Đại học Quốc gia TP.HCM lấy con người làm nền tảng cho sự phát triển bền vững

17/11/2017 - 10:26

PNO - Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, ĐHQG-HCM xác định sứ mạng của mình là nơi tập trung giảng viên, sinh viên tài năng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và là nơi đi đầu trong đổi mới.

Sức mạnh hệ thống

Với 6 trường đại học (ĐH), 1 viện nghiên cứu cùng các đơn vị trực thuộc, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. ĐHQG-HCM đang hướng đến xây dựng một hệ thống ĐH trong top đầu châu Á.

Dai hoc Quoc gia TP.HCM lay con nguoi lam nen tang cho su phat trien ben vung
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM

Phát triển đội ngũ

Trong những năm qua, ĐHQG-HCM tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp. Đây là một trong những chủ trương xuyên suốt được thực hiện liên tục nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, khẳng định vị thế hàng đầu của ĐHQG-HCM trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

Hiện nay, ĐHQG-HCM có 5.685 cán bộ - viên chức, 2.677 viên chức giảng dạy, 1.443 viên chức hành chính và 928 viên chức nghiên cứu, trong đó gồm 304 giáo sư, phó giáo sư, 1.141 tiến sĩ, 2.133 thạc sĩ. Tính đến thời điểm hiện tại, ĐHQG-HCM có tổng cộng 34 Nhà giáo nhân dân, 137 Nhà giáo ưu tú. Đây là niềm vui, niềm tự hào, và cũng là sức mạnh của cả hệ thống ĐHQG-HCM.

Bên cạnh việc phát triển đội ngũ, ĐHQG-HCM không ngừng nghiên cứu cải tiến nội dung chương trình đào tạo mới, phương pháp giảng dạy. Việc hình thành hệ thống hơn 70 phòng thí nghiệm và hơn 30 tổ chức khoa học công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình nghiên cứu trọng điểm, ĐHQG-HCM đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong hầu hết các lĩnh vực khoa học trọng điểm, song song với việc tăng cường hợp tác với cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trong 5 năm gần đây,  trung bình mỗi năm ĐHQG-HCM công bố từ 180-200 bài báo (ISI/SCI) trên các tạp chí danh tiếng quốc tế.

Công tác kiểm định chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao. Đến nay tất cả 6 trường thành viên của ĐHQG-HCM đã được kiểm định chất lượng. Đặc biệt Trường ĐH Bách khoa đã đạt chất lượng cấp trường theo bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA), đây là trường đầu tiên của Việt Nam và là trường thứ 3 trong toàn hệ thống ASEAN University Network đạt kết quả này.

ĐHQG-HCM còn là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo được đánh giá/kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Hướng đến tương lai

Mới đây, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) Anh quốc đã công bố kết quả bảng xếp hạng QS Asia 2017-2018 cho 400 trường ĐH hàng đầu châu Á; trong đó, ĐHQG-HCM đứng thứ 142, vươn lên 5 bậc so với năm 2016. Đây là thành công bước đầu của ĐHQG-HCM khi chính thức tham gia “cuộc chơi xếp hạng”, khẳng định uy tín về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học ở khu vực và trên thế giới.

Kết quả này cũng thể hiện những nỗ lực nghiêm túc của ĐHQG-HCM trong việc thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho vào ngày 10/11/2016: “Đến năm 2020 ĐHQG-HCM trở thành một trong 100 trường ĐH hàng đầu châu Á”. 

Tại lễ khai khóa 2017, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá ĐHQG-HCM là một hệ thống giáo dục hàng đầu cả nước, với thế mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hằng năm, ĐHQG-HCM cung cấp cho xã hội hơn 10.000  sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy, gần 1.500 thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng “đặt hàng” ĐHQG-HCM cùng tham gia với  thành phố trong việc phát triển đô thị thông minh qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đảm bảo an ninh mạng và nghiên cứu các giải pháp thông minh khác.

Nói về chiến lược phát triển giai đoạn mới, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM - cho biết: “Toàn cầu hóa và sự bùng nổ của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần IV đã tạo ra cơ hội cũng như nhiều thách thức lớn cho Việt Nam, đặc biệt là giáo dục và đào tạo.

Để quá trình hội nhập được thành công, chúng ta cần hoàn thiện và tăng cường cơ chế quản lý, phát huy tính chủ động sáng tạo của các đơn vị thành viên và trực thuộc trên một chuẩn mực giá trị và văn hóa chung của cả hệ thống. Trong đó, công tác đảm bảo chất lượng phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm”.

Ông Đạt cho hay, trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, ĐHQG-HCM xác định sứ mạng của mình là nơi tập trung giảng viên, sinh viên tài năng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và là nơi đi đầu trong đổi mới, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội. 

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI