Đại học tư thục: ông chủ chưa có quyền làm chủ?

16/11/2018 - 09:19

PNO - Trường đại học tư hiện còn bị chi phối bởi nhiều quy định vô lý khiến nhiều trường chậm phát triển, thậm chí không thể phát triển như bấy lâu.

Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) ngày 6/11 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã nhấn mạnh đến cụm từ “chủ sở hữu trường đại học (ĐH)”, tất nhiên là trường ĐH tư. Ông Nhân cho rằng, “chủ sở hữu” là người bỏ vốn đầu tư, thành lập, nên có quyền thực hiện quyền làm chủ và được cụ thể hóa bằng quyền lựa chọn và quyết định nhân sự.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội mới đây, câu chuyện “chưa đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa/phòng” nên không được làm hiệu trưởng ĐH của giáo sư Trương Nguyện Thành - một nhà khoa học gốc Việt thành danh ở Mỹ từng được dư luận quan tâm, lại được đại biểu Trương Trọng Nghĩa “hâm nóng” để chỉ trích những quy định máy móc, lỗi thời đã từ chối người xứng đáng, đi ngược chủ trương thu hút nhân tài. 

Dai hoc tu thuc: ong chu chua co quyen lam chu?
Những mâu thuẫn không được giải quyết đã kéo Trường Đại học Hùng Vương thụt lùi so với những năm trước

Ý kiến của hai đại biểu Quốc hội đề cao vai trò của chủ trường ĐH, đồng thời cho thấy quyền làm chủ của họ hiện rất mờ nhạt. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm, bởi con người là yếu tố quan trọng làm nên sự thành bại của một ngôi trường và người đứng đầu - hiệu trưởng - lại càng quan trọng. Thế nhưng hiện nay, chủ trường ĐH lại không được thực hiện quyền làm chủ một cách đầy đủ. Chuyện giáo sư Trương Nguyện Thành và Trường ĐH Hoa Sen là điển hình.

Tình huống ngược lại là trường hợp của ông Trần Quang Nam - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit). Năm 2016, ông Nam được trường này lập hồ sơ đề xuất làm hiệu trưởng gửi Sở GD-ĐT TP.HCM để sở này trình UBND thành phố ký quyết định công nhận, dù thời điểm đó, bằng tiến sĩ nước ngoài của ông Nam chưa được Bộ GD-ĐT thẩm định công nhận theo quy định.

Dai hoc tu thuc: ong chu chua co quyen lam chu?
Trường Đại học Hoa Sen từng xảy ra tranh chấp kéo dài

Đến nay, sau hai năm sử dụng, các ông chủ Trường ĐH Huflit không hài lòng với người làm thuê Trần Quang Nam, nhưng cũng không biết làm sao để phế truất, vì quyết định công nhận hiệu trưởng là của UBND thành phố chứ không phải của hội đồng quản trị nhà trường.

Thoáng qua, những quy định “5 năm quản lý khoa/phòng” và “bằng tiến sĩ nước ngoài phải được Bộ GD-ĐT công nhận” có vẻ chặt chẽ và hợp lý. Nhưng kỳ thực, nó rất vô lý. Bởi nếu, tất cả bằng tiến sĩ nước ngoài đều phải được Bộ GD-ĐT công nhận mới có giá trị, thì phải làm rõ: bộ công nhận tiến sĩ theo những tiêu chuẩn nào?

Bộ đã khảo sát hết các ĐH trên thế giới để tìm hiểu xem chương trình đào tạo tiến sĩ nào ngang hàng với Việt Nam để công nhận và khuyến cáo cho người học? Đặt ra tình huống ấy để thấy rằng Bộ GD-ĐT đã đưa ra yêu cầu mà chính bộ cũng không thể thực hiện.

Trong thế giới ngày càng mở, người ta có thể lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ, Nhật, Hàn nhưng cũng có thể lấy bằng tiến sĩ từ Nam Phi, Algieria hay Mozambique… Chỉ riêng nước Mỹ với hơn 5.000 trường ĐH và 136 chương trình đào tạo tiến sĩ được xếp vào top “hàng đầu” thì việc thẩm định cho hết các chương trình tiến sĩ của Mỹ cũng là điều không thể, huống hồ cả thế giới.

Về điều kiện phải có ít nhất “5 năm quản lý khoa/phòng” mới được làm hiệu trưởng ĐH. Tất nhiên, kinh nghiệm là cần thiết nhưng cũng có những người dù có làm quản lý 5 năm, 10 năm hay 20 năm thì trình độ quản lý cũng chẳng thể khá lên. Cho nên, quy định này chỉ nên có tính gợi ý, khuyến khích; còn điều kiện tiên quyết ở trường ĐH tư vẫn phải được các ông chủ lựa chọn.

Cũng cần bỏ đi quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính ra quyết định công nhận đối với hiệu trưởng trường ĐH tư. Bởi điều này đã dẫn tới biết bao mâu thuẫn dai dẳng không thể giải quyết giữa hiệu trưởng với hội đồng quản trị ở các trường như ĐH Hùng Vương, ĐH Hoa Sen và giờ đây là ĐH Huflit… Thay vào đó, cứ để các trường tự lựa chọn người làm hiệu trưởng, lập thủ tục và thông báo cho cơ quan quản lý biết.

Cơ chế này sẽ giúp các trường thuận lợi trong việc tìm kiếm ứng viên hiệu trưởng hoặc bãi bỏ. Có thể nhiều người sẽ e ngại về các khía cạnh như bằng cấp, đạo đức, kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo của người được chọn làm hiệu trưởng, nhưng lo lắng như thế là thừa, vì chủ sở hữu là người lo lắng và cân nhắc việc này hơn ai hết. 

Ở trên chỉ mới đề cập hai quy định liên quan đến chức danh hiệu trưởng trường ĐH tư. Thực tế, trường ĐH tư hiện còn bị chi phối bởi nhiều quy định vô lý khiến nhiều trường chậm phát triển, thậm chí không thể phát triển như bấy lâu. Chỉ khi nào chủ sở hữu của các trường được làm chủ một cách đầy đủ thì những mâu thuẫn nội tại mới được giải quyết và các trường mới phát triển mạnh mẽ.  

Luynh Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI