Đãi ngộ tốt, doanh nghiệp vẫn khó tuyển đủ người

25/02/2025 - 06:40

PNO - Thiếu hụt nhân công sau tết Nguyên đán, các doanh nghiệp ở TPHCM tìm mọi cách tuyển dụng nhưng vẫn không thể tuyển đủ người. Một trong những lý do là người trẻ không muốn làm công nhân trong các ngành gia công.

Thưởng tiền cho người giới thiệu ứng viên

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trong khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), nhiều công ty đang treo bảng tuyển công nhân. Công ty TNHH UNIMAX thông báo tuyển 100 công nhân may với nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn: ngoài mức lương cao, thưởng theo sản phẩm, công ty còn hỗ trợ công nhân đi làm thực tập sinh ở Nhật Bản. Để tuyển đủ người, công ty có chính sách thưởng tiền cho công nhân giới thiệu được người vào làm việc.

Trong khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức), bảng tuyển dụng cũng được treo, dán trước cổng nhiều công ty. Một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử thông báo nhận hồ sơ ứng tuyển và tổ chức phỏng vấn mỗi ngày, tuyển người có tay nghề lẫn lao động phổ thông, vào gia công lắp ráp linh kiện điện tử, kiểm hàng, mức lương từ 8-14 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông, lương thỏa thuận đối với người có tay nghề.

Anh Đức Tiến - nhân viên bảo vệ của một công ty cơ khí trong khu chế xuất Linh Trung - cho biết, gần đây, công ty nhận được nhiều đơn hàng mới, có kế hoạch mở rộng xưởng nên cần tuyển đông công nhân. Người dự tuyển chỉ cần nộp hồ sơ là được mời phỏng vấn, nhận việc ngay.

Người lao động xem thông tin tuyển dụng trước cổng một công ty
Người lao động xem thông tin tuyển dụng trước cổng một công ty

Ông Nguyễn Ngọc Tráng - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Thời trang Sơn Kim (quận 10) - cho biết, công ty có khoảng 170 công nhân. Số đơn hàng ngày càng nhiều nhưng trước tết, nhiều công nhân nghỉ việc nên tiến độ sản xuất không đạt. Ông nói: “Nhiều người nghỉ việc do lo rằng, theo chính sách mới, thời gian đóng bảo hiểm xã hội vượt quá 15 năm thì không được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Họ tranh thủ nghỉ việc trước khi chính sách mới có hiệu lực”.

Sau tết, công ty cần tuyển 50-100 người với mức lương cơ bản 7-8 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì thu nhập có thể đạt 10-12 triệu đồng/tháng. Ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm, lương, thưởng theo quy định pháp luật, công ty còn thưởng chuyên cần, hỗ trợ tiền thuê nhà, thưởng nóng hằng tháng cho những người làm việc đạt năng suất cao. Dù công bố chế độ đãi ngộ hấp dẫn, số hồ sơ dự tuyển vẫn chưa đạt.

Ông Nguyễn Ngọc Tráng phân tích: “Ngành may mặc ngày càng khó tuyển được nhân công do ngày càng ít người trẻ chọn nghề này. Hơn nữa, công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ nên không phải ai cũng phù hợp. Ngoài ra, nhà xưởng của công ty nằm trong khu công nghiệp Cát Lái, gần cảng Cát Lái - nơi có mật độ xe container lưu thông dày đặc - nên người lao động e ngại việc di chuyển”.

Tự động hóa để giảm phụ thuộc nhân công

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú) - cho biết, doanh nghiệp trong ngành dệt may thiếu hụt nhân công trầm trọng và có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn.

Riêng ở Công ty Thành Công, số công nhân nghỉ việc không quá nhiều nhưng do công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất nên cần tuyển mới với số lượng lớn. Ngoài nhà xưởng ở TPHCM, công ty còn mở nhà xưởng ở các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long.

Ông so sánh, ở tỉnh Vĩnh Long, công ty cần tuyển 1.000 người, lượng ứng viên tuy không còn dồi dào như trước nhưng vẫn đủ. Trong khi đó, ở TPHCM, dù chỉ cần tuyển 300 người nhưng số ứng viên lại quá hiếm.

Để thu hút ứng viên, công ty triển khai chính sách trả lương, thưởng hấp dẫn, đồng thời thưởng tiền cho người lao động giới thiệu bạn bè, người thân vào làm việc. Ngoài ra, công ty còn treo băng rôn, bảng tuyển dụng ở các địa điểm công cộng, phối hợp UBND các xã, huyện giới thiệu chương trình tuyển dụng, đăng tuyển trên các mạng xã hội.

Theo ông, tình trạng thiếu nhân công ở TPHCM là do người lao động chuyển về quê tìm việc làm. Thu nhập ở TPHCM cao hơn ở các tỉnh khoảng 20% nhưng chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ. Đặc biệt, với những người có con nhỏ, việc làm công nhân ở quê giúp họ giảm được khoản chi phí đáng kể.

Ông cho hay, để giải quyết khó khăn về nhân lực, công ty đã đầu tư đổi mới công nghệ, tự động hóa một số công đoạn sản xuất. Trước đây, một dây chuyền sản xuất cần đến 1.000 công nhân thì nay chỉ cần 700-800 người. Việc đổi mới công nghệ vừa giảm chi phí trả lương, vừa tăng năng suất.

Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng đảm bảo thu nhập, chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành dệt may là giá sản phẩm không tăng nên khó nâng lương cho công nhân.

Hỗ trợ thanh niên trên đường tìm việc

Ông Nguyễn Văn Sang - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM - cho biết, để hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, trung tâm triển khai nhiều chương trình kết nối việc làm ở các bến xe lớn như Miền Đông, Miền Tây, An Sương, Thủ Đức, đồng thời tổ chức các ngày hội việc làm.

Ngoài ra, trung tâm cũng liên kết với hệ thống đoàn thanh niên của các tỉnh, thành để đưa người lao động đến TPHCM tìm việc. Nhằm ngăn ngừa tình trạng lừa đảo tuyển dụng, trung tâm bố trí văn phòng giao dịch ở các bến xe nhằm cung cấp thông tin việc làm, hỗ trợ người lao động tìm chỗ trọ, tổ chức các khóa bổ trợ nghề nghiệp.

Người lao động mong có việc làm ổn định

Trong khi doanh nghiệp khó tìm nhân sự thì không ít người lao động cũng chật vật tìm việc. Có mặt từ sáng sớm trước cổng Công ty Nissey Vietnam (khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), anh Nguyễn Hoàng Vũ - 23 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè - chia sẻ, trước tết, anh thuộc nhóm lao động bị cắt giảm nhân sự khiến cuộc sống rơi vào cảnh bấp bênh.

Do phải gồng gánh chi phí sinh hoạt hằng tháng, tiền nhà, tiền đóng lãi ngân hàng, nên mới thất nghiệp vài tháng anh đã thấy chật vật. “Trong kỳ nghỉ tết, tôi liên tục tìm kiếm thông tin tuyển dụng trên các trang mạng. Qua giới thiệu của người quen, tôi quyết định nộp đơn ứng tuyển vào Công ty Nissey, hy vọng có việc làm ổn định” - anh Vũ nói.

Đang ngồi chờ nộp hồ sơ xin việc tại khu chế xuất Linh Trung 1, chị Lý Thị Hoa - 38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức - chia sẻ, chị đã có gần 20 năm làm công nhân. Cách đây mấy năm, vì phải về quê chăm sóc mẹ già đau ốm, chị đành nghỉ việc tại TPHCM. Ở quê, chị làm công nhân đếm cua giống nhưng thu nhập thấp nên quyết định quay lại thành phố tìm việc. Điều chị lo lắng nhất là tuổi đã lớn, khó xin việc, bởi các công ty đều ưu tiên nhận lao động trẻ

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động

Bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết, sau tết, doanh nghiệp ở TPHCM cần tuyển khoảng từ 50.400-55.500 người, làm việc chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại - dịch vụ (chiếm 67,57% tổng nhu cầu), công nghiệp - xây dựng (31,92%), nông - lâm - thủy sản (0,51%), công việc cần tuyển gồm công nhân may mặc - da giày, nhân viên kinh doanh thương mại, hành chính - văn phòng, biên tập - phiên dịch, cơ khí - tự động hóa, vận tải - kho bãi, kế toán - kiểm toán, marketing…

So với năm Giáp Thìn, nhu cầu tuyển dụng sau tết Ất Tỵ tăng khoảng 7%, chủ yếu do xu hướng chuyển đổi công việc và nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2025, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 300.000 lao động, trong đó tạo mới 140.000 chỗ làm và duy trì tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.

Để đạt được mục tiêu này, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai hàng loạt giải pháp như: tăng cường theo dõi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, đẩy mạnh tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm ngay từ đầu năm nhằm giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận cơ hội việc làm mới, đồng thời hợp tác với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long để mở rộng thị trường lao động.

Ngoài ra, sở cũng triển khai các chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc… nhằm mang đến cho người lao động thêm nhiều sự lựa chọn, từ đó góp phần ổn định thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

N Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI