Đại lý bảo hiểm “đại náo” làng quê

13/04/2023 - 06:08

PNO - Nhiều người dân ở các làng quê mua bảo hiểm từ đại lý là hàng xóm, láng giềng, thậm chí từ những người bà con. Đại lý cũng không rành về bảo hiểm để tư vấn cặn kẽ, người mua bảo hiểm ký hợp đồng do tin tưởng chứ không đọc kỹ. Khi đại lý rút khỏi lĩnh vực bảo hiểm, người mua chỉ biết kêu trời.

Mất cả tình làng nghĩa xóm

Năm 2010, sau khi dự hội thảo về bảo hiểm nhân thọ (BHNT) do Công ty BHNT P. tổ chức ở xã, bà Vũ Thị Hoạt - giáo viên mầm non ở thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - mua gói bảo hiểm giáo dục của công ty này trong tình trạng “còn đang phân vân thì người ta đã mang hợp đồng đến nhà rồi”. 

Khi đó, bà Hoạt 50 tuổi, nghĩ đơn giản là mỗi năm đóng hơn 4 triệu đồng thì 10 năm sau sẽ có tiền cho con trai học đại học. Tiền ấy coi như bà để dành. Bà lại nghe đại lý bảo hiểm nói quá hay, vẽ ra đủ thứ quyền lợi và đặc biệt là sau 10 năm, còn có một khoản lãi kha khá. Ông T. - đại lý BHNT - lại là người cùng xã nên bà tin và ký.

Bà Vũ Thị Hoạt thấy mình bị lừa khi chỉ  rút được 33 triệu đồng sau 10 năm đóng  bảo hiểm với tổng cộng hơn 40 triệu đồng
Bà Vũ Thị Hoạt thấy mình bị lừa khi chỉ rút được 33 triệu đồng sau 10 năm đóng bảo hiểm với tổng cộng hơn 40 triệu đồng

Tháng 8/2020, bà Hoạt đến văn phòng Công ty BHNT P. ở TP Nam Định làm thủ tục rút tiền như đã thỏa thuận miệng với ông T. 10 năm trước. Lúc này, bà mới biết, phải đến năm 2024, hợp đồng của mình mới đáo hạn và có lãi. Thấy mình như bị lừa, bà Hoạt yêu cầu được rút theo đúng thỏa thuận có lãi sau 10 năm. Tuy nhiên, số tiền mà bà nhận được chỉ là 33 triệu đồng chứ không phải hơn 38,8 triệu đồng như trong hợp đồng. 

Bà Hoạt kể: “Tôi thắc mắc sao thực tế không như hồ sơ thì họ trả lời đấy chỉ là hồ sơ mô phỏng. Lúc ký, họ chỉ đưa cho tôi mỗi cái hồ sơ đấy thôi chứ có hồ sơ nào khác đâu. Họ còn nói do tôi mua bảo hiểm là bảo vệ cho cả chồng, con nên phải trừ đi khoản tiền bảo vệ cho họ”. Lúc này, bà Hoạt chỉ biết tự trách mình không đọc kỹ hồ sơ. Ông đại lý T. cũng vỡ nợ, vợ chồng đã bỏ trốn, mấy năm mới về. 

Năm 2016, sau khi nghe nhiều người giới thiệu, lại thấy nhiều nhà trong xã mua bảo hiểm, gia đình ông Đinh Quốc Chí (xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bèn quyết định mua sản phẩm bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm H. qua đại lý là bà Lê Thị N. - cùng xã. “Trước khi mua, trong người tôi cũng có bệnh nặng, chảy máu dạ dày, lên bệnh viện tỉnh rồi. Nhân viên tư vấn nói nếu chú bệnh thế, nay mai ngã bệnh thì được bảo hiểm lo. Họ động viên mãi, thế là tôi mua gói 10 năm, mỗi năm đóng 10 triệu đồng” - ông Chí kể.

Những người dân xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa  kể về việc mua bảo hiểm của đại lý Lê Thị N.
Những người dân xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa kể về việc mua bảo hiểm của đại lý Lê Thị N.

Năm 2018, ông Chí nằm viện. Ra viện, ông làm hồ sơ gửi công ty bảo hiểm và được nhận 900.000 đồng. Tháng 11/2020, ông Chí lại phải nhập viện. Khi về, ông làm giấy tờ như lần trước, nhưng: “Công ty không chấp nhận, bắt làm hồ sơ bệnh án. Họ hướng dẫn xin xã rồi gửi giấy lên huyện để làm hồ sơ. Sau đó, công ty gửi giấy về báo hủy hợp đồng”. Lúc này ông Chí mới phát hiện, nhiều loại giấy tờ đã bị ký khống. 

Ông Chí cho biết, ông không biết chữ và chỉ nghe đại lý tư vấn. Trong 4 năm tham gia bảo hiểm, ông đóng phí 4 lần qua đại lý là người hàng xóm nhưng “có lần chỉ ghi sổ, có lần vừa ghi sổ, vừa đưa biên lai. Có khi họ thu tiền cuối năm hoặc nửa năm mới lấy biên lai, hiện giờ vẫn thiếu 2 biên lai”. Nhiều người hàng xóm của ông Chí cho biết, họ cũng phát hiện nhiều loại giấy tờ bị giả mạo chữ ký của họ.

3 năm, lỗ 23 triệu đồng

Không ít đại lý bảo hiểm vốn là nông dân chân lấm tay bùn, bỗng một ngày rẽ qua làm nhân viên tư vấn bảo hiểm. Có thể cả đại lý lẫn khách hàng đều không thực sự hiểu biết về bảo hiểm, nhưng có một thực tế là hoa hồng (chiết khấu phần trăm) từ mỗi hợp đồng đã biến không ít đại lý thành những người dụ dỗ hàng xóm, người thân quen mua bảo hiểm.

Sau khi thấy bà Hoạt - người mua bảo hiểm đầu tiên của xã - đi rút tiền bị âm vốn, bà Nguyễn Thị M. - ở cùng xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - quyết định dừng “chơi” bảo hiểm sau 3 năm tham gia, mỗi năm đóng 13 triệu đồng, tổng tiền đã đóng là 39 triệu đồng. Bà chỉ nhận lại được 16 triệu đồng.

Trong vai khách hàng muốn tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm, chúng tôi tìm đến văn phòng Công ty BHNT P. ở TP Nam Định. Điều đáng ngạc nhiên là chính nhân viên văn phòng này lại nói “không nắm rõ” khi chúng tôi hỏi đến câu thứ tư về sản phẩm mà mình đang quan tâm. Họ giới thiệu chúng tôi liên hệ với đại lý tên C. Khi chúng tôi liên lạc qua điện thoại, bà C. giải thích: “Chắc là các bạn ấy sợ đấy thôi, chứ nhân viên của mình rất là chuyên nghiệp. Tại vì có nhiều người giả danh khách hàng vào hỏi. Các bạn sợ trách nhiệm nên các bạn mới đẩy hết cho đại lý”.

Khi gặp trực tiếp, nghe hỏi lại ý này, bà C. nói: “Trong 21 năm tôi làm bảo hiểm, bạn là người thứ năm đến mua. Còn thường các đại lý phải nói rã miệng, phải tư vấn chán chê chứ không phải người ta tự giác đi mua bảo hiểm như bạn, nên các bạn nhân viên sợ rằng khách hàng này là khách hàng giả danh, do chính công ty cử đến để kiểm tra tư cách của tư vấn viên”.

Hoa hồng quá hấp dẫn

Theo nhiều người dân huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, họ không chỉ được đại lý thuyết phục mua BHNT mà còn được dụ dỗ mời những người thân quen trong họ hàng, làng xóm mua bảo hiểm để được trả hoa hồng cao. 

Bà Nụ - ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc - kể: “Cô ấy (đại lý) nói, làm bảo hiểm sướng lắm, không phải bỏ vốn mà lại có nhiều tiền. Mà đúng là từ ngày làm đại lý bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm H., cô ấy nhiều tiền thật, chứ trước đây cũng làm thuần nông, nhà có vài sào ruộng, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu”.

Bà Nguyễn Thị A.H. là cử nhân, tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân, từng tham gia khóa đào tạo đại lý của một công ty bảo hiểm có tiếng nhưng bà chỉ bán bảo hiểm khi có người thân, quen nhờ chứ không chủ động mời chào ai. Khi được hỏi có phải hoạt động bán bảo hiểm là đa cấp không, bà thẳng thắn: “Chỉ có thể nói những sản phẩm của bảo hiểm đều thuộc sản phẩm vô hình, của tương lai chứ không phải ở hiện tại. Để tiêu dùng được nó, người ta phải xây dựng quan hệ lòng tin cộng với nhu cầu được khởi phát. Với một người lạ, bỗng dưng gặp thì làm sao có đủ tin tưởng để mua bán ngay? Giá sản phẩm bảo hiểm lại cao chứ không như bó rau, ký thịt. Thế nên, người ta thường phải dùng người quen để bán được sản phẩm trước, sau đó xây dựng mạng lưới người quen cấp dưới, người quen tiêu thụ”.

Bà A.H. cho biết thêm: “Đại lý bán bảo hiểm - thậm chí bằng mọi giá - là do được nhận hoa hồng cao. Nếu ký được 1 hợp đồng bán sản phẩm, đại lý được hưởng từ 25 - 35% giá trị phí đóng năm đầu của người mua. Ví dụ hợp đồng của bạn là 20 triệu đồng/năm thì nghiễm nhiên tôi được hưởng gần 7 triệu từ số tiền năm đầu tiên mà bạn đóng. 1 tháng, tôi bán được 3 sản phẩm như vậy thì tôi có 20 triệu đồng, bằng với mức lương trung bình của một trưởng phòng hiện nay. Nếu cấp trên của tôi đang cần đạt định mức thì tôi còn được thưởng thêm”. 

Bà giải thích thêm: “Họ cũng muốn chính người mua trở thành đại lý vì khi tuyển được 3-5 đại lý cấp dưới (tùy yêu cầu của từng công ty) thì họ được lên cấp quản lý, được hưởng hoa hồng từ hợp đồng do mình bán được, đồng thời hưởng thêm 50% hoa hồng từ đại lý. Nếu các đại lý cấp dưới không ký được hợp đồng nào trong 3 tháng thì mã đại lý bị mất và đại lý đó được coi như người mới, phải học lại từ đầu. Đó cũng là lý do khiến các đại lý “săn mồi” bằng được”. 

Nhóm phóng viên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI