Đài Loan - thách thức đối với tân Tổng thống Mỹ

03/11/2020 - 06:01

PNO - Có nhiều lý do để bàn về tương lai của vùng lãnh thổ Đài Loan trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.

Đài Loan được xem là thách thức lớn đối với vai trò của tân Tổng thống Mỹ Ảnh: Reuters
Đài Loan được xem là thách thức lớn đối với vai trò của tân Tổng thống Mỹ Ảnh: Reuters

Ông Tập đang hướng đến “di sản” của mình

Từ lâu, Trung Quốc và Mỹ luôn nhìn nhau không mấy thiện cảm đối với chủ đề Đài Loan. Bắc Kinh khẳng định hòn đảo 23 triệu dân này là lãnh thổ bất khả tách rời của mình, trong khi Washington nêu quan điểm, bất kỳ giải pháp nào liên quan đến ước muốn ly khai lâu dài của Đài Bắc đều phải được thực hiện trong hòa bình.

Theo giáo sư Steve Tsang - Giám đốc Viện Trung Hoa tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (Anh Quốc) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn muốn có được Đài Loan trước khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm. Ông luôn xem mình phải có sứ mệnh hoàn thành điều mà các nhà lãnh đạo tối cao trước đây chưa thể làm được.

Tương tự, bà Oriana Skylar Mastro - một nhà phân tích quân sự của Đại học Stanford (Mỹ) - cảnh báo Đài Loan khi ông Tập thông qua việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ hồi năm 2018, mọi điều ông ấy nói về Đài Loan đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Khi nói rằng mình muốn vấn đề được giải quyết, nghĩa là giờ đây, nó gắn liền với tính hợp pháp trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông ấy.

Ông Tập tuyên bố công khai việc thống nhất Đài Loan là “yêu cầu tất yếu” cho sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa. Mốc thời gian để hoàn thành sự “phục hưng vĩ đại” đó là năm 2049, kỷ niệm 100 năm cách mạng Trung Quốc. Dù còn đến gần 30 năm nữa, nhưng có nhiều lý do để nghĩ rằng, ông Tập đang muốn nó đến sớm hơn. Trong đó, sức mạnh quân sự ngày càng lớn khiến nước này có thể sớm đủ khả năng đánh bại Hoa Kỳ trong cuộc chiến giành đảo quốc.

“Trong 20 năm qua, câu hỏi chính mà hầu hết mọi người đặt ra là, liệu Hoa Kỳ có bảo vệ đồng minh và đối tác của mình không? Với Đài Loan, câu hỏi thiết thực hơn là, liệu Mỹ sẽ viện trợ cho họ? Nhưng khi quân đội Trung Quốc ngày càng tiên tiến hơn, câu hỏi đã chuyển từ sẽ sang có thể” - bà Mastro nói. 

Đại úy James E. Fanell - nguyên Giám đốc Cục Tình báo hải quân, thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ - nói: “Theo tôi, giai đoạn 2020-2030 là thời điểm nguy hiểm nhất của mối quan hệ”.

Tân Tổng thống Mỹ phải khẳng định vị thế ở châu Á

Về địa chính trị, chiếm Đài Loan không chỉ nhằm lấy lại “những vùng lãnh thổ đã mất”, mà quyền kiểm soát hòn đảo này còn mang lại cho Bắc Kinh cái mà tướng Douglas MacArthur từng gọi là “hàng không mẫu hạm không thể chìm ở Thái Bình Dương”. 

Bà Mastro cho rằng, chỉ cần một chiến thắng của Trung Quốc trước Đài Loan, bản đồ chiến lược của châu Á sẽ phải vẽ lại hoàn toàn. “Nếu Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh giành Đài Loan và chiến thắng, họ không chỉ thống nhất với Đài Loan mà về cơ bản, là dấu chấm hết cho vai trò lãnh đạo châu Á của Hoa Kỳ” - bà phân tích.

Tại Washington, lưỡng đảng đã công nhận rằng, mối đe dọa đối với Đài Loan đang ngày càng gia tăng. Trong một động thái rõ ràng hướng tới Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt bán hàng tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, bao gồm các tên lửa đất đối không tiên tiến. Tuy nhiên, đến giờ này, vẫn chưa rõ Hoa Kỳ sẽ làm gì nếu Đài Loan bị tấn công. Đó là một sai lầm, theo đại úy Fanell: “Lịch sử cho thấy, nếu Mỹ không đưa ra các tuyên bố dứt khoát về việc bảo vệ đồng minh thì bạn bè của Mỹ sẽ gặp rủi ro”.

Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất kể từ vụ Thiên An Môn năm 1989. Cả hai bên đều lên tiếng kêu gọi nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ phải bỏ thái độ thù địch. Dù muốn dù không, đây cũng là kiểu tương tác cũ thất bại và tổng thống kế tiếp của Mỹ phải tìm ra kiểu quan hệ mới với đất nước tỷ dân một cách trung thực và mạnh mẽ hơn. Lúc đó, đối với các đồng minh châu Á, đặc biệt là Đài Loan, Mỹ rõ ràng sẽ hơn hẳn Trung Quốc. 

Nam Anh (theo BBC)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI