Đại học Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra sĩ số sinh viên

19/03/2019 - 16:00

PNO - Một trường đại học ở Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm tra sĩ số sinh viên và lý do vắng mặt, kết quả thu được rất tích cực, vì số học sinh nghỉ học giảm hẳn sau 2 tuần áp dụng AI.

Trường Đại học Điện tử Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nơi đưa vào áp dụng công nghệ này, cho biết mục tiêu chính của trường là xác định chính xác lý do sinh viên vắng mặt và phân loại sinh viên theo cơ sở dữ liệu.

Dai hoc Trung Quoc su dung tri tue nhan tao de kiem tra si so sinh vien
Sáng kiến học đường này được áp dụng sau khi Trung Quốc triển khai ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực của cuộc sống - Ảnh: AFP

Đối với các giáo viên thường bị sinh viên làm phiền vì đi học bữa đực bữa cái và nhân viên nhà trường có trách nhiệm theo dõi tình hình chuyên cần, thì hệ thống mới áp dụng AI chính là thứ họ đang cần.

Hệ thống này được thiết kế để theo dõi sĩ số, nó cho phép sinh viên “đăng nhập” bằng mã xác nhận thông qua điện thoại di động và máy tự động đưa ra lời nhắc nhở những người không có mặt đúng giờ, cùng với cảnh báo về nguy cơ vắng mặt.

Những người vắng mặt nhận được thông báo sau: “Xin chào, đây là tiểu AI, một thiết bị hỗ trợ thông minh bằng giọng nói của các chuyên gia tư vấn Đại học Điện tử Hàng Châu. Tôi nhận thấy hôm nay bạn vắng mặt trên lớp”. Mọi câu trả lời của sinh viên được ghi âm lại và chuyển thành văn tự để nhân viên nhà trường có thể sử dụng trong cuộc họp lần tới với sinh viên liên quan. Nội dung trên được giới thiệu trên website chính thức của trường.

Ông Hu Haibin, phó phòng công tác sinh viên của trường nói với tờ Beijing Youth Daily rằng hơn một nửa các môn học ở Đại học Điện tử Hàng Châu được áp dụng hệ thống sĩ số thông minh này. Ông cho biết, trước đây giáo viên thường mất 7-8 phút để gọi tên kiểm tra sĩ số, nay việc này chỉ mất 15 giây.

Kết quả ban đầu rất khả quan và số sinh viên đến lớp tăng 7% trong vòng 2 tuần kể từ khi nhà trường áp dụng hệ thống kiểm tra thông minh xây dựng trên nền tảng AI.

Ông Hu cho biết việc theo dõi sinh viên vắng mặt chỉ là một phần trong mục đích của hệ thống, còn mục đích chính là xác định lý do sâu xa của việc sinh viên vắng mặt để lập cơ sở dữ liệu chung, nhờ đó cán bộ nhà trường có cơ sở theo dõi tình hình vắng mặt của từng cá nhân sinh viên.

Sáng kiến học đường này được áp dụng sau khi Trung Quốc triển khai ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ việc giám sát luật giao thông và sử dụng giấy vệ sinh, cho đến những ứng dụng thương mại lớn hơn như xe hơi tự lái và huấn luyện robot đọc kết quả scan y tế và phát hiện ung thư.

Trung Quốc đang nhắm đến việc tạo ra ngành trí tuệ nhân tạo nội địa với trị giá 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (147 tỷ USD) và trở thành một cường quốc AI toàn cầu cho đến năm 2030.

Theo cơ quan tài sản trí tuệ thế giới (WIP), từ năm 2014 Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng các bằng phát minh về AI, đứng thứ hai là Hoa Kỳ. Hai quốc gia này là quê hương của đa số các khởi nghiệp AI nặng ký có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên.

Hoàng Diệu (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI