|
Sáng ngày 3/10, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra phiên bế mạc |
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong đồng bào các tôn giáo
Tại phiên bế mạc, các đại biểu đã có báo cáo minh họa cho những thành quả của MTTQ Việt Nam Thành phố nhiệm kỳ qua.
Linh mục Đinh Ngọc Lễ - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM - cho biết: Trong những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP duy trì tốt công tác bác ái từ thiện tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Các Giáo xứ mỗi năm đều tổ chức thăm và tặng quà các trung tâm xã hội, bảo trợ trẻ em khuyết tật, cô nhi viện.
Nhiều chuyến công tác xã hội giúp bà con vùng sâu, vùng xa có giếng nước sạch, có cầu bê tông thay cho cầu khỉ, có các lớp học tình thương, tổ chức quyên góp cứu trợ đồng bào khi xảy ra thiên tai…
Ở lĩnh vực khuyến học, giáo dục, y tế, 5 năm qua, giáo dân các xứ đạo đã chăm lo với hơn 113,4 tỷ đồng và hiến máu với trên 23.000 đơn vị.
Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm cũng được các Linh mục và Hội đồng Mục vụ các Giáo xứ vận động giáo dân tích cực tham gia. Nhiều thanh niên công giáo tham gia đội an ninh cơ sở, bảo vệ dân phố, Dân quân tự vệ tại khu dân cư, nhiều khu "Xóm đạo an ninh", "Xóm đạo tự quản" được xây dựng, góp phần giữ vững tình hình an ninh, trật tự tại các khu dân cư.
|
MTTQ Việt Nam TPHCM phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết tôn giáo, dân tộc |
Thượng tọa Thích Thiện Quý - Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM - cũng cho biết: 5 năm qua, Phật giáo TPHCM khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc với định hướng “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Nghĩa tình”…
Giáo hội Phật giáo Thành phố đã không ngừng đồng hành với các cấp, các đơn vị, lãnh đạo và nhân dân thành phố thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, công tác chăm lo, hỗ trợ gói nhân đạo nhằm hướng đến toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xã hội ấm no… với hơn 4.090 tỷ đồng.
Có thể nhắc các chương trình Từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo thành phố với các mô hình, như: Tổ chức bữa cơm yêu thương; xây nhà tình thương, cầu bê tông nông thôn; trao tặng nhu yếu phẩm đến người dân khó khăn; trao tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, xe máy đến người dân khó khăn; tổ chức khám, mổ mắt từ thiện…
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, tăng ni, Phật tử đã chung tay chăm lo xã hội bằng những việc làm thiết thực, như đóng góp nguồn lực cho quỹ phòng, chống dịch, tặng xe cứu thương, bình oxy; mua sắm vật tư, nhiều thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện điều trị bệnh COVID-19, cung cấp nhu yếu phẩm và hàng loạt bếp ăn tình thương…
Sức mạnh của nhân dân là lớn nhất
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại đại hội trong phần trao đổi, đối thoại tại đại hội, nhằm giúp đại biểu tham dự Đại hội nắm rõ hơn nữa về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố trong 5 năm qua; những định hướng chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, chương trình trọng điểm của Thành phố.
|
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Đại hội |
Tại đây, các đại biểu đặt ra nhiều vấn đề để Chủ tịch UBND TPHCM trao đổi, làm rõ liên quan đến giải pháp, giúp thành phố triển khai hiệu quả Nghị quyết số 98; các chính sách phát huy hiệu quả sáng kiến, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải pháp để TP Thủ Đức phát triển như kỳ vọng…
Các đại biểu cũng mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi công nghiệp, phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế.
Ông Phan Văn Mãi cho biết: Tôi luôn nghĩ đóng góp của nhân dân, sức mạnh của nhân dân là lớn nhất. Trong mọi vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, thành phố luôn chú trọng huy động sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, gắn với công tác giám sát, phản biện.
Ông cũng thông tin thêm về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM: Thành phố đề ra 22 chỉ tiêu chính. Trong đó có 14 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt.
Đến năm 2030, thành phố định hướng phát triển đô thị đa trung tâm. Trong đó khu vực lõi trung tâm TPHCM và 4 đô thị ở các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc; cùng với đó là đô thị biển Cần Giờ. Đồng thời, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội TPHCM, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ hướng đến là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao…
Ông cũng cho biết: Thành phố là nơi hội tụ các điều kiện tốt về khoa học công nghệ nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Việc thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo sẽ góp phần thúc đẩy hơn vấn đề này. Đồng thời, thành phố sẽ có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
|
Tại Đại hội, UBND TPHCM đã tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 15 cá nhân tiêu biểu trong nhiệm kỳ 2019 - 2024 |
Ông Phan Văn Mãi đề nghị MTTQ Việt Nam TPHCM nên có chương trình “Sáng kiến nhân dân xây dựng thành phố”, tích cực tham gia đóng góp trực tiếp cho các công trình, dự án lớn của thành phố, các công trình chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng đề nghị nên có “Diễn đàn nhân dân”, có thể tổ chức từng quý hoặc hằng tháng, để người dân cùng tham gia góp ý với chính quyền.
Trang Nguyễn