Đại gia đình nhà giáo ở vùng trũng giáo dục

20/11/2015 - 07:40

PNO - Nhà chú có 11 người con, trong đó 10 người sống bằng nghề giáo nên ngày 20/11 trở thành cái tết thiêng liêng thứ hai trong năm của cả đại gia đình.

Buổi trưa tháng 11 nắng chói chang khiến những con đường nhựa muốn nứt toạc ra. Thế nhưng, bên trong căn nhà của chú Phạm Văn Đực (ấp 3, xã Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM) lại rộn ràng chuẩn bị… đón tết. Nhà chú có 11 người con, trong đó 10 người sống bằng nghề giáo nên 20/11 bao năm nay trở thành cái tết thiêng liêng thứ hai trong năm của cả đại gia đình.

10 người con là giáo viên

Hỏi đường đến nhà chú Tư Đực không khó, chưa kể sẽ được người dẫn đường nhiệt tình với thái độ đầy ngưỡng mộ. Làm ruộng, lái xe lam, lại sinh đến 11 con. Khỏi phải nói vợ chồng chú cực ra sao. Ký ức dội về trong chú mỗi mùa khai trường, vợ chú cuống lên với sách vở, áo quần của con, bởi tất thảy đều đi học.

Dẫu “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”, nhưng vợ chồng cố nuôi giấc mơ chữ nghĩa của con. Cứ mỗi lần đứa nào ôm va li lên Sài Gòn học đại học là một mảnh vườn hương hỏa lại được sang tên cho người khác.

“Khó khăn chồng chất nhưng không hiểu sao tôi vẫn muốn cho con mình trở thành thầy cô giáo, dù lúc đó cái nghề này cũng nghèo như nghề làm ruộng, lái xe lam, nhưng tôi thấy nó cao quý, có thể kiếm sống một cách lương thiện, không bon chen. Con gái trở thành cô giáo càng hay, khi lập gia đình có thể nuôi dạy con cái tốt hơn… Vì vậy, tôi hướng các con thi vào sư phạm”, chú Tư lý giải.

Ngày con gái đầu lòng đậu vào trường ĐH Sư phạm, vợ chồng chú vui mừng không ngủ được. Dù bận tối mặt nhưng ngày nào chú cũng đưa đón con gái đi học ở tận trung tâm Sài Gòn. “Mỗi ngày, khi đứng nhìn con gái bước vào cổng trường sư phạm, cả người tôi thấy tràn đầy hy vọng, bao nhiêu mệt mỏi đều bay biến”, mắt người cha già ánh lên niềm vui khó tả.

Mỗi buổi tối, khi cô chị cả đi học về lại khoe với những đứa em về những buổi kiến tập dự giờ; khoảnh khắc lóng ngóng đến toát mồ hôi khi lần đầu đứng trên bục giảng… Những câu chuyện không đầu không cuối của nghề giáo thế mà lại thu hút thêm chín người em nối gót chị cả theo nghề… “bán cháo phổi”.

“Lần lượt hết chị Tư, đến chị Năm, tôi, thằng Bảy… cho đến hai đứa em út lớn lên đều theo chị vào nghề giáo. Lương lúc mới đi dạy chỉ có mấy chục nghìn một tháng nhưng vui lắm. Buổi tối, sau khi đi dạy về, chị em túm tụm lại kể chuyện trường chuyện lớp, bày nhau cách “trị” học trò quậy. Kể cả chuyên môn, chúng tôi cũng thường xuyên góp ý, giúp đỡ nhau”, chị Sáu - cô Phạm Thị Thúy Liễu, hiện là Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Văn Lương (H.Nhà Bè) kể.

“Nghề nào cũng có thăng trầm, cũng vất vả, nhưng chỉ cần thấy học trò thì tất cả khó khăn đều tan biến. Mỗi khi thấy học sinh yếu kém tiến bộ, khi cả lớp nổi tiếng “quậy” vượt qua kỳ thi chuyển cấp ngon lành… đó là niềm vui, động lực níu giữ chị em tôi gắn bó với nghề bao nhiêu năm nay”, chị Phạm Thị Thúy Hạnh, hiện là giáo viên trường tiểu học Tạ Uyên bộc bạch.

Rồi đại gia đình của chú Tư Đực lại đón thêm một nàng dâu và một chàng rể cũng là giáo viên gắn bó lâu năm với huyện nghèo Nhà Bè. Đến nay, gia đình chú Tư có đến hơn 30 năm cống hiến cho nghề giáo, có người trở thành hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, người là giáo viên xuất sắc… với vô số bằng khen, giải thưởng.

Nhưng, tôi khá bất ngờ khi trong nhà, tuyệt không treo một bằng khen nào. Bởi theo quan niệm của gia đình chú, lặng lẽ cống hiến, nhận về tình yêu thương của học trò, sự kính trọng của phụ huynh mới là giá trị to lớn.

“Tôi muốn treo những “bằng khen” đó ở trong lòng”. Lời nói của một lão nông mà như một bậc hiền triết, khi thấy tận cùng của sự học và thành đạt chính là niềm vui lặng lẽ trong lòng cha mẹ. Phải chăng đó là ngọn nguồn của sự trưởng thành và nuôi dưỡng nghề cao quý này?

Điểm sáng của vùng quê nghèo

Họ hàng thuần nông không có người theo nghề giáo, lại ở cái xóm từng là vùng trũng giáo dục, không mấy người học đến cấp III, nhưng chuyện đại gia đình nhà giáo của chú Tư Đực đã thành giai thoại. Để đi hết đoạn đường cơm áo chông gai, không chỉ cha mẹ cực nhọc, mà bản thân họ đã phải vượt lên chính mình.

Chị Phạm Thị Bạch Yến, giáo viên trường TH Trang Tấn Khương nhớ lại tuổi thơ đầy mồ hôi và nước mắt, rằng “hồi đó chỉ học một buổi, buổi còn lại anh chị em thay phiên nhau đi mò cua bắt ốc để bán kiếm tiền đi học, mua tập vở.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI