Các nhà quản trị đại học (ĐH) cho rằng việc tiếp cận các bảng xếp hạng quốc tế là xu hướng tất yếu, nhưng đó là cuộc chơi đắt đỏ. Ở đó, không chỉ cần có tiền mà còn cần sự đầu tư nghiêm túc và kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Sân chơi "đắt đỏ"
Phát biểu tại hội thảo Đo lường khoa học và xếp hạng ĐH mới đây, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc), cho rằng, ở các ĐH phương Tây, người ta thường dùng ba chỉ số chính để đánh giá năng lực nhà khoa học: số lượng ấn phẩm khoa học, hệ số ảnh hưởng (viết tắt là IF) và chỉ số Hirsch (H index).
|
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2019. Đây là ĐH được QS World xếp hạng thuộc nhóm 701 - 750 trong 1.011 ĐH hàng đầu thế giới |
Phần lớn các trường sẽ dựa vào số lượng bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn để xét duyệt đề bạt các chức danh. Tuy không quy định cụ thể ứng viên phải có bao nhiêu bài báo để được xét duyệt, nhưng thông thường, ví dụ trong ngành y, những con số được “hiểu ngầm” như giáo sư dự khuyết phải có từ 5 bài báo trở lên; phó giáo sư ít nhất là 30; giáo sư ít nhất là 50, nhưng thường là 100…
Các viện nghiên cứu, trường ĐH, các trang mạng chuyên về khoa học như ResearchGate, Google Scholar... thường dùng tổng số trích dẫn mà một nhà khoa học được các nhà khoa học khác trích dẫn (H index) như là một thước đo vàng về “cấp bậc” trong khoa học. Các tập san khoa học danh tiếng như Nature, Science, Cell, PNAS… và các cơ quan quản lý khoa học ở châu Âu, châu Mỹ, Úc đều sử dụng chỉ số H index làm cơ sở cho đề bạt, cấp tài trợ và đánh giá thành công của một nhà khoa học hay một nhóm nghiên cứu…
Áp dụng các chỉ số trên để đánh giá hoạt động khoa học của một ĐH hay trung tâm nghiên cứu cũng là hình thức giúp khoa học nước ta hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhấn mạnh: “Xếp hạng ĐH là tất yếu và rất được quan tâm trên thế giới, vì nó phản ánh đẳng cấp và chất lượng của các ĐH”. Theo ông, những con số thống kê minh bạch sẽ không biết nói dối.
Nhưng vấn đề quan trọng là “chạy theo” những hệ thống xếp hạng uy tín để tránh việc làm sai lệch giá trị học thuật của các ĐH. Theo tiến sĩ Út, thế giới cũng có những tổ chức xếp hạng theo kiểu “có tiền sẽ có thứ hạng”, nhiều tiêu chí được “nâng” không sát thực tế.
Theo thông lệ quốc tế, việc đánh giá một ĐH có những tiêu chuẩn nhất định và những tiêu chuẩn này được các ĐH thừa nhận một cách rộng rãi. Nói đến ĐH phải gắn liền với nghiên cứu. Việc đánh giá đẳng cấp nghiên cứu của các ĐH chủ yếu dựa vào các cơ sở dữ liệu khoa học hàng đầu thế giới như ISI (Mỹ) hoặc Scopus (Hà Lan). Và chúng ta cũng không thể đứng bên lề.
Bảng xếp hạng nào phù hợp với ĐH Việt Nam?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Có hai loại xếp hạng. Loại xếp hạng truyền thống là Research - nghiên cứu. Đối với Việt Nam, các trường ĐH chưa đủ điều kiện để tham gia. Hầu như chỉ có những trường mạnh như hai ĐH quốc gia thì mới tính đến khả năng tham gia. Tuy nhiên, với bảng xếp hạng mới mà Tổ chức Times Higher Education (THE) sử dụng năm nay, dựa vào mục tiêu phát triển bền vững SDGs (Sustainable Development Goals), tôi nghĩ đây cũng là cái hay mà các trường nên quan tâm, xem mục tiêu quan trọng nhất của trường ĐH, đó là nghiên cứu - giảng dạy - phục vụ xã hội. Cho nên, bảng xếp hạng này khá hấp dẫn, hầu như “mở” cho tất cả các trường”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, nếu các trường tham gia thì có thể tham gia ở loại xếp hạng mới này. Còn trường ĐH định hướng nghiên cứu cũng nên chuẩn bị tinh thần để tham gia các loại xếp hạng kia.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ - THE đưa ra bốn điều kiện: trong vòng 5 năm phải có được 1.000 bài báo trở lên đăng ở những tạp chí thuộc Scopus, trung bình mỗi năm phải có ít nhất 150 bài Scopus trích từ hệ thống Elsevier; tính phổ biến; có đào tạo ĐH và sau ĐH; sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho họ đánh giá khách quan. Phó giáo sư Hà cũng nhìn nhận, trong số các điều kiện mà THE đưa ra thì điều kiện đầu tiên có vẻ khó so với các trường của Việt Nam. Tuy nhiên, hai ĐH quốc gia hoặc một số ĐH lớn hoàn toàn có khả năng vì có số lượng bài báo đủ tiêu chuẩn. Còn lại các trường nếu muốn tham gia thì cũng nên chuẩn bị đầu tư để trong vòng 5 năm tới phải có đủ 1.000 bài báo quốc tế.
Thực tế hiện nay, các trường đang tập trung làm kiểm định theo ngành, nhưng muốn hội nhập thì phải tham gia xếp hạng. Các trường sẽ tùy điều kiện của mình để chọn tổ chức nào, như THE, Quacquarelli Symonds (QS), Academic Ranking of World Universities (ARWU)…
Ông Justin Tay, Tổng giám đốc khu vực châu Á của THE, cho biết: có ba bảng xếp hạng với những tiêu chí đánh giá khác nhau, đó là bảng xếp hạng về giảng dạy, nghiên cứu và Impact Rankings (tác động cộng đồng). Theo ông, các trường ĐH Việt Nam ở thời điểm này sẽ khó tiếp cận được ở bảng xếp hạng về giảng dạy và nghiên cứu mà phù hợp với bảng xếp hạng Impact Rankings - ĐH có vai trò phục vụ cho cộng đồng cũng như có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.
Trước câu hỏi liệu bảng xếp hạng Impact Rankings sẽ không giá trị bằng hai bảng còn lại, ông Justin cho rằng đúng là suy nghĩ của đa phần các trường hiện nay, nhưng trong tương lai sẽ phải thay đổi cách đánh giá này. “Tiêu chí của Impact Rankings có vẻ dễ hơn, bởi đối với hai bảng xếp hạng còn lại thì thường xét tiêu chí về khả năng nghiên cứu, xuất bản bài báo. Nói như thế cũng không có nghĩa Impact Rankings dễ vì bảng xếp hạng này đánh giá cao nỗ lực bản thân nhà trường trong sự tác động đến địa phương, với các đối tác…”, ông Justin nhấn mạnh.
Có đi mới thành đường
Trong hai năm trở lại đây, các ĐH của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trên các bảng xếp hạng quốc tế. Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) được xem là cơ sở dữ liệu có độ tin cậy hàng đầu thế giới về thông tin khoa học được sở hữu bởi Clarivate (Mỹ) thống kê từ 16.257 tạp chí uy tín hàng đầu thế giới từ tất cả các chuyên ngành.
Trích từ dữ liệu WoS cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2018, công bố khoa học quốc tế của Việt Nam có bước phát triển đáng kể. Năm 2014 có 3.482 bài, nhưng đến năm 2018, cả nước có 6.187 bài thuộc danh mục ISI. Tuy nhiên, kết quả này cũng chỉ giúp Việt Nam đứng giữa bảng xếp hạng của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu là Malaysia với hơn 114.000 bài, Singapore hơn 99.000 bài, Thái Lan hơn 63.000 bài, Indonesia hơn 47.000 bài...
Công bố khoa học từ Việt Nam tăng nhanh trong 5 năm qua (18%/năm). Các ĐH Việt Nam liên tục tạo bất ngờ trong một số bảng xếp hạng. Theo bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2019 (The QS World University Rankings 2019, gọi tắt là QS World) cho 1.011 ĐH hàng đầu thế giới, ĐH Quốc gia TP.HCM xếp hạng trong nhóm 701 - 750 và ĐH Quốc gia Hà Nội xếp hạng trong nhóm 801 - 1.000.
Tất nhiên, đánh giá của tổ chức này không hề dễ dàng. QS World 2019 đánh giá và xếp hạng các ĐH theo sáu tiêu chí: danh tiếng học thuật (40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), số lượng giảng viên quốc tế (5%) và số lượng sinh viên quốc tế (5%).
Để có cơ sở dữ liệu khách quan cho việc đánh giá, họ tiến hành phân tích hơn 97 triệu trích dẫn từ 14 triệu bài báo trên hệ thống Scopus; tiếp nhận phản hồi từ 1,2 triệu học giả và 200.000 doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu để xác định các trường ĐH xuất sắc nhất về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng…
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường duy nhất hiện nay của Việt Nam được THE xếp hạng. Theo THE công bố, kết quả xếp hạng những ĐH có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội hàng đầu thế giới thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp trong top 101 - 200 (có 462 trường tham gia xếp hạng) trong bảng xếp hạng 2019. Trường này cũng lọt vào top 25 ĐH và cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN theo thống kê của Web of Science (ISI).
Thanh Thanh
|
Tiêu Hà