Đại học Việt Nam: Số bài báo ISI cao, số sáng chế thấp

20/05/2020 - 08:02

PNO - Số sáng chế của Việt Nam nói chung và trong cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chỉ đạt 1,24 sáng chế/triệu dân. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học còn ít, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo rất hạn hẹp.

Đánh giá về chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD-ĐT cho biết, đến nay đã đạt được một số kết quả như: đã tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp, nghiên cứu cơ chế chính sách thúc đẩy khởi nghiệp và tăng cường công tác truyền thông. Tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Sinh viên đạt giải nhất nghiên cứu khoa học năm 2018 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân trình bày nghiên cứun
Sinh viên đạt giải nhất nghiên cứu khoa học năm 2018 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày nghiên cứu

Đồng thời đã tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị thương mại cao như sản phẩm hệ thống sấy chân không của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã chuyển giao cho chín doanh nghiệp trong và ngoài nước (đoạt giải thưởng Bảo Sơn 2019), các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng của Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên đã chuyển giao và ứng dụng sản xuất tại nhiều tỉnh thành và khu vực phía Bắc (đoạt giải thưởng Kovalevskaya 2019)… 

Đặc biệt, số lượng công bố ISI của các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam tăng nhanh trong ba năm gần đây. Cụ thể, năm 2017 đạt 4.251 bài, năm 2018 đạt 6.208 bài. Riêng năm 2019, tăng hơn 30% và chiếm đến 85% tổng số công bố quốc tế của Việt Nam. Kết quả này đã góp phần nâng thứ hạng ĐH Việt Nam trong những năm qua. Năm 2019 có hai cơ sở giáo dục ĐH được xếp ở top 801-1.000 trong danh sách 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội; tám cơ sở giáo dục ĐH xếp trong danh sách 500 ĐH tốt nhất châu Á (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Đà nẵng, Trường ĐH Duy Tân).

Tuy vậy, số sáng chế của Việt Nam nói chung và trong cơ sở giáo dục ĐH còn thấp, chỉ đạt 1,24 sáng chế/triệu dân. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục ĐH còn ít, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo rất hạn hẹp.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các cơ sở giáo dục ĐH còn quá thấp so với tiềm lực của hệ thống giáo dục ĐH, chỉ đạt 0,23% GDP cho đầu tư nghiên cứu và phát triển. Việc bố trí nguồn kinh phí cho Đề án 1665 còn chậm, chủ yếu lấy từ nguồn xã hội hóa.

Chưa có chính sách khuyến khích phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong phạm vi quốc gia; cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ hầu như chưa được thực hiện; chưa có chính sách thúc đẩy thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường ĐH; đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu rất manh mún, không tập trung… 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI