Đại học tự chủ còn lệ thuộc học phí

11/09/2020 - 07:39

PNO - Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay có thể có cuộc dịch chuyển kỳ lạ. Thí sinh từ tỉnh Bình Thuận hoặc TPHCM đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao sẽ xuống TP. Cần Thơ, còn thí sinh miền Trung có thể “đổ bộ” ra các trường tại Hà Nội để học ngành y. Lý do, mức học phí ngành này đang quá chênh lệch giữa các trường.

Tự chủ đại học ở Việt Nam xuất phát từ quá trình mở cửa và đổi mới giáo dục đại học, khi các trường thấy sự quản lý của Nhà nước đã “bó chân bó tay” họ trong quá trình đổi mới trước áp lực nâng cao chất lượng. Nghị quyết 77/NQ-CP ban hành năm 2014 là văn bản pháp quy đầu tiên hướng dẫn thực hiện tự chủ cho các trường đại học.

Kể từ khi ban hành đến nay đã có 23 trường công lập triển khai thí điểm tự chủ theo đề án riêng của mỗi trường. Các trường này đều cho thấy đang có những bước chuyển mình tích cực và chủ động. Vấn đề đặt ra là tiếp tục mở rộng tự chủ tài chính cả những lĩnh vực có chi phí đào tạo cao như ngành y liệu có gây khó cho người học?

Đậu vào đại học là niềm vui của các thí sinh nhưng liền sau đó là nỗi lo  về học phí - Ảnh: Tam Nguyên
Đậu vào đại học là niềm vui của các thí sinh nhưng liền sau đó là nỗi lo về học phí - Ảnh: Tam Nguyên

Khép lại ước mơ làm bác sĩ

Ngày 27/8, khi điểm thi THPT năm 2020 được công bố, cả nhà Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Trường THPT Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), rộn ràng niềm vui vì Giàu đạt tổng điểm 28,8 (toán 9,8 - hóa 9,75 và sinh 9,25).

Với vị trí thủ khoa khối B của tỉnh, thêm một lần khẳng định, ước mơ vào Trường ĐH Y Dược TPHCM của Giàu dường như rất gần. Nhưng sau phút giây vui vẻ ban đầu thì ba mẹ Giàu bắt đầu lo lắng. 70 triệu đồng học phí, nếu là một năm thì còn gồng gánh được, đằng này, quá trình học kéo dài đến sáu năm. 

“Để bớt gánh nặng cho gia đình, tôi đã đưa ra phương án sẽ nộp hồ sơ vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, vì học phí tại đây khoảng 25 triệu đồng, chưa bằng một nửa so với con số của Trường ĐH Y Dược TPHCM”, Giàu cho biết.

Tuy nhiên, đó có thể vẫn chưa là quyết định cuối cùng, bởi Giàu vẫn muốn học tại TPHCM. Do đó, ba mẹ Giàu đang nghĩ cách xoay xở nguồn vay để Giàu yên tâm học tập nếu trúng tuyển. Còn Giàu cũng dự tính làm thêm để trang trải việc học. 

Tương tự, Nguyễn Tuyết Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, tỉnh Đồng Nai, đã xuất sắc đạt hai điểm 10 toán và hóa, có tổng điểm thi 29,5 điểm. Là học sinh giỏi quốc gia môn toán, Tuyết Anh được tuyển thẳng vào một số trường ĐH khối A nhưng vì rất muốn làm bác sĩ nên đăng ký thi khối B. Với số điểm ấy, Tuyết Anh có thể đậu vào Trường ĐH Y Dược TPHCM. Tuy nhiên, vì gia đình khó khăn nên Tuyết Anh cũng có dự định xuống Cần Thơ học hoặc nếu đậu thủ khoa sẽ đạt được học bổng để có thêm tiền bù đắp tiền học. 

Còn Lê Ngọc Hồng, Trường THPT Nguyễn Huệ (quận 9, TPHCM) quyết định chọn học ban khoa học tự nhiên cho mục đích vào ĐH y, dược sau này. Nhưng sau khi tìm hiểu, Hồng hoảng hốt khi biết học phí trung bình cho một năm học của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 45 triệu đồng.

Nhà nghèo, không cần suy nghĩ nhiều, Hồng quyết định quay về học ban khoa học xã hội và nhắm đến Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), những trường có học phí thấp nhất ở TPHCM. 

Hiện nay, Hồng đang hoàn tất hồ sơ vào Khoa Ngôn ngữ Pháp Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, sau khi từ bỏ ước mơ làm bác sĩ. “Tôi khép lại ước mơ làm bác sĩ để chọn trường ĐH có mức học phí phù hợp với điều kiện của mình. Với mức học phí khoảng 9 triệu đồng/năm của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), nếu có trục trặc hoặc khó khăn về tiền học, tôi có thể xin hỗ trợ học bổng vượt khó, hoặc vay Ngân hàng Chính sách xã hội…”. 

Sở dĩ có những biến động trên là do năm nay thêm một số trường bắt đầu vào lộ trình tự chủ tài chính. Trong đó, việc “tính đúng tính đủ” học phí khiến cho mức học phí đột ngột tăng cao. Ví dụ tại Trường ĐH Y Dược TPHCM, học phí tăng gấp năm lần so với năm trước.

Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Lê Quang Hoành, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình, bày tỏ: “Tự chủ tức là nhà trường phải tự chịu trách nhiệm, không còn ngân sách đương nhiên chi phí cao. Tuy nhiên, vấn đề thu học phí phải tính toán đến việc ảnh hưởng của dịch COVID-19 khi đời sống người dân khó khăn, đến Chính phủ còn phải trợ cấp trong tình hình dịch bệnh mà lại tăng học phí đến chóng mặt không biết các trường đã nghĩ đến việc nếu không tuyển sinh được thì thế nào?

Nếu không tuyển sinh được thì tăng học phí chót vót là bước đi sai lầm vì người giỏi sẽ không đầu quân về đó”.

Như vậy, với thực tế đang diễn ra và cảnh báo của chuyên gia, có phải chúng ta có nguy cơ đánh mất những học sinh giỏi với ước mơ cháy bỏng làm bác sĩ? Và đó có phải là cái giá của tự chủ tài chính?

Cánh cổng đại học dần khép lại với học sinh vùng khó

Ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Bình Thuận, năm học vừa rồi, khi làm công tác tư vấn, hướng nghiệp, câu hỏi học trò dành cho cô Lê Trường Vinh nhiều nhất là: “Cô ơi, học phí ĐH năm nay tăng hả cô? Sao tăng nhiều vậy?”, “Trường công mà học phí cũng nhiều vậy hả cô, em cứ tưởng trường tư học phí mới cao thôi chứ”…

Thí sinh trúng tuyển Trường đại học Kinh tế Quố c dân đăng ký nhậ p họ c
Thí sinh trúng tuyển Trường đại học Kinh tế Quốc dân đăng ký nhập học

Các bạn học sinh quan tâm đến điều đó cũng phải thôi. Bởi đối với học sinh dân tộc ít người, học phí là yếu tố quyết định cho việc dừng lại hay bước tiếp con đường ĐH. Trong điều kiện rộng cửa xét tuyển ĐH như hiện nay, học sinh dù có học lực trung bình cũng dễ dàng có một suất vào ĐH, vấn đề quan trọng là có kham nổi học phí để bước hết hành trình?

Cô Vinh kể: “Cuối cùng thì, một trong số những học sinh hỏi tôi câu đó đã không làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH. Thi tốt nghiệp THPT xong là em đi làm phục vụ cho cửa hàng thức ăn nhanh với lời hứa: “Em cố gắng làm năm nay để năm sau có tiền đóng học phí học tiếp”.

Ngoài em này, còn rất nhiều bạn khác từ bỏ con đường vào cao đẳng, ĐH để đi kiếm việc với tấm bằng THPT. Lựa chọn đó khiến cho năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh trường tôi đăng ký vào các trường ĐH, cao đẳng ít hơn so với mọi năm. Số còn lại tham gia xét tuyển, phần đông vào các trường ĐH sư phạm vì mức học phí thấp”.

Theo cô Vinh, nguồn vốn vay chính sách theo lời hứa của các trường sư phạm là “chỗ dựa” cho quyết định của các học sinh.

“Nói vậy để thấy, khi cơ hội bước vào giảng đường ĐH dường như mở rộng đối với tất cả mọi người, thì với mức học phí ngày càng tăng, cánh cổng ĐH dần khép lại đối với các em, đặc biệt với học sinh vùng khó”, cô Vinh tâm tư.

Học phí giữa trường công chênh lệch năm lần, có công bằng với người học?

Trở lại với câu chuyện tăng học phí ở các trường được thực hiện tự chủ tài chính. Ngay việc tăng học phí hằng năm theo lộ trình và so sánh học phí giữa các trường với nhau cũng lộ rõ nhiều bất cập. Vừa qua, Trường ĐH Y Dược TPHCM gây xôn xao khi thông báo mức học phí mới tăng gấp năm lần mức cũ.

Cụ thể, ngành răng - hàm - mặt 70 triệu đồng, y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng, các ngành còn lại có mức học phí thấp nhất là 30 triệu đồng. Trong khi đó, cùng là đào tạo ngành y dược, cùng thời gian đào tạo, cùng cấp loại bằng như nhau nhưng Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Thái Bình, ĐH Y Dược Hải Phòng, cũng là những trường đào tạo ngành y có tiếng, hiện học phí cũng chỉ ở mức 14,3 triệu đồng/năm.

PGS-TS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, cho rằng: “Với các trường tự chủ, họ không được cấp kinh phí mà phải tự trả lương cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì đương nhiên họ phải tính đúng, tính đủ học phí để đảm bảo nhà trường có thể hoạt động được”.

Tuy nhiên, mức chênh lệch này quá cao trong cùng hệ thống trường công lập, gây bất công với người học. Chưa kể, học phí tự chủ theo lộ trình mỗi năm tăng 10% khiến người học rất khó chủ động.

PGS-TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, mức trần học phí như hiện nay rất thấp, không ăn thua gì với chi phí phát sinh, chưa kể vấn đề trượt giá, lạm phát… “Tôi tin nhà trường có những cơ sở riêng để đưa ra mức học phí như vậy, tức là họ có thể đầu tư cơ sở vật chất cũng như có thể thuê chuyên gia nước ngoài về giảng dạy để nâng cao chất lượng đầu ra và giá cả thì ngày một tăng”, PGS-TS Nguyễn Văn Khải nói.

Điều này có lẽ khác với “thông lệ” của các trường ĐH trên thế giới, vì học phí của họ ít nhất sẽ ổn định suốt khóa đào tạo. Đại học càng danh tiếng càng mạnh về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tài trợ của cựu sinh viên, các tổ chức… để duy trì các hoạt động.

Trong khi, nguồn thu của các trường ĐH công lập hiện nay chủ yếu vẫn là từ học phí. Các nguồn thu khác như thu hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ… vẫn còn rất hạn chế. Các trường ĐH công lập còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn học phí. Điều này sẽ gây bất lợi cho chất lượng đào tạo khi tuyển sinh khó khăn hoặc bị cắt giảm chỉ tiêu…

Tuy vậy, PGS-TS Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh rằng, phải hướng đến tự chủ thì mới phát triển được. Con đường tự chủ là cho các trường xây dựng học phí và kinh phí đào tạo đảm bảo cho các trường hoạt động tốt, người dân được tiếp cận dịch vụ tốt nhất và là con đường không thể không đi nếu muốn phát triển.

“Hiện tại, trường chúng tôi cũng như các trường khác đang xin cơ chế tự chủ, tự xây dựng thương hiệu riêng cho mình”, PGS-TS Nguyễn Văn Khải cho hay.

Như vậy, tự chủ là con đường một chiều phải đi của các trường ĐH để phát triển. Nhưng có nên chỉ tự chủ tài chính với những trường đào tạo đa ngành và giữ lại những trường đặc thù như y dược, sư phạm… để Nhà nước đầu tư tương xứng? 

Nếu ĐH tự chủ tài chính ngày càng “nở nồi”, rồi tới lúc không biết trả lời làm sao với sự ngây thơ của các học sinh miền núi: “Trường công mà học phí cũng nhiều vậy hả cô, em cứ tưởng trường tư học phí mới cao thôi chứ!”.

Đó là điều cần suy ngẫm trong quá trình phát triển giáo dục ĐH. 

Thu Lê - Đại Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI