Đại gia đình giàu tình thương

28/04/2023 - 06:05

PNO - “Nhà mình dẫu không to, xe mình đi chưa xịn, nhưng các con có đủ đầy tình thương của gia đình nội, ngoại”.

“Con là Bông, mẹ nhớ con thì mẹ hãy nhìn vào. Con viết cho mẹ, con yêu mẹ nhiều lắm”. Dẫu chữ còn nét lên nét xuống không đều, tên mình còn chưa biết viết hoa, đêm nào bé Bông (6 tuổi rưỡi) cũng viết rồi dúi vào tay mẹ.

Nhìn con hí húi viết thư trong bí mật rồi lại công khai một cách hồn nhiên, chị Lê Thị Tuyết Nhung (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) ngập tràn hạnh phúc, bởi ngày sinh Bông, chị tưởng con đã “tuột” khỏi tay mình.

Khó có thể ngờ rằng, từ một cô bé sinh non nay Bông  đã phổng phao và hay  cà khịa chị
Khó có thể ngờ rằng, từ một cô bé sinh non nay Bông đã phổng phao và hay cà khịa chị

Cô bé 1,5kg tự cứu mình

Bông là tên gọi ở nhà của bé Phạm Đình Lê Khánh. Tên của Bông khác tên chị Phạm Lê Khanh vì có thêm chữ  “Đình” lót vào sau họ ba. Theo chị Nhung, họ Phạm bên chồng chị có tục đặt tên con trai là “Phạm Đình”, nhưng Bông là ngoại lệ.

Bông sinh non khi chỉ mới 29 tuần 4 ngày, suýt chút nữa cô bé bị đẻ rớt trong nhà vệ sinh bệnh viện. Lúc sinh, Bông chỉ được 1,5kg và 27 ngày sau chỉ còn vỏn vẹn 1,4kg.

Nhớ lại ngày ấy, khi chỉ được vào thăm con ngày 2 lần, mỗi lần 3-5 phút, thấy con thở yếu ớt bên một mớ dây truyền, ống thở đặt xung quanh, chị Nhung nghẹn ngào: “Gần 6 tháng con chiến đấu một mình trong phòng chăm sóc đặc biệt, cuộc sống của vợ chồng tôi như kéo dài mấy trăm năm. Những lần nhìn con không khỏe, vợ chồng chỉ lặng lẽ nhìn nhau, không nói nên lời. Chúng tôi chỉ biết thủ thỉ vào tai con “con ơi, mau khỏe để nhà mình cùng về”.

Đến giờ chị Nhung vẫn không quên được cảm giác tim mình như ngừng đập mỗi khi bác sĩ gọi vào vì con diễn biến xấu. Ngay cả bác sĩ còn e ngại nói với chị, Bông không thể cai máy thở được… Nhưng phép màu đã đến, các y, bác sĩ cũng bất ngờ, họ nói với chị: “Cô bé đã tự cứu sống mình”. Dần dần Bông lần lượt cai máy thở, rồi tự thở được.

Chứng kiến sự kiên cường và mong con luôn được mạnh mẽ, bình an, anh Lý (chồng chị Nhung) đã xin họ tộc phá lệ thêm vào tên đi học của Bông chữ “Đình” - như cách đặt tên cho con trai vào sau họ mình.

Bông đã phát triển bình thường dẫu cân nặng có nhẹ hơn so với bạn cùng trang lứa. Khác với chị Khanh hướng ngoại, thích tham gia các hoạt động của trường, em Khánh lại “bà cụ non”, thích suy ngẫm, giỏi cà khịa và ăn hiếp chị.

Hạnh phúc lớn của chị em Bông là được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của đại gia đình
Hạnh phúc lớn của chị em Bông là được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của đại gia đình

Con có 4 người mẹ, 4 người cha

Về thói quen viết thư cho mẹ, chị Nhung cho biết: “Không chỉ Bông mà cả bé Khanh cũng siêng viết. Có lẽ các con học được từ thói quen của tôi”. Thì ra bà mẹ trẻ có sở thích ghi lại những cảm xúc quanh mình bằng những bài viết đăng trên Facebook cá nhân.

Chị siêng viết và tỉ mỉ kể lại những khoảnh khắc của con. Đặc biệt, chị tập cho con thói quen viết thiệp làm quà sinh nhật tặng các thành viên trong đại gia đình nội ngoại. Đó là cách chị Nhung muốn 2 con bày tỏ tình cảm biết ơn của mình với người thân. Chị hay nói với con: “Nhà mình dẫu không to, xe mình đi chưa xịn, nhưng lại giàu có về tình thương, bởi các con có đủ đầy tình thương của gia đình nội, ngoại”.

Đó là niềm tự hào của người mẹ 40 tuổi khi nói về quan hệ giữa mình với đại gia đình. Chị không chỉ nhận được tình cảm chăm chút từ nhà ngoại mà còn thấy mình và các con may mắn khi đón nhận sự quan tâm, yêu thương chân tình từ ba mẹ và các anh chị em bên chồng.

Sinh 2 đứa con là 2 lần mẹ chồng chị giúp con dâu "xông phơi hơ háp", tắm gội cho con dâu. 3 người chị chồng thay phiên chăm em, chăm cháu; mọi người yêu thương chị như con, em ruột trong nhà.

Chị nhớ ngày mới về nhà chồng, bỡ ngỡ giữa 2 miền Nam - Bắc, nhưng dần dà mọi thứ trở nên gần gũi, thân quen như chính nhà mình. Chị biết ơn cha mẹ chồng đã luôn yêu thương, chăm sóc cho chị từ những ngày đầu làm dâu đến tận bây giờ. Tròn 10 năm sống cùng cha mẹ chồng, chị luôn xem họ như cha mẹ đẻ. Chị càng biết ơn khi có 3 người chị chồng như chị gái và các anh rể cũng như anh ruột của mình.

Vui nhất là Khanh, Khánh lớn lên với 4 người mẹ và 4 người cha. Ngoài mẹ Nhung, ba Lý, 2 con chị còn gọi các cô, chồng cô bằng ba mẹ như “ba Dũng”, “ba Văn”, “mẹ Hương” hay cậu mợ là Ba Cường, mẹ Thắng… Thú vị hơn, 2 cháu gọi bà nội bằng “mẹ nội”.

Sự đủ đầy về tình cảm đã bồi đắp nên tâm hồn chị em Bông những thói quen dễ thương. Tuổi thơ của Khanh - Khánh không chỉ có những lần gây gổ để mỗi đứa đứng một góc nhà, chị khóc, em la hay em Khánh chọc là chị Khanh cũng chơi “tất tay”. Tuổi thơ ấy, chỉ cần xa nhau một chút là chị em lại nhớ và nhắc nhau. Hành trang của các con còn chở đầy tình thương của mọi người khi họ biết tôn trọng và nâng niu 2 tiếng “gia đình”. 

Lâm Hoàng
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI