Đó là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) vào sáng 26/12 tại Hội nghị thường niên năm 2024 của ĐH Quốc gia TPHCM.
Theo đó, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 đợt 1 vào ngày 30/3/2025 và đợt 2 vào ngày 1/6/2025.
Cổng đăng ký dự thi đợt 1 được mở từ ngày 20/1/2025 đến ngày 20/2/2025; đợt 2 mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 17/4/2025 đến 7/5/2025. Hội đồng thi sẽ thông báo phiếu đăng ký dự thi cho thí sinh đợt 1 vào ngày 22/3/2025 và đợt 2 vào ngày 24/5/2025.
Thí sinh sẽ biết kết quả thi đợt 1 vào ngày 16/4/2025 và đợt 2 vào ngày 16/6/2025.
Năm nay kỳ thi được tổ chức tại 25 tỉnh, thành phố, gồm: Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Tây Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM có quy mô lớn nhất cả nước, với gần 107.000 thí sinh vào năm ngoái. Hơn 100 trường sử dụng kết quả này để xét tuyển.
|
Thí sinh thi đánh giá năng lực đợt 2 ĐHQG TPHCM - Ảnh: Hà Văn |
Bài thi năm nay có 3 phần. Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề ở các năm trước được gộp lại thành "Tư duy khoa học" với 30 câu trắc nghiệm. Câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, từ đó yêu cầu thí sinh vận dụng, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật...
Phần Sử dụng ngôn ngữ gồm Tiếng Việt và Tiếng Anh với 60 câu hỏi thay vì 40 câu như trước. Cuối cùng là phần Toán học với 30 câu.
Tổng cộng, đề gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Thí sinh làm bài trên giấy trong 150 phút. Điểm của từng câu có trọng số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó, tổng điểm là 1.200. Trong đó, Tư duy khoa học và Toán học mỗi phần 300 điểm, Sử dụng ngôn ngữ 600 điểm.
Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia TP HCM, cấu trúc và nội dung đề thi đánh giá năng lực năm 2025 có nhiều nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như SAT (Mỹ), PET (Israel) hay GAT (Thái Lan).
Đề thi hướng tới đánh giá năng lực tổng quát của học sinh, giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển được thí sinh phù hợp, đồng thời đảm bảo tính công bằng dù các em chọn những môn học khác nhau ở phổ thông.
|
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM - Ảnh: Hà Văn |
Theo ông Chính, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM đã được tổ chức 7 năm với 12 lượt thi thu hút gần nửa triệu thí sinh tham gia. Riêng ĐH Quốc gia TPHCM đã tuyển sinh được khoảng 40.000 thí sinh có năng lực rất cao từ kỳ thi này.
Tuy nhiên, từ năm 2025, bài thi đánh giá năng lực sẽ có nhiều thay đổi nhằm thích ứng với chương trình giáo dục 2018, khi thí sinh được chọn môn thi và môn học linh động hơn nhiều so với trước đây.
Cụ thể, bài thi sẽ đánh giá năng lực là đọc, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, Toán học, sự logic, tư duy khoa học, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
Ông Chính cho hay, dự kiến ban đầu của Đại học Quốc gia TPHCM là cho thí sinh tự chọn nhóm môn để làm bài. Tuy nhiên theo lý thuyết sẽ có đến hơn 120 tổ hợp môn, nếu đáp ứng sự chọn lựa của toàn bộ thí sinh, đề thi phải có rất nhiều nhóm môn. Như thế, việc đánh giá khó đồng nhất.
Do đó, đại học này điều chỉnh cấu trúc đề thi, tạo cơ hội như nhau cho thí sinh dù các em chọn tổ hợp môn nào ở bậc THPT. Trong đó, phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán là những nội dung bắt buộc học ở phổ thông. Phần Tư duy khoa học có hai nhóm, gồm Logic - Phân tích dữ liệu và Suy luận khoa học. Trong đó, phần đầu đã có ở đề những năm trước.
Các câu thuộc nhóm Suy luận khoa học sẽ gồm các vấn đề khoa học, xã hội, công nghệ, đời sống, chứ không thuộc về kiến thức riêng biệt từng môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Các câu hỏi đều cung cấp đầy đủ thông tin dưới dạng số liệu, dữ kiện, công thức, định nghĩa, quá trình và kết quả thí nghiệm. Thí sinh dựa vào tư duy logic, suy luận khoa học để tìm ra quy luật, lời giải.
Ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cũng cho rằng, đây là phương án có lợi và công bằng nhất cho tất cả thí sinh, nhằm đánh giá chính xác năng lực của thí sinh, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học cho thí sinh. Phần tư duy logic sẽ không đi sâu vào các môn học như trước đây, vì thí sinh học theo môn tự chọn, nhiều môn các em không được học không thể làm được bài.
Cấu trúc và nội dung bài thi này đang tiệm cận với các bài thi đánh giá năng lực tiêu biểu trên thế giới, giúp đánh giá thí sinh toàn diện hơn. Do vậy, khi sử dụng, nếu một số ngành cần đánh giá kiến thức chuyên sâu của thí sinh ở môn nào đó, các trường đại học có thể kết hợp thêm điểm thi từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để tuyển sinh.
ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến mở thêm nhiều ngành mới từ năm 2025 Năm 2025 ĐH Quốc gia TPHCM sẽ mở mới một số chương trình đào tạo liên ngành, liên trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết, năm tới, đại học tiếp tục mở mới một số chương trình đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước. Cụ thể là các ngành về năng lượng mới (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân); các ngành về logistics mới đào tạo nhân lực có thể tham gia vận hành hệ thống metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc…. Đồng thời, ĐH này sẽ tiếp tục phát triển chương trình thu hút bồi dưỡng học sinh giỏi, chương trình đào tạo tài năng các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, triển khai đồng bộ hệ thống quản lý học tập và nội dung học tập, các khóa học trực tuyến đại chúng mở, các chương trình đào tạo từ xa theo hình thức hỗn hợp... Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cũng chia sẻ nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2024. Trong đó, lần đầu tiên công tác phát triển đảng viên mới vượt chỉ tiêu 143,12%. Nói về mục tiêu đến năm 2030, ông Quân cho biết, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ có 75% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ/tổng số giảng viên trong toàn hệ thống. Thống kê, đến ngày 31/10/2024, tỉ lệ này hiện đạt mức 53,7%. ĐH này cũng đặt mục tiêu phát triển nguồn lực tài chính bền vững, với tổng nguồn thu toàn đơn vị đạt 8.000 tỉ đồng vào năm 2030. Đến năm 2030, có 35 đơn vị thực hiện phương án tự chủ tài chính (19 nhóm 2 và 16 nhóm 3). Nhiệm vụ cụ thể trong năm 2025, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM định hướng phát triển nguồn lực tài chính đa dạng hóa nguồn thu, gia tăng mức thu. Gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản công theo hướng tăng cường phân cấp phân quyền, công khai minh bạch. Nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác công-tư trong Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM. |
Nguyễn Loan