PNO - Đại gia đình 24 người - bốn thế hệ - chung sống cùng nhau trong 5 căn biệt thự liền kề mà chưa người con nào phàn nàn về chuyện chia chác tài sản. Rất ít khi trong nhà xảy ra mâu thuẫn.
Từ năm 1999, gia đình ông Nguyễn Văn Giáo đã được UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Yên Mỹ tặng danh hiệu “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”.
Đại gia đình của ông Giáo
Phân công việc theo khả năng từng người
Nguồn kinh tế chính giúp đại gia đình ông vận hành là công ty đồ gỗ, nội thất. Ngoài ra, còn có thêm một cửa hàng đồ dùng thể thao và một cửa hàng vật liệu xây dựng. Mọi công việc ở công ty, cửa hàng, việc bếp núc đều được ông bà Giáo phân công dựa trên ưu, nhược điểm của mỗi người. Anh Nguyễn Văn Thầm (con trai thứ ba) là người nhanh nhạy, có nhận định rất sát với thị trường được cử làm giám đốc công ty đồ gỗ. Anh Nguyễn Văn Thì (con trai thứ tư) là xã đội trưởng và được giao quản lý cửa hàng bán đồ thể thao. Anh Nguyễn Văn Thúy làm quản đốc phân xưởng sản xuất mộc, con út Nguyễn Văn Trà trông coi việc kinh doanh ở xưởng mộc. Chị dâu cả quán xuyến việc bếp núc và sinh hoạt của cả nhà. Bốn chị em dâu còn lại tham gia các việc khác nhau… Mọi người đều tự giác làm công việc của mình.
Ông Giáo giải thích: “Phân rõ ràng như vậy chỉ để quản lý cho dễ, chứ không có ý là phân cao thấp giữa các con. Đứa nào cũng là con nhưng mỗi đứa mỗi tính, chẳng ai giống ai. Tùy người mà răn dạy và giao việc, nhưng phải luôn đảm bảo công bằng. Trước khi quyết định việc gì, gia đình cũng phải bàn bạc, xin ý kiến của từng người". Năm nào cũng vậy, bữa cơm tất niên được coi như buổi “tổng kết năm”. Mỗi người báo cáo việc làm ăn và chia sẻ chuyện gia đình. Các cháu thì báo cáo việc học hành của mình. Rồi sau đó cả gia đình ngồi lại bàn bạc với nhau hướng làm ăn năm tới.
Gìn giữ truyền thống “Ăn chung một nồi”
Truyền thống “Ăn chung một nồi, tiêu chung túi” của gia đình ông Giáo đã có từ thời bố ông. Ông đã gây dựng thành nếp nhà và dày công gìn giữ, vun đắp trong suốt cuộc đời.
Với vợ chồng ông Giáo, phương châm để các con sống hòa thuận là sai đâu bảo đó. Con cháu nếu không hài lòng ở ông điều gì hoặc thấy ông có điều gì chưa phải, chưa đúng thì gặp ông để trao đổi lại. Tất nhiên muốn có được quan hệ “biện chứng” này, ông Giáo cũng luôn là người biết quan tâm, chăm sóc mọi người. Mọi thứ trong gia đình từ những thứ nhỏ nhất, ông bà Giáo đều phân chia cân bằng. Có lẽ vì thế mà trong gia đình ông không có chuyện chừa việc cho người khác, hoặc bằng mặt không bằng lòng.
Trước đây nghe phong thanh có gia đình nhỏ có ý định ra ở riêng, trong bữa ăn tối, ông Giáo đã nhắc nhở các con bằng việc vận dụng truyện ngụ ngôn “Câu chuyện bó đũa” (bẻ từng cái thì dễ nhưng cả bó đũa thì khó). Sau đó, ông gọi riêng người con ấy đến nhắc nhở: Ông bà, cha mẹ như cái gốc, con cháu như cái cành. Gốc có vững, cành lá mới xanh. Nghe những lời nhắc nhở của ông, người con ấy đã tự nhận ra.
Ông Giáo tâm sự: “Tách chén còn có lúc va nhau sứt vòi, mẻ quai huống chi là con người. Sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà sẽ có những va chạm về quan niệm sống. Nhà tôi có 4 thế hệ với 24 con người, đủ cả người già, trẻ nhỏ. Mỗi người mỗi tính và quan điểm sống của mỗi thế hệ khác nhau nên đôi lúc cũng xảy ra chuyện này chuyện nọ. Dù vậy, vợ chồng tôi luôn cố gắng giữ cân bằng qua cách sống cởi mở và trách nhiệm. Chỉ cần thấy ai trong bữa cơm bình thường cười nói vui vẻ mà bữa đó lại ít nói, buồn buồn là phải tìm hiểu ngay. Được cái, tất cả con cháu đều nghe theo. Mọi người sống chan hòa, yêu thương nhau nên chín bỏ làm mười, chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì”.
Dạy các nàng dâu biết chia sẻ
Các thành viên của gia đình đang làm bữa cơm chiều
Để dung hoà mối quan hệ giữa 5 nàng dâu, ngoài việc cư xử theo nguyên tắc dân chủ, tránh tình trạng "bên trọng bên khinh", ông bà còn dạy các nàng dâu phải biết chia sẻ, yêu thương, nhường nhịn nhau ngay khi mới về nhà chồng. Ông bà không bao giờ nghiêng bên này để trách bên kia. Các con dâu của ông bà Giáo đều là người ở cùng xóm, khi về được ông bà dạy bảo từng ly từng tý, từ cách cầm cái búa như thế nào cho chắc tay rồi vun đất trồng rau ra sao để luống thẳng hàng đẹp mắt…
Nhớ lại ngày đầu về, chị Tạ Thị Hoa (con dâu trưởng) kể: “Nhiều người bảo lấy chồng nhà đông anh em trai, bố mẹ chồng lại sống theo nề nếp sẽ khó khăn, tôi cũng sợ. Nhưng sự lo lắng dần dần bị đẩy lùi khi mình dần làm quen với cuộc sống gia đình. Bố mẹ chồng không khắt khe mà rất khôn khéo trong việc uốn nắn các nàng dâu mới đi theo nếp nhà”.
Mọi thứ ông bà Giáo rất công bằng. Nhà con trưởng có ti vi, xe máy thì nhà các chú, các cô cũng phải có đủ những thứ ấy. Bọn trẻ thì tùy theo cấp học mà được chu cấp số tiền khác nhau. Ông bà luôn mở lòng mình, chia sẻ mọi chuyện với các nàng dâu nên các chị em dâu cũng dễ bày tỏ ý kiến của mình về những việc trong nhà...
Chị Đào Thị Lân - con dâu thứ tư kể: "Lúc đầu tôi về làm dâu, diện tích 2.500m2 đất để dựng lên 5 ngôi biệt thự khang trang như hiện nay chỉ là vùng đất trũng. Ngày nào cũng vậy, 4h sáng cả gia đình phải thức dậy. Chị cả lo việc nấu ăn sáng cho cả gia đình, những người còn lại thì lao vào công việc lấp đất xây nhà. Bố mẹ chồng chăm chỉ, mình làm con dâu cũng không dám lười biếng. Có những hôm đã quá trưa, trời nắng chang chang mấy chị em mệt lử cả người nhưng thấy bố và các anh vẫn đang miệt mài làm việc nên cũng phải gắng gượng làm tiếp".
“Mấy chị em dâu cùng lứa tuổi, cùng tính cách nên cũng dễ chia sẻ. Người ngoài còn bảo mấy chị em dâu mà cứ như chị em gái, từ sở thích ăn uống đến cách ăn mặc đều giống nhau. Ngày trước chưa có máy giặt, quần áo của cả nhà nhiều, nhưng các chị em dâu không ai bảo ai, cứ ai về nhà trước thì giặt trước”, chị Hoa chia sẻ.
“Không bao giờ nghĩ chuyện ở riêng nữa”
Ngày mới lấy anh Nguyễn Văn Trà, chị Đỗ Thị Nhiên - con dâu út của ông Nguyễn Văn Giáo cũng giận dỗi với chồng chỉ vì anh bảo về sống cùng bố mẹ. Chị tâm sự: “Nhà chồng lúc đó chật, các anh chị ở cùng nhà, về lâu dài làm sao tránh được chuyện này, chuyện kia. Chồng bảo về ở với bố mẹ 1 năm rồi ra riêng, nên mình cũng lưỡng lự đồng ý”.
Ngày đầu tiên về ở chung cùng nhà chồng, chị Nhiên đặt chuông đồng hồ dậy từ sớm, dặn lòng để lo cơm nước cho cả nhà. Nhưng bất ngờ, các chị dâu còn dậy sớm hơn và mọi thứ đã được các chị làm tinh tươm. Thấy em dâu ngượng ngập vì dậy muộn hơn, các chị dâu không tị nạnh mà cười bảo: “Không sao đâu em, dần dần sẽ quen thôi. Sống với nhà chồng nhưng cứ thoải mái nhé”.
Đến lúc sinh con, chị Nhiên càng thấy giá trị của cuộc sống đại gia đình, bởi sự vất vả đã được san sẻ rất nhiều. Em bé được cả nhà cùng chăm sóc, đông người nên vắng người này lại có người kia trợ giúp. Mọi thứ đều do chị em dâu chăm sóc tận tình, người sinh con không phải làm việc gì cho đến khi khỏe hẳn. Tình cảm giữa các thành viên cũng bền chặt hơn, có điều kiện quan tâm đến nhau hàng ngày.
Sau gần 20 năm làm dâu nhà ông Giáo, chị Nhiên không nghĩ đến chuyện ra ở riêng nữa. “Bây giờ, mình cảm thấy tự hào khi sống trong gia đình nhà chồng. Ở đây, hai đứa con của mình được ông bà, các bác dạy dỗ chăm sóc hơn cả bố mẹ. Gia đình quây quần đông vui quen rồi, giờ ra ngoài chắc lại khó sống”, chị Nhiên chia sẻ.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.