"Đại hội gia đình" về... đám giỗ

04/01/2022 - 05:50

PNO - Ông bà Tâm (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM) trước đây được người dân trong xóm gọi hài hước là “trùm giỗ”. Gọi vậy bởi nhà ông bà quanh năm liên tục có giỗ.

Giỗ chạp nhiều bởi cả hai đều là “con một” nên đương nhiên cả giỗ cha, giỗ mẹ, giỗ ông bà, giỗ các anh chị em mất sớm đôi bên… ông bà đều phải cáng đáng. 

Ngày còn trẻ, ông bà Tâm làm quần quật quanh năm mà thu nhập cũng chỉ đủ nuôi con và… làm giỗ. Các con dần trưởng thành, đủ cánh đủ lông để “ra riêng”, những tưởng ông bà sẽ nhẹ gánh, tích cóp được chút ít để dưỡng già. Nào ngờ khi cái gánh chi tiêu nhẹ đi, sức lực ông bà cũng xuống dốc. Thu nhập từ công việc không còn nhiều nhưng trách nhiệm giỗ chạp vẫn không thay đổi. Để cáng đáng được chuyện giỗ chạp “cho tử tế”, vợ chồng ông bà lại tiếp tục nai lưng làm việc không ngơi nghỉ… 

Rồi ông Tâm đổ bệnh, không thể tiếp tục lao động kiếm tiền. Bà Tâm một mình lo bươn chải. Bà vừa phải kiếm thu nhập nuôi chồng, nuôi thân vừa phải lo để dành… làm giỗ. Bà tuổi đã cao, hết chuyện ruộng nương, trông con cho người ta lại chuyển sang… bán vé số dạo. Suốt ngày dầm mưa dãi nắng, bà ngày càng héo hắt, mỏi mòn.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ


Con cái thấy không ổn, về họp gia đình, khuyên ông bà nên thu vén chuyện giỗ chạp. Bà Tâm phản đối: “Ông bà cha mẹ sinh má ra, anh chị em máu mủ ruột rà, một năm có bữa cơm cúng mà bây kêu tóm là tóm làm sao? Má còn xoay xở được, cứ để má lo!”. 

Cậu con trai cả nhẹ nhàng: “Giờ ba bệnh, má cũng tuổi cao sức yếu rồi còn lo được mấy bữa? Má cứ bươn chải không tiếc sức, lỡ bệnh nữa tụi con biết làm sao?”. Cô con gái giữa tiếp lời: “Má nhìn hàng xóm coi, giờ đâu có ai quanh năm giỗ chạp liên miên như nhà mình. Nói thiệt má đừng buồn, chớ mỗi bận nghe nhà có giỗ là con sợ. Không về thì ba má buồn; mà về hoài hư công chuyện tụi con hết”. Cậu con trai út “bồi” thêm: “Con nghĩ cúng giỗ cốt ở tấm lòng. Tưởng nhớ người đã khuất thì hương hoa trà trái là được rồi. Nếu cứ vin chuyện “người chết về ăn” để bày mâm cỗ linh đình thì thử hỏi những ngày không cúng trong năm, ông bà và các cô chú… ăn ở đâu?”.

Đến nước này, ông Tâm cũng ráng ngồi dậy, góp đôi câu: “Tui thấy các con nói cũng phải. Nói thiệt, thấy một mình bà đôn đáo lo toan, tui cũng bứt rứt không yên”… Chứng kiến sự “nhất trí cao” của cả nhà, bà Tâm mới xuôi xuôi…

 

Từ “đại hội gia đình” hôm ấy, con cái bàn nhau chung tay đóng góp hằng tháng một khoản tiền cho bà Tâm yên tâm ở nhà lo mấy sào ruộng và chăm ông, không phải bươn chải làm thuê. Việc giỗ chạp mấy đứa tự phân nhau trách nhiệm: cứ đến giỗ phần đứa nào lo, đứa ấy sẽ mua nhang đèn, bánh trái gửi cho cha mẹ hoặc trực tiếp về bày lễ cúng. Cúng kiếng đàng hoàng nhưng đơn giản, cắt bớt tiết mục khách khứa.

Năm đầu, bà Tâm chưa quen nếp mới, cảm thấy hơi bứt rứt nhưng con cái trấn an: “Giờ ai cũng biết ba má “về hưu” hết rồi, không có thu nhập; chuyện giỗ chạp tụi con lo. Người ta có trách là trách tụi con, không trách ba má đâu!”. Nghe nói có lý; vả lại thấy chuyện nhang khói được các con lo liệu đàng hoàng nên bà dần yên tâm.

Cứ tưởng hàng xóm sẽ cười chê lũ nhỏ, ai ngờ lại được khen: Mấy đứa con anh chị đúng là hiếu thảo quá sức; lo cho cha mẹ già chu đáo lại còn biết lo cả việc cúng giỗ. 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI