Đại học nỗ lực thu hút sinh viên vào những “ngành khó”

26/09/2023 - 05:52

PNO - Hiện có không ít ngành đào tạo dù nhu cầu xã hội cần nhưng các trường đại học vẫn thiếu nguồn tuyển. Nhiều trường đại học đã đề ra chính sách khuyến khích để thu hút người học.

Khó tuyển nhiều năm 

Cuối tháng Tám, Trường đại học (ĐH) Công Thương TPHCM công bố điểm chuẩn xét tuyển vào 33 ngành đào tạo của trường đồng thời thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung vào 10 ngành với 300 chỉ tiêu. Các ngành tuyển bổ sung gồm: kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ chế biến thủy sản, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, khoa học chế biến món ăn, công nghệ dệt - may, kinh doanh thời trang và dệt may, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường - cho biết, đây là những ngành khó tuyển sinh trong khoảng 5 kỳ tuyển sinh qua. 

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng thông báo tuyển sinh bổ sung vào 10 ngành với 200 chỉ tiêu, gồm: quản lý tài nguyên và môi trường, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, công nghệ dệt - may, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ hóa học.

Sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) trong lễ khai giảng năm học mới
Sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) trong lễ khai giảng năm học mới

Dù thông báo tuyển bổ sung nhưng các trường cũng nhanh chóng kết thúc xét tuyển để ổn định công tác đào tạo, bởi thực tế các trường cũng không kỳ vọng nhiều. Trường ĐH Công Thương TPHCM sau kết thúc đợt xét tuyển chỉ tuyển được hơn 100 trong số 300 chỉ tiêu. Còn tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, kết quả xét tuyển bổ sung rất ít.

Các chuyên gia dự tính sau đợt 1 xét tuyển, các trường ĐH tuyển bổ sung được khoảng 30.000 chỉ tiêu. Thống kê số liệu tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT cho thấy trong tổng số 440 ngành đào tạo ĐH thì có 94 ngành tuyển sinh chỉ đạt dưới 50% chỉ tiêu. Những nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh thấp gồm: toán và thống kê, khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, nông - lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường…

Nỗ lực thu hút người học

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) nhiều năm qua vẫn phải xét tuyển bổ sung vào một số ngành. Chẳng hạn như ở kỳ tuyển sinh năm 2022, trường xét tuyển bổ sung các ngành như khoa học vật liệu, địa chất học, hải dương học, khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật địa chất, quản lý tài nguyên và môi trường. Để thu hút người học, ở đợt xét tuyển bổ sung này, trường dành thêm các suất học bổng tương đương 50% và 100% học phí 1 năm học cho các thí sinh xét tuyển các ngành trên với số điểm cao.

Ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, công tác tuyển sinh cũng luôn chật vật với 9 ngành gồm: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin - thư viện, lưu trữ học, ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngôn ngữ Nga. Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Công tác sinh viên của trường - cho biết, 9 ngành này rất cần cho nguồn nhân lực của đất nước nhưng nhìn chung chỉ tuyển sinh được ở mức cơ bản. Để thu hút người học, từ khóa tuyển sinh năm 2022, sinh viên 9 ngành này được hỗ trợ đặc biệt từ ngân sách nhà nước và của nhà trường. 

Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương - Phó trưởng ban phụ trách Ban Đào tạo ĐH - ĐH Quốc gia TPHCM - cho rằng: “Để thu hút thí sinh giỏi và tuyển sinh tốt đối với các ngành đào tạo này rất cần sự đầu tư mang tính đồng bộ thông qua các đề án đào tạo hoặc các cơ chế đặt hàng trực tiếp từ Chính phủ nhằm tạo động lực và nguồn lực để phát triển các ngành đào tạo chiến lược phục vụ phát triển quốc gia”. 

Tại buổi làm việc của ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Hiệu trưởng nhà trường Ngô Thị Phương Lan đã đề nghị cần có chính sách thu hút người học vào các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh, trong đó có chính sách hỗ trợ tài chính cho người học vì đây là những ngành chiến lược quốc gia. 

Trương Mẫn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI