Đài Loan tìm cách giữ vị thế nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu

13/09/2019 - 06:39

PNO - Từ định hướng đúng đắn trong những năm 70 của thế kỷ trước, Đài Loan vượt mặt Mỹ để trở thành nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới.

Dù vậy, Đài Loan đang cần những sự bứt phá mới để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu và nới rộng khoảng cách với những đối thủ từ Trung Quốc đại lục.

Hướng đi đúng đắn trong quá khứ

Một trong những sáng kiến quan trọng làm nền tảng cho ngành sản xuất chip điện tử của Đài Loan là thành lập Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp (ITRI) vào năm 1973 nhằm nghiên cứu ứng dụng và trợ giúp kỹ thuật cho ngành công nghiệp. 

Dai Loan tim cach giu vi the nha san xuat chip dien tu hang dau
Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) có trụ sở chính ở Hsinchu, một thành phố ở phía bắc Đài Loan

Tuy vậy, mọi sự chỉ chính thức bắt đầu vào dịp tết Nguyên đán tháng 2/1974, khi bảy người đàn ông tập trung ăn sáng tại trung tâm thành phố Đài Bắc và vạch ra hướng phát triển để Đài Loan xâm nhập thị trường sản xuất chất bán dẫn.

Đến năm 1976, Đài Loan thuyết phục RCA - khi đó là công ty điện tử hàng đầu tại Mỹ - chuyển giao công nghệ bán dẫn. Tháng Tư cùng năm, nhóm kỹ sư đầu tiên của Đài Loan được gửi đến các cơ sở của RCA để được đào tạo chuyên sâu ở nhiều khâu khác nhau, từ thiết kế, quy trình, sản xuất đến lắp ráp thiết bị. 

Nhóm kỹ sư Đài Loan được đào tạo tại Mỹ cuối cùng quay về làm việc tại công ty bán dẫn đầu tiên của hòn đảo - United Microelectronics Corporation (UMC) do ITRI thành lập năm 1980.

Vị trí dẫn đầu ở hiện tại

Trải qua 43 năm phát triển ngành công nghệ chip điện tử, vừa qua, tại nhà hát Steve Jobs ở Cupertino, bang California (Mỹ), Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook đứng trên sân khấu để giới thiệu iPhone 11, với bộ vi xử lý siêu nhanh A13 Bionic do Công ty Sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sản xuất. Được một kỹ sư từ ITRI thành lập năm 1987, TSMC là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới hiện nay, chiếm khoảng một nửa thị phần của ngành với sản phẩm hiện diện trong mọi thiết bị, từ iPhone 11 đến các giàn khai thác bitcoin. TSMC là xưởng đầu tiên sản xuất vi mạch 7-nanomet.

Tiếp tục bứt phá

Dù đang đứng trên “ngai vàng”, Đài Loan một lần nữa phải tìm cách bứt phá khi ngành công nghiệp đạt đến giới hạn vật lý của định luật Moore (theo đó, số lượng transistor bán dẫn trên một vi mạch tăng gấp đôi cứ sau 2 năm), cũng như sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống internet vạn vật (IoT) dẫn đến nguy cơ phá vỡ công nghệ bán dẫn hiện có.

MediaTek, một đối thủ cạnh tranh với hãng bán dẫn khổng lồ Qualcomm của Mỹ, chuyên sản xuất chipset cho điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng như ti vi cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Dù vậy, Bắc Kinh quyết định phát triển khả năng tự chủ hơn trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn giữa cuộc chiến thương mại với Mỹ. Oppo - nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai của Trung Quốc sử dụng chip từ cả Qualcomm và MediaTek - gần đây đã bắt đầu phát triển công nghệ chip cho riêng mình.

Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên nếu các khu vực khác tìm cách bắt kịp, thậm chí vượt qua Đài Loan trong sản xuất chip. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, đây là một cuộc đua mà Đài Loan nắm ưu thế. Mặc dù Trung Quốc đang thúc đẩy đổi mới các khía cạnh khác nhau của thiết kế và sản xuất chất bán dẫn, những người trong ngành cho biết “nền kinh tế số 1 châu Á” cần ít nhất 5-10 năm để bắt kịp công nghệ của Mỹ và Đài Loan. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI