Theo Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Igor Driesmans, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các Hội nghị liên quan trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy.
|
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 |
Trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Jakarta ngay sau khi kết thúc hội nghị, Đại sứ Igor Driesmans đánh giá rằng các khía cạnh kỹ thuật và hậu cần của nước chủ nhà cho các sự kiện này là hết sức ấn tượng, trong đó có tính đến thực tế là các thành viên ARF nằm trải dài tại bốn lục địa với nhiều múi giờ khác nhau.
Đại sứ Igor Driesmans cho biết các sự kiện trên diễn ra vào thời điểm châu Âu, Đông Nam Á và toàn bộ thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19.
Dù diễn ra theo hình thức trực tuyến, Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 27 (ARF-27) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU như một “lời nhắc nhở quan trọng” về giá trị mà tất cả các bên tham gia nhận thấy đối với cách tiếp cận đa phương nhằm giải quyết các vấn đề và tăng cường hợp tác vào thời điểm có nhiều bất ổn.
Nỗ lực chung này đã được phản ánh trong “Tuyên bố ARF về phòng chống sự bùng phát của dịch bệnh truyền nhiễm” vốn được tất cả các nước tham dự tán thành và kêu gọi, nhằm tăng cường đoàn kết, hợp tác khu vực và quốc tế trong việc giải quyết đại dịch hiện nay và ngăn ngừa sự bùng phát trong tương lai.
Theo Đại sứ Igor, ARF-27 đã đề cập đến các vấn đề an ninh quốc tế và khu vực quan trọng như cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, tình hình Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên.
Đại dịch toàn cầu đã thúc đẩy xu hướng số hóa các nền kinh tế và xã hội, từ đó tạo ra nhu cầu hợp tác lớn hơn trong việc phát triển các chuẩn mực và hướng dẫn quốc tế nhằm bảo vệ an ninh mạng. Đây là lĩnh vực mới và ngày càng quan trọng của ARF.
Trong khi đó, đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU.
Hội nghị diễn ra rất hiệu quả, trong đó cả hai bên đều đánh giá rằng quan hệ EU-ASEAN đã phát triển sâu rộng, từ chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, nhân quyền, phát triển bền vững và thành phố thông minh đến thương mại, giáo dục, kết nối, an ninh mạng và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU cũng đề cập đến một loạt các vấn đề thời sự như hợp tác ASEAN-EU chống đại dịch COVID-19, nhất là sự hỗ trợ của EU nhằm soạn thảo một khuôn khổ phục hồi toàn diện và tăng cường hợp tác nhằm tiếp cận vaccine COVID-19 một cách công bằng và với giá cả phải chăng.
“Thông điệp chính của chúng tôi là EU tiếp tục là một đối tác tin cậy và có thể dự đoán được của ASEAN,” Đại sứ Igor nhấn mạnh, đồng thời cho hay ngoài việc ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID và gói hỗ trợ “Nhóm châu Âu” trị giá 800 triệu Euro (920 triệu USD) dành cho các nước ASEAN, vượt xa mức đóng góp của Mỹ và Trung Quốc, EU đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng tới tương lai.
Trước hết, EU sẵn sàng hợp tác với các đối tác ASEAN trong việc đảm bảo tiếp cận vắcxin COVID-19 một cách công bằng, bình đẳng và với giá cả phải chăng. EU và ASEAN là một trong những đối tác đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao về ứng phó với COVID-19 và đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng một Cộng đồng thịnh vượng, an toàn và đoàn kết vì điều này mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên.
Hai là, ngoài việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện tại, EU mong muốn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế chung thông qua việc tăng cường hơn nữa thương mại và kết nối với ASEAN. Tạo thuận lợi thương mại, dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, và kết nối dưới mọi hình thức - từ cơ sở hạ tầng vật lý, giao thông, kỹ thuật số đến giao lưu nhân dân - sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục chung hậu COVID của EU và ASEAN.
EU sẵn sàng và có thể làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác với ASEAN nhằm đảm bảo rằng hai bên có thể khai thác tối đa các cơ hội hiện có.
Bên cạnh đó, hai bên không được bỏ qua các thách thức khu vực và toàn cầu. Theo đó, EU ghi nhận những diễn biến gần đây tại Biển Đông.
Với sự tin tưởng vứng chắc vào luật pháp quốc tế và việc giải quyết các cuộc xung đột một cách hòa bình, EU kêu gọi các bên đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nhà ngoại giao châu Âu khẳng định rằng EU mong muốn các bên sớm đạt được COC phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU, EU đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cao hơn nữa vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tình hình tại bang Rakhine của Myanmar và tạo thuận lợi cho quá trình hồi hương những người buộc phải sơ tán. EU tự hào đã đồng bảo trợ cho Tuyên bố ARF về đối xử với trẻ em bị tuyển dụng hoặc có liên quan tới các nhóm khủng bố.
Đại sứ Igor cho rằng, trong thời gian tới, nền kinh tế xanh, số hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ ngày càng trở nên nổi bật hơn trong quan hệ hợp tác giữa EU và ASEAN. Trong đó, Chương trình nghị sự xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của EU cũng như trong mối quan hệ đối tác giữa EU và ASEAN.
Về vai trò và đóng góp của Việt Nam từ đầu năm đến nay, Đại sứ Igor đánh giá Chủ tịch ASEAN Việt Nam đã tổ chức thành công một loạt hội nghị Bộ trưởng quan trọng trong năm nay trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy.
Mặc dù phần lớn các cuộc họp đã chuyển sang hình thức họp trực tuyến, trong vài tháng qua, EU và ASEAN đã có thể duy trì động lực tốt trong việc tăng cường quan hệ song phương và củng cố tính chất chiến lược của chúng.
Cho rằng trọng tâm của Việt Nam trong việc củng cố một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng là “điều không có gì phù hợp hơn hiện nay” trong bối cảnh đại dịch đã gây ra cú sốc kinh tế toàn cầu chưa từng thấy trong lịch sử cận đại, Đại sứ Igor cho rằng, ở cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thành công trong việc nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng này.
Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã thực sự cho thấy sự sẵn sàng hợp tác nhằm tìm ra các giải pháp khu vực và giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng này - điều được chứng minh trong Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt về COVID-19 hồi tháng Tư vừa qua.
Đại sứ Igor khẳng định rằng Việt Nam đã tái khẳng định được vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN bằng cách duy trì sự sự can dự thường xuyên, thực chất giữa ASEAN và các đối tác kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo ông, trong thời gian tới, quan hệ EU-ASEAN chắc chắn sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các động thái đã được thực hiện trong năm khủng hoảng này, qua đó cho phép hai bên thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.
Theo TTXVN