Sáng 31/7, Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TPHCM nhiệm kỳ thứ VIII (2020-2025) diễn ra tại Nhà hát Thành phố. Đại hội đã tổng kết về nhiệm kỳ vừa qua và đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ tới.
Nhắc chuyện "muôn năm cũ"
Nhiều vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua đã được nêu ra trong đại hội: sự vắng mặt của các tác giả trẻ ở các trại sáng tác, cách thức tổ chức trại chưa thay đổi, cơ chế còn gây nghi ngờ trong việc thiên vị tác giả dự trại sáng tác, tác phẩm được đầu tư.
|
Do dịch bệnh nên các nghệ sĩ tham dự đại hội đều ngồi giãn cách, đeo khẩu trang |
Tiết mục cải lương mở màn đại hội của các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang:
Những khó khăn khiến ảnh hưởng đến tình hình sân khấu cũng được nêu ra như: sự phát triển của internet; các loại hình giải trí tại nhà; nghệ sĩ chỉ lao vào sáng tạo mà không thấy được quy luật khắc nghiệt của cạnh tranh thị trường (làm nghệ thuật thương mại để tồn tại, mưu sinh; chiều theo thị hiếu của khán giả “tầm thấp”, hướng vào giải trí đơn thuần…, những điều này tạo ra kẻ thù của nghệ thuật), chất và lượng của tác phẩm; lối sống thực dụng và đạo đức nghề nghiệp…
Điều quan trọng nhất sau mỗi kỳ đại hội là nói phải đi đôi với làm. Tôi dự đại hội và mong có sự thay đổi nào đó về nhân sự. Tư duy có vẻ đã mới hơn một chút nhưng giữa nói và làm vẫn đang đợi, qua nhiều kỳ đại hội.
NSND Kim Xuân
|
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung nêu một số vấn đề để trình các cấp quản lý, lãnh đạo: Sân khấu xã hội hoá cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn; có sân khấu, cơ sở vật chất để nghệ sĩ hoạt động; khôi phục lại các sân khấu cho kịch nói, hát bội; trưng dụng sân khấu cũ, phân phối mặt bằng các trung tâm văn hoá cho thuê làm dịch vụ; nếu nhà nước đầu tư xây dựng nhà hát đủ chuẩn, các đơn vị xã hội hoá sẽ tập trung biểu diễn…
Một số nhiệm vụ được đưa ra trong nhiệm kỳ mới như: đổi mới việc tổ chức các trại sáng tác, đây sẽ là trọng tâm để có nguồn kịch bản cho các sân khấu thành phố; ưu tiên xây dựng lực lượng tác giả trẻ kế thừa, tác giả viết cho các loại hình nghệ thuật truyền thống; tổ chức các chuyến đi cho các tác giả; xác định sự phát triển lâu dài của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ…
Ngoài ra, một số hoạt động sẽ được Hội Sân khấu tổ chức, phối hợp tổ chức trong tương lai gần như Giải thưởng Tài năng Cải lương Trần Hữu Trang 2020, Liên hoan Sân khấu Kịch nói TPHCM (trước là liên hoan sân khấu mùa thu nhưng bị gián đoạn)…
|
NSƯT Mỹ Uyên và hai bạn diễn trong vở Bồ công anh ra mắt cách đây không lâu, lấy chủ đề về người đồng tính |
Với những vấn đề cũ và mới được đặt ra tại đại hội, nghe qua có vẻ rất nhiều nhưng, với những ai hiểu về sân khấu và hoạt động của Hội Sân khấu TP, đó đều là "chuyện muôn năm cũ", được nhắc đi nhắc lại từ kỳ đại hội trước.
Hội hồn nhiên, "làm thinh" một cách khó hiểu
Sân khấu xã hội hoá chật vật trong nhiều năm qua đã trở thành câu chuyện buồn của giới làm nghề. Bởi đó vẫn đang là lực lượng có sự đóng góp khá lớn và gần như là diện mạo của đời sống sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch nói từ nhiều năm nay. Hát bội, cải lương… ngày càng gặp khó khăn cũng không còn là chuyện lạ. Các đơn vị than trời vì không có điểm diễn, hoặc có nhưng không đáp ứng công năng cũng thường xuyên được nhắc. Hội đã đứng đâu trong những câu chuyện này?
"Thời buổi nào, nghệ thuật cũng phải tập trung thể hiện điều tốt, hướng tới cái thiện, nhưng việc định hướng phải theo từng giai đoạn. Giới sáng tác (kể cả người trẻ, người có thâm niên) cũng phải đi sát cuộc sống, không thể đi lùi.
Chúng ta không đánh mất khái niệm duy mỹ của nghệ thuật nhưng phải gắn liền với hiện thực. Đừng đổ lỗi cho người trẻ chạy theo giải trí mà đánh mất mình. Chúng tôi đại diện cho cái đẹp, cái thiện. Chúng tôi càng không dại để đánh mất tên tuổi của mình, đặc biệt với cá nhân tôi là nghệ sĩ đã hoạt động lâu năm. Tôi nghĩ đừng rào chắn, cân nhắc chúng tôi về điều đó.
Qua đây, đại hội rút gọn lại, tìm kịch bản hay, gắn với hiện thực. Điều quan trọng là khán giả có đến với chúng ta hay không. Khán giả bây giờ thông minh lắm, đừng nghĩ họ chạy theo giải trí đơn thuần, hay chuộng những giá trị tầm thấp. Họ luôn có sự cân nhắc kỹ càng khi lựa chọn, và không có chuyện chạy theo thị hiếu nào đó
NSƯT Mỹ Uyên
|
Trại sáng tác vẫn diễn ra nhưng kịch bản "lưu kho", hoặc dàn dựng nhưng không đáp ứng được nhu cầu, không thu hút khán giả do thiếu hơi thở cuộc sống, cũng chẳng phải điều gì mới lạ.
Trại vẫn tổ chức đều đặn, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chừng đó gương mặt quen thuộc, hiếm có gương mặt mới và gần như không có sự hiện diện của những tác giả trẻ đang là lực lượng sáng tác của các sân khấu hiện nay.
Hội có thắc mắc, có tự đặt câu hỏi để tìm cách "lôi kéo" đội ngũ sáng tác trẻ không? Hay vẫn tiếp tục hồn nhiên tổ chức trại, đi thực tế và lực lượng tham gia vẫn là những thành viên "kỳ cựu"?
Đọc những phương hướng, kế hoạch rất chung chung, người ta có quyền nghi ngờ tính hiện thực của một sự đổi thay. Một số nội dung tổng kết cũng được cho là không đi sát tình hình thực tế.
Ở nhiệm kỳ này, nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận, hội vẫn "làm thinh". Không ít vụ “xài chùa”, vi phạm bản quyền diễn ra trong lĩnh vực sân khấu nhưng hội thản nhiên đứng ngoài, gần như chỉ lên tiếng khi có liên quan đến tác quyền của người trong hội.
Có những vấn đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển sân khấu, khi liên hệ, chỉ nhận được những lời từ chối, né tránh từ những người đứng đầu.
|
NSƯT Trịnh Kim Chi lắng nghe nội dung từ đại hội. Chị là tân Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM. |
Sự liên kết giữa hội và hội viên vẫn chưa thật sự chặt chẽ, điển hình nhất là trong vụ kiện giữa NSƯT Ngọc Trinh và Nhà hát Kịch TPHCM. Ròng rã nhiều năm, nữ nghệ sĩ đi đòi quyền lợi cho mình, nhưng hội - một tổ chức nghề nghiệp, đại diện cho nghệ sĩ lại lặng thinh một cách khó hiểu. Những tồn tại này vẫn chưa được nhắc đến như một tồn tại trong đại hội, để tìm cách khắc phục trong thời gian tới.
Có lẽ, khi chưa có biện pháp giải quyết rốt ráo những tồn đọng thì vẫn là chuyện nói mãi mà chẳng biết khi nào mới xong.
NSND Trần Ngọc Giàu tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của ông với chức vụ này.
Đạo diễn Tôn Thất Cần và NSƯT Trịnh Kim Chi giữ chức vụ Phó chủ tịch. Các thành viên còn lại của Ban chấp hành Hội Sân khấu TPHCM gồm có: NSƯT Võ Trọng Nam, đạo diễn Lê Mỹ Phượng, nhà báo Thanh Hiệp, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phan Quốc Kiệt (Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Nguyễn Anh Kiệt (Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM)… Kết quả bầu chọn này được lấy từ đại hội trù bị, diễn ra ngày 30/7.
|
Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2015 của Hội Sân khấu TPHCM ra mắt đại biểu. NSND Trần Ngọc Giàu đứng thứ ba từ trái sang. |
Đại hội cũng trao thưởng cho những cá nhân, tập thể có đóng góp cho hoạt động sân khấu trong nhiệm kỳ qua.
UBND TPHCM trao tặng bằng khen cho 7 tập thể: Hội Sân khấu thành phố, Ban Ái hữu Nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TPHCM và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B.
Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân: Văn phòng Hội Sân khấu TPHCM, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Chi hội Tác giả Hội Sân khấu TPHCM, Chi hội Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Chi hội Sân khấu Ideacaf, Chi hội Sân khấu kịch Hồng Vân, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, NSND Thanh Hải, NSƯT Thanh Dậu…
Hội Sân khấu TPHCM khen thưởng các tập thể: Chi hội Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Chi hội Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, Chi hội Nhà hát kịch TPHCM, Chi hội Sài Gòn phẳng, Chi hội Thiết kế Mỹ thuật, Chi hội Xiếc - Ảo thuật.
|
Các đơn vị nhận bằng khen từ UBND TPHCM |
|
Trung Sơn