Đại học Mỹ "khát" giảng viên ngành AI trầm trọng

10/07/2022 - 05:14

PNO - Nhiều trường đại học ở Mỹ đang rơi vào tình trạng "khát" giảng viên ngành AI - ngành học thời thượng thu hút sinh viên theo học - trầm trọng.

Khoa Khoa học máy tính của hầu hết các trường đại học tại Mỹ đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng” giảng viên, trong khi số lượng sinh viên quan tâm đến chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn đang tăng lên không ngừng.

Ngày càng có nhiều sinh viên lựa chọn chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo để theo học - Ảnh: HSLU
Ngày càng có nhiều sinh viên chọn học chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo - Ảnh: HSLU

Đây là thông tin được hãng tin The Register của Mỹ công bố dựa trên báo cáo do Trung tâm An ninh và Công nghệ mới (CSET) thực hiện đầu tháng 7/2022.

Lĩnh vực AI và Máy học đã chứng kiến sự thăng trầm kể từ khi được chính thức phát triển từ những năm 1950, và đang ngày càng thu hút nhiều người học, nhất là mảng Học sâu (Deep learning). Thế nhưng, khi nhu cầu mở các khóa học cho lĩnh vực này tăng lên với tốc độ phi mã thì các trường đại học lại đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt giảng viên nghiêm trọng.

Năm 2011, số sinh viên đăng ký học các chương trình khoa học máy tính là 60.661, đến năm 2020 con số này đã tăng lên gấp 3 lần (182.262 sinh viên). Trong khi đó, số khoa Khoa học máy tính tại các trường đại học chỉ tăng 1,5 lần (từ 4.363 lên 6.203), dẫn đến tỷ lệ trung bình 14 sinh viên/giảng viên đã tăng lên thành 29 sinh viên/giảng viên. 

“Tình trạng thiếu giảng viên đang hạn chế việc thu hút các tài năng trong lĩnh vực AI vào làm việc trong trường đại học để cung cấp cho nhu cầu nhân lực ngày càng tăng trên thị trường lao động Mỹ. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và an ninh quốc gia”, báo cáo của CSET nêu.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực AI từng cảnh báo rằng, các trường đại học của Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” - do các tài năng thuộc lĩnh vực này quyết định chuyển từ môi trường học thuật sang làm nghiên cứu trong địa hạt kinh doanh, nơi họ được trọng dụng và trả lương hậu hĩnh, tương xứng với đóng góp của mình.

“Rõ ràng số lượng các vị trí công việc dành cho giảng viên không hề tăng so với vị trí công việc dành cho nhóm đối tượng chuyên môn này tại các công ty và tập đoàn hoạt động trong cùng lĩnh vực”, Percy Liang, giáo sư chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Standford (Mỹ) cho biết.

Tuy nhiên, giáo sư Zachary Lipton, một chuyên gia cao cấp trong ngành Máy học hiện đang công tác tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cũng nêu một hiện tượng đáng lưu tâm: Sau một thời gian làm việc cho các doanh nghiệp ở bên ngoài, nhiều giảng viên đã quyết định quay trở lại giảng dạy tại các trường đại học.

“Đúng là thu nhập và chế độ đãi ngộ ở môi trường doanh nghiệp thường tốt hơn nhiều so với môi trường học thuật. Thế nhưng, việc được giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường học thuật vẫn còn có sức hút đáng kể đối với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Khoa học máy tính và AI”, GS. Zachary Lipton cho biết.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực AI từng cảnh báo rằng, các trường đại học của Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”
Cần cải thiện chế độ đãi ngộ để thu hút nhiều tài năng trong lĩnh vực AI quay trở lại giảng đường - Ảnh: ORU

Bên cạnh đó, báo cáo của CSET cũng khuyến nghị chính phủ Mỹ can thiệp kịp thời để tháo gỡ vấn đề “khát” giảng viên trong lĩnh vực AI bằng cách tăng nguồn hỗ trợ tài chính, để các trường đại học có thể thu hút nhân sự giỏi quay về làm công tác giảng dạy.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI