Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch

09/11/2019 - 12:11

PNO - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, một bậc cao tăng đức độ có nhiều cống hiến cho Phật giáo, được nhiều tăng ni, phật tử kính quý đã viên tịch tối qua 8/11 tại thành phố Huế.

Theo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, do niên cao, lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch lúc 21g 45 phút tối 8/11 tại phương trượng chùa Từ Đàm, số 1 đường Sư Liễu Quán, P.Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp (tuổi công đức tu hành).

Dai lao Hoa thuong Thich Tri Quang vien tich
Đại lão hòa thượng Thích Trí Quang.

Theo di huấn của Đại lão Hòa thượng, sau khi ngài mất khoảng 6 giờ thì khâm liệm; tiếp đó các Pháp tử lạy 3 lạy rồi đưa ra xe tang; “Không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu; chuyển đến lò thiêu, thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất trăm ngày, tiểu tưởng và đại tường”…

Theo thông báo của Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm, thực hiện di huấn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, các chư tôn thiền đức, Phật tử khi đến viếng chỉ lạy xong rồi về, miễn tất cả phúng viếng, kể cả vòng hoa.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang sinh quán làng Diêm Điền, tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh (nay là P.Đức Ninh Đông, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Ngài xuất gia khi 13 tuổi (năm 1936) với đại sư Hồng Tuyên ở chùa Phổ Minh, sau đó vào kinh đô Phú Xuân tu học và gắn bó với Phật giáo cố đô, đặc biệt “Pháp nạn” năm 1963 xuất phát từ Huế trong Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2507; tên tuổi của ngài cũng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại, cũng như lịch sử đấu tranh, thống nhất đất nước.

Năm 2013, ở tuổi 91, Đại lão Hòa thượng đã trở về thăm quê nhà sau hơn 60 năm xa cách và lưu lại chốn cũ là chùa Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì cho tới ngày viên tịch.

Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang là tác giả của nhiều công trình giảng luận Phật pháp, Luật học của người xuất gia, là nhà phiên dịch, chú giải nhiều kinh điển Đại thừa, sám pháp, luận sớ của chư vị Bồ - tát, chư Tổ sư và hàng trăm bài khảo luận dựng lại tinh thần Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, làm nền tảng cho Phật học và thái độ ứng xử theo Chánh pháp.

B.T.L

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI