Đại hội Hội Sân khấu TP.HCM lần VII: Câu hỏi & lời hứa

01/07/2015 - 09:03

PNO - PN - Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TP.HCM lần thứ VII - nhiệm kỳ 2015-2020 kết thúc sau hai ngày họp (29-30/6) với nhiều ý kiến khiến những ai quan tâm đến sân khấu phải băn khoăn, suy nghĩ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Buổi sáng của ngày làm việc đầu tiên (29/6) chỉ 190 đại biểu có mặt, thay vì hơn 350 đại biểu theo thư mời. Số lượng càng “teo tóp” vào buổi chiều, khiến nhiều người băn khoăn, vì Hội Sân khấu (HSK) chưa tạo được sức hút và gắn kết các hội viên, hay hội viên còn thờ ơ?

Câu hỏi của nghệ sĩ (NS) Trinh Trinh: “Vì sao hôm nay tôi chỉ gặp các cô, các chú, các bác, ông bà NS… nhưng lại quá ít những NS, diễn viên trẻ?” cũng là thực tế tồn tại từ nhiều kỳ đại hội trước đến nay chưa thay đổi.

Sự năng động, khả năng kết nối của ban chấp hành (BCH) HSK là vấn đề được đặt ra nhiều nhất. NSƯT Kim Tử Long khá gay gắt khi cho rằng HSK chưa năng động để hội viên thực sự tin đó là mái nhà chung của các NS. Nhiều hội viên bày tỏ không hiểu mình cần có trách nhiệm, nghĩa vụ gì khi là hội viên ngoài việc phải đóng hội phí và được mời họp 5 năm một lần?

“Đời sống SK hiện nay rất năng động và thay đổi liên tục, nhưng phải chờ đến 5 năm mới họp mặt thì e rằng chúng ta đang thụ động, chậm chạp!”, tác giả Lâm Quang Tèo phát biểu.

Dai hoi Hoi San khau TP.HCM lan VII: Cau hoi & loi hua

Ban chấp hành mới của Hội Sân khấu TP.HCM

Ngoài những vấn đề bất cập trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT bỏ sót nhiều NS tài năng, cống hiến cho SK; kiến nghị về điểm diễn cho SK..., hoạt động xã hội hóa (XHH) cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Mô hình hoạt động được nhiều đại biểu đưa ra nhất tại đại hội là phương thức Nhà nước đặt hàng các vở diễn và mọi đơn vị đều được quyền tham gia đấu thầu, trình bày dự án, kế hoạch mà không có sự phân biệt SK công lập hay XHH.

Theo ĐD Hoàng Duẩn: “Cách làm này có tính cạnh tranh cao để từ đó nâng chất lượng nghệ thuật cho các vở diễn. Đổi lại, để được nhận đầu tư, vở diễn phải đảm bảo những tiêu chí về nghệ thuật, giá trị tư tưởng, đảm bảo số lượng suất diễn, doanh thu, số lượng suất phục vụ… Và điều kiện dứt khoát phải được thực hiện một cách nghiêm túc là nếu không hoàn thành đúng như những gì cam kết, đơn vị phải có trách nhiệm bồi thường”.

Bên cạnh những thành tựu của SK XHH, NSND Hồng Vân cũng đưa ra lời cảnh báo: “SK XHH ở TP.HCM từng là niềm tự hào của những người làm nghề TP.HCM và là ước ao của nhiều địa phương khác kể cả “chiếc nôi kịch nói” Hà Nội. Tiếc rằng chúng ta lại không giữ được “phong độ” và đang bước vào giai đoạn suy thoái.

Một phần lỗi thuộc về những người làm nghề do chưa có sự hợp lực, còn sự phân biệt SK XHH hay SK công lập và “cái tôi” của từng SK. Có lẽ đã đến lúc những người làm SK phải hợp lực cùng nhau xây dựng một nhà hát chung, mỗi năm SK có những vở diễn chất lượng cao để các SK khác noi theo. Nếu không hợp lực giữa Nhà nước và tư nhân thì không lâu nữa SK XHH sẽ thực sự thoái trào”.

Tác giả Lâm Quang Tèo cho rằng, từng có nhiều lời hứa hỗ trợ cho các SK XHH, nhưng đến nay vẫn chưa có lời hứa nào trở thành sự thật cũng là nỗi buồn của không ít người làm SK XHH.

Đại hội đã bầu BCH nhiệm kỳ VII (2015-2020) gồm 15 thành viên thay vì 19 như trước đây. Chủ tịch HSK là NSND Trần Ngọc Giàu, bốn phó chủ tịch gồm ĐD Võ Trọng Nam, NSND Hồng Vân, NSƯT Hoa Hạ, ĐD Nguyễn Hồng Dung. Chấn chỉnh và đổi mới phương thức hoạt động; thành lập và đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm theo dõi việc thực hiện nghị quyết của các ban chuyên môn và bảo vệ quyền lợi của hội viên, là lời hứa của BCH nhiệm kỳ mới.

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI