách đóng cửa các sứ mệnh GGHB quốc tế, nhưng các nhà ngoại giao nói rằng phái bộ của LHQ tại Haiti và Liberia có thể sớm bị chấm dứt. Các quân nhân GGHB cuối cùng của LHQ  còn lại ở Bờ Biển Ngà sẽ được rút đi tháng Sáu tới, trong khi Hội đồng Bảo an gia hạn cho sứ mệnh UNMIL ở Liberia đến tháng 3/2018 với sự hiểu biết rằng đây sẽ là năm cuối cùng.

Đến nay, các nhà ngoại giao LHQ hoan nghênh sự giám sát của Mỹ và đồng ý rằng một số sứ mệnh đang hoạt động trong môi trường chính trị khó khăn, ví dụ ở Haiti, Síp hay Kosovo, những nơi không còn mối đe dọa đáng kể về xung đột vũ trang.

Dai su My muon cat giam luc luong gin giu hoa binh LHQ
Lực lượng GGHB của LHQ thực hiện sứ mệnh của mình - Ảnh: UNMISS

Cũng tại phiên điều trần của Thượng viện, bà Haley đã chất vấn về quyết định gửi binh lính GGHB đến Nam Sudan, với lý do chống lại chính quyền Tổng thống Salva Kiir, mặc dù khoảng 200.000 người dân Nam Sudan đang trú ẩn tại các căn cứ của LHQ. Bà nhấn mạnh, cần có chiến lược rút lui rõ ràng và các phái bộ mới chỉ được ủy quyền nếu có "cơ sở an toàn để bắt đầu."

Việc rà soát hoạt động GGHB có thể có những tác động nghiêm trọng đối với sự ổn định ở châu Phi, vì 9 trong số 16 nhiệm vụ GGHB của LHQ được triển khai tại lục địa này.

Việc Hoa Kỳ giảm tài trợ cho hoạt động GGHB có thể mở ra cánh cửa cho Trung Quốc, quốc gia đóng góp tài chính lớn thứ hai cho hoạt động GGHB của LHQ đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi – động thái mới có thể thúc đẩy vai trò của Bắc Kinh tại khu vực này.

Tỷ lệ đóng góp cho ngân sách GGHB của LHQ hiện nay, ngoài 29% của Mỹ, Trung Quốc chiếm 10,3%, Nhật Bản 9,7%, Đức 6,4%, Pháp 6,3% và Anh 5,8%.

THANH VÂN (Theo AFP, France24)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI