Dải hẹp của Đan

15/11/2018 - 06:04

PNO - Trở về Việt Nam với tấm bằng tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc của Học viện hàn lâm Quốc gia Mỹ thuật Surikov (Moscow), Nguyễn Ngọc Đan cảm thấy 'sốc' vì mọi thứ đều lạ lẫm với cô...

Những chiếc lồng chim vắt vẻo. Cả bầu trời sót lại một vài dải hẹp. Những gam màu mạnh, tương phản, đặt cạnh nhau nhưng không chói gắt. Nguyễn Ngọc Đan vẽ về nỗi cô đơn của con người hiện đại, chen chúc dưới những cao ốc chi chít, ngột ngạt.

Trở về Việt Nam với tấm bằng tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc của Học viện hàn lâm Quốc gia Mỹ thuật Surikov (Moscow), Nguyễn Ngọc Đan cảm thấy “sốc” vì mọi thứ đều lạ lẫm với cô. Nhận thấy không gian, khung cảnh Việt Nam có nhiều trúc trắc - nhà cao tầng mọc lên liên tục, bầu trời ngày càng hẹp lại. Cô gái 8x này rơi vào trầm cảm vì “khó hòa nhập” cộng đồng.

Thậm chí, nỗi hoang mang, ngờ vực đầy lên thành một căn cớ: “con cá biển giờ mà quăng vào nước lợ, cá phải sống sao?”. Mãi tới cuối năm 2014, Đan mới... bước ra ánh sáng, sử dụng mạng xã hội, gặp gỡ bạn bè.

Dai hep cua Dan
Một trong những tác phẩm thuộc Dải hẹp của bầu trời

Cho tới khi triển lãm Dải hẹp của bầu trời được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Nguyễn Ngọc Đan vẫn đang làm việc và hoàn thiện bộ tranh này. Cô gọi đây là “khung cảnh tâm hồn” ở thời điểm hiện tại. Để rồi, bằng cấu trúc, bằng những gam màu mạnh, tương phản trong một hòa sắc nhất định, trên canvas, Nguyễn Ngọc Đan vẽ về dải hẹp trong tâm hồn mình.

Ở đó, có những chiếc lồng chim đung đưa, có cả những chiếc lồng trống không, có những chú chim bay đi tìm tự do… ngụ ý như một cách vẫy vùng, tìm khoảng không gian riêng, để hít thở, để tồn tại, trong dải hẹp nhỏ nhoi của bầu trời.

“Bất cứ xã hội nào, thời điểm nào, cũng có những khoảnh khắc con người cảm thấy bị đóng khung, ngột ngạt như thế. Thông qua hình ảnh chiếc lồng chim, bầu trời, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải tự vượt thoát bế tắc trong lòng mình. Đây cũng là hai biểu tượng xuyên suốt trong bộ tranh này” - Nguyễn Ngọc Đan nói.

Tranh Nguyễn Ngọc Đan không đi vào chi tiết, hạn chế kỹ thuật, chủ yếu nhấn mạnh không gian, cảm xúc. Đan kể, ngày xưa, cô vẽ cái mình nhìn thấy, còn giờ cô vẽ cái mình cảm thấy. Với cô, chất liệu không quá quan trọng, mà quan trọng là diễn đạt gì, mang lại cảm xúc với người xem hay không.  Theo đó, hội họa vừa là nơi gửi gắm nỗi cô đơn, vừa là phương tiện để cô ngẫm nghĩ về đời sống. Khi vẽ cũng là lúc Nguyễn Ngọc Đan đối diện và đối thoại với nội tâm.

Dai hep cua Dan
Trong tranh của Nguyễn Ngọc Đan hình ảnh bầu trời và lồng chim là hai hình ảnh xuyên suốt

Tại sao tranh của cô toàn là những người nữ cô đơn? Chiếc lồng chim trong series Dải hẹp của bầu trời phải chăng là hình ảnh ý niệm, tiếp nối những đôi giày cũ, những thứ đồ chơi không ai chơi nữa, cánh cửa đóng kín, hình ảnh cô gái một mình, những hoài niệm thời thơ ấu, các giấc mơ bị bủa vây trong những series trước đó là Desolation, Sự sống mong manh?

Đan không trốn tránh những câu hỏi. Mỗi ngày, với cô, vẫn là một ngày đấu tranh để vượt thoát khỏi sự tù đọng trong tâm hồn. Thế nhưng, nếu trước đây, nỗi cô đơn chôn chặt trong bốn bức tường thì giờ đây đã có sự chuyển biến, gắn với tinh thần xã hội đương đại hơn. 

Mỗi bức tranh là một câu chuyện, cho ta thấy góc nhìn đầy nhân văn của Nguyễn Ngọc Đan, sự chân thành khi đối diện với thế giới nội tâm. Vượt thoát khỏi “lưới nhện ảo” của chính mình, tranh của cô hướng tới khát vọng tự do, sức sống mãnh liệt, tình yêu và sự hết lòng đối với cuộc sống xung quanh. 

Đó là một thái độ sống bao dung, tích cực và nữ tính của Nguyễn Ngọc Đan khi tiếp cận đề tài nỗi cô đơn của con người hiện đại - mà có thể, rơi vào tay một ai đó, trở nên gai góc, xù xì và khiến người khác bấn loạn hơn về đời sống. 

Dai hep cua Dan

Nguyễn Ngọc Đan 

Ngoài vẽ tranh, mấy năm qua, Nguyễn Ngọc Đan còn nổi bật qua các hoạt động tổ chức, kết nối các đoàn họa sĩ trẻ đi triển lãm tranh, trại sáng tác ở nhiều nước như: Yogyakarta - Saigon (TP.HCM, 5/2015), Jogja - Saigon (Indonesia, 6/2015), hội chợ nghệ thuật Art Mart Khajuraho International 2016 (Ấn Độ, 2/2016), Đối thoại đương đại (Hà Nội, 10/2016), Doyenne (Ấn Độ, 3/2017), Indonesia Vietnam 2nd Fine Art Exhibition (Indonesia, 9/2017), Hội tụ Hội An (Đà Nẵng, 10/2017), Abstract Party (Indonesia, 3/2018)… Thậm chí chị còn được gọi đùa là “thủ lĩnh” của giới họa sĩ trẻ TP.HCM.

Chị cũng là người quản trị trang mạng Vietnam Art Space (từ năm 2016 đến nay), tổ chức nhiều cuộc đấu giá tranh từ thiện, các workshop mỹ thuật, thu hút hơn 40.000 lượt người theo dõi và thành lập D.A.N Studio từ năm 2016, thu hút nhiều người lớn và thiếu nhi tới học vẽ và múa ballet.

Du Nguyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI