Đại học Quốc gia TPHCM cung cấp 53% nhân lực thiết kế vi mạch tại TPHCM

22/02/2025 - 17:54

PNO - Đại học Quốc gia TPHCM cung cấp 20.000 nhân lực chất lượng cao mỗi năm và đóng góp 53% nhân lực thiết kế vi mạch cho TPHCM và khu vực phía Nam.

Chiều ngày 22/2, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày hội kết nối đại học - địa phương - doanh nghiệp.

Tại sự kiện, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm - Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia TPHCM - chia sẻ, trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, đơn vị đã mở rộng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.

Đại học Quốc gia TPHCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đã ký kết 249 văn bản hợp tác với 31 tỉnh, thành phố và triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương, tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính: góp ý, tư vấn chính sách phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch và chiến lược phát triển; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; hợp tác triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM cung cấp 20.000 nhân lực chất lượng cao mỗi năm cho TPHCM và khu vực phía Nam; đóng góp 53% nhân lực thiết kế vi mạch tại TPHCM. Giai đoạn 2020-2024, 225 dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được triển khai thực hiện, tập trung vào lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, tự động hóa...

Đơn vị đã xây dựng ký túc xá lớn nhất Đông Nam Á với quy mô 50.000 chỗ ở, phục vụ gần 450.000 sinh viên từ nguồn đầu tư của địa phương và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Tâm việc hợp tác hiện nay vẫn còn mang tính ngắn hạn, chưa có kế hoạch hành động cụ thể và bền vững. Các hoạt động chưa khai thác hết tiềm năng khoa học - công nghệ và đội ngũ chuyên gia của đại học. Do đó, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận để tăng cường tính hiệu quả và lâu dài của liên kết giữa đại học, địa phương và doanh nghiệp.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận để tăng cường tính hiệu quả và lâu dài của liên kết giữa đại học, địa phương và doanh nghiệp - Ảnh: ĐHQG-TPHCM
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận để tăng cường tính hiệu quả và lâu dài của liên kết giữa đại học, địa phương và doanh nghiệp - Ảnh: ĐHQG-TPHCM

Trong khi đó, ở góc độ là nhà doanh nghiệp - người sử dụng lao động, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) - nhận định, phần lớn cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam thuộc quản lý nhà nước, đang chịu rào cản về chính sách và cơ chế, khiến việc hợp tác với doanh nghiệp trở nên kém linh hoạt. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng chưa có cơ chế rõ ràng để đặt hàng nghiên cứu hoặc phối hợp đào tạo, dẫn đến nhiều nghiên cứu khoa học còn mang tính hàn lâm, thiếu tính ứng dụng thực tế.

Việc đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp chưa “khớp” khi chỉ khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành (Tổng cục Thống kê, 2023). Do vậy dù sinh viên đầu ra rất nhiều nhưng doanh nghiệp lại khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có kỹ năng phù hợp. Điều này dẫn tới tình trạng “thiếu rất thiếu nhưng lại rất thừa nhân lực”.

Để tháo gỡ vấn đề này, ông Ngọc Trai cho rằng, nếu có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và đại học, sinh viên sẽ được tiếp cận sớm với thực tế công việc, giúp rút ngắn đáng kể thời gian đào tạo lại sau khi tốt nghiệp.

Về mô hình hợp tác đại học - địa phương - doanh nghiệp ông Ngọc Trai cho rằng còn nhiều thách thức, như: chính sách chưa đủ đột phá, thiếu kết nối giữa đại học và doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ.

Sự thiếu kết nối giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn tạo ra khoảng cách lớn giữa đại học, doanh nghiệp và thị trường lao động.

Để giải quyết vấn đề này, ông cho rằng cần xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thực chất, nơi doanh nghiệp, đại học và nhà nước phối hợp chặt chẽ để đồng sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nhân lực chất lượng cao.

Ông đề xuất các giải pháp như: hoàn thiện chính sách và thể chế, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) thành động lực tăng trưởng, các trường đại học chuyển đổi từ giảng dạy lý thuyết sang đào tạo ứng dụng và đổi mới sáng tạo, còn doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào quá trình đào tạo và đầu tư R&D.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI