Đại học Harvard 'phân biệt đối xử’ đối với sinh viên gốc Á?

17/06/2018 - 12:00

PNO - Tổ chức phi lợi nhuận “Công bằng cho việc nhập học của sinh viên” (SFFA) mới đây đâm đơn kiện Đại học Harvard vì phân biệt đối xử với các thí sinh gốc châu Á.

Tổ chức SFFA nói rằng Harvard, ngọn cờ đầu của các trường đại học Mỹ, “thiên vị” các thí sinh da trắng, da đen và gốc Tây Ban Nha, mặc dù một số thí sinh này trình độ thấp hơn các sinh viên người Mỹ gốc Á.

Harvard bị kiện liên tục xếp hạng thí sinh người Mỹ gốc Á thấp nhất về đặc điểm cá nhân như khả năng gây thiện cảm.

Dai hoc Harvard 'phan biet doi xu’ doi voi sinh vien goc A?
Harvard là một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới - Ảnh: Getty Images

Đại học Harvard phủ nhận cáo buộc của SFFA và nói rằng tỷ lệ nhập học đối với người Mỹ gốc Á đã tăng lên.

Trang web của Harvard cho biết người Mỹ gốc Á hiện chiếm 22,2% số sinh viên được nhập học vào Harvard. Trong khi đó, người Mỹ gốc Phi chỉ chiếm 14,6%, người Mỹ gốc Tây Ban Nha hoặc La tinh 11,6%, người Mỹ bản địa hoặc các đảo Thái Bình Dương 2,5%.

Nhóm các sinh viên khác, chủ yếu là người da trắng, chiếm không quá 50%.

Phản pháo của SFFA

Trong phiên tòa hôm 15/6 ở Boston, đại diện SFFA cho biết họ có bằng chứng cho thấy Harvard "can dự vào việc cân bằng sắc tộc, sử dụng sắc tộc nhiều hơn là một yếu tố “ưu tiên”, và không quan tâm đến việc tìm hiểu các lựa chọn dung hòa về sắc tộc".

"Yếu tố ưu tiên" đề cập đến các phán quyết của tòa án Hoa Kỳ về hành động nhằm giúp các thí sinh nhóm thiểu số ở Mỹ được vào đại học.

SFFA nói, "điều Harvard sẽ không thừa nhận là sắc tộc không chỉ là một yếu tố quan trọng, nó là sự cân nhắc chủ đạo trong việc thừa nhận người Mỹ gốc Tây Ban Nha và gốc Phi”.

"Chẳng hạn, một thí sinh người Mỹ gốc Á với 25% cơ hội nhập học, sẽ có cơ hội 35% nếu thí sinh này là người da trắng, 75% nếu là người gốc Tây Ban Nha và 95% cơ hội nếu là người Mỹ gốc Phi", SFFA lập luận.

SFFA nói rằng Harvard từng có kết luận tương tự trong nghiên cứu năm 2013 của mình, nhưng đã ỉm đi báo cáo này.

Phản ứng của Harvard

Đại học Harvard bác bỏ các cáo buộc của SFFA, nhà trường nói rằng phân tích của tổ chức bảo vệ quyền nhập học của sinh viên có nhiều thiếu sót về cách thức thu thập thông tin, do đó dễ gây hiểu lầm.

Báo Mỹ New York Times dẫn lời Harvard nói rằng "Phân tích kỹ lưỡng và toàn diện dữ liệu và bằng chứng cho thấy rằng Đại học Harvard không phân biệt đối xử với các thí sinh bất kỳ nhóm nào, kể cả người Mỹ gốc Á, và tỷ lệ nhập học của nhóm này đã tăng 29% trong thập kỷ qua".

Năm 2016, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã từ chối xem xét một đơn kiện liên quan đến vấn đề này. Các thẩm phán đã bác bỏ đơn kiện của một phụ nữ da trắng nói rằng cô không được  Đại học Texas cho nhập học là vì lý do sắc tộc.

Thanh Vân (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI