Dại gì đăng ký kết hôn?

05/03/2019 - 06:00

PNO - Các bạn né tránh những vết thương ấy bằng cách không đăng ký kết hôn và tự biện hộ bằng sự “yêu thích tự do”. Nhưng sâu bên trong niềm tin bị đổ vỡ chính là cảm xúc sợ thất bại.

Những người từng “bước qua đổ vỡ” thường không mấy quan tâm đến việc đăng ký kết hôn. Khi đã qua một lần đò, họ nghĩ, gặp được người hiểu mình, sống với nhau có tình có nghĩa quan trọng hơn chuyện ghi tên nhau vào một tờ giấy. Không đăng ký kết hôn cũng đang là lựa chọn của những đôi cưới nhau lần đầu.

Trong cơn say men tình, họ vẫn tỉnh táo, “dại gì đăng ký kết hôn”, nhỡ hôn nhân không thỏa mãn, lại rắc rối thủ tục chia tay. Quả nhiên, khi đường ai nấy đi, sau cuộc sống chung ngắn ngủi, cô dâu chú rể tung tẩy, tự do, bao nỗi ưu phiền trút hết lên đời của người già, con trẻ.

Cưới rầm rộ, chia tay lặng lẽ

Bà Trần Thúy Nga, giám đốc một công ty may, tổ chức hôn lễ cho con trai. Đám cưới diễn ra ở một nhà hàng cực kỳ sang trọng, mọi thứ tinh tươm, đắt tiền, từ cái thiệp cưới, cô dâu chú rể trang phục lộng lẫy. Khách được mời cũng cảm thấy vinh dự khi họ được chọn vì sự giàu sang và thành đạt. Khán phòng đầy những lời chúc mừng cho đôi trẻ lẫn hai bên gia đình. Ai cũng tin rằng, đôi tân phu phụ này sẽ hạnh phúc, vì kinh tế gia đình đã được bà mẹ của chú rể đảm bảo.

Dai gi dang ky ket hon?
 

Vậy mà ai ngờ, ba năm sau, người đàn bà giàu có luôn phải nháo nhác chờ trước cổng trường mẫu giáo, để được nhìn thấy cháu nội. Cô con dâu ngày nào bây giờ gọi bà bằng bác, đến trường là rước con lên xe, đi ngay, không cho bà cháu gặp nhau. Muốn thăm, bồng bế, nựng nịu thằng cháu nội, bà giám đốc phải vất vả trưng ra bao nhiêu hình ảnh, để chứng minh với cô giáo rằng, bà là bà nội, là mẹ của bố thằng bé. “Vậy sao giấy khai sinh không có tên cha?”. Bà ngậm ngùi thú nhận với cô giáo: “Tụi nó đâu có đăng ký kết hôn. Con dâu tôi bảo, chỉ cần có tên mẹ là đủ rồi”.

Thương con, bà đã không can thiệp vào cuộc hôn nhân của con trai, chỉ lo đám cưới thật hoành tráng, để con bà cảm nhận được hạnh phúc, cho đôi vợ chồng trẻ hưởng 50% lợi nhuận từ công ty của bà, mong con không phải vất vả mưu sinh, chăm lo vun vén gia đình. Vậy mà, chỉ sau hai năm chung sống, đôi vợ chồng trẻ cãi nhau một trận tưng bừng rồi chia tay. Lý do đơn giản: anh ham bạn bè, em ham mua sắm.

Chồng bà - bố dượng của cậu con trai, thương vợ, nên cũng thương cả cháu nội của vợ. Ngày cặp vợ chồng trẻ còn đầm ấm, ông hăng say chụp hình cháu nội mỗi ngày. Con riêng của vợ, ông thương như con ruột. Ngày con trai đưa bạn gái về nhà, bằng con mắt tinh đời, ông đã nói với vợ: “Cô bé xinh đẹp, sành điệu mà con trai mình quen trong quán bar, chắc chẳng chịu làm vợ đâu”. Con trai bà học xong đại học cũng chẳng chú tâm công việc, nằng nặc đòi mẹ mua xe xịn, tới lui mấy chỗ dành cho thiếu gia… thì sao gặp được gái nhà lành.

Ngày xưa, bà chia tay chồng cũ nhạt nhẽo, lười biếng, chỉ siêng nhậu nhẹt. Bà vắt sức lao động, kiếm tiền nuôi con, để ông chồng bà thấy “không có bố, con trai vẫn sung sướng”. May mắn, bà gặp người đàn ông tốt, góa vợ, chia sẻ được với nhau. Tuy nhiên, vì cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại, bà không thể khuyên con nên nhường nhịn để “vợ chồng ăn đời ở kiếp” với nhau. Bây giờ, con trai bà thành người tự do, lại lái xe xịn, tán tỉnh các cô gái chịu chơi. Con dâu bà vừa lên máy bay sang châu Âu làm vợ một Việt kiều lớn tuổi, lần này có đăng ký kết hôn hẳn hoi. Nhớ thương cháu, mỗi tháng, bà phải chi 500 euro cho cháu nội, để được nhìn, được nói chuyện với cháu qua Facebook.

Con trai thông báo: bạn gái đã có bầu. Sang hỏi vợ cho con, bà Nguyễn Thanh Tâm - một doanh nhân ngành thực phẩm gia súc - hết sức ngạc nhiên khi nhà gái đồng ý cho cưới, còn yêu cầu cưới “coi sao cho được”, nhưng mẹ cô dâu lại bảo chưa cần đăng ký kết hôn. Lý do: “Tụi nó mới 24 tuổi, còn nhỏ dại, chưa đủ chín chắn để làm vợ làm chồng”. Nhà gái không lo con họ “lỗ”, thì nhà trai sao phải thắc mắc. Đám cưới tưng bừng, hai họ mừng vui, cô dâu chú rể hân hoan, rạng rỡ. Chú rể học ở nước ngoài về, văn minh, tử tế. Cô dâu cũng vừa tốt nghiệp đại học ngoại thương, hiểu biết.

Dù chỉ có một đứa con, bà cũng sắm cho cặp vợ chồng mới một căn hộ cao cấp, để mẹ chồng nàng dâu bớt đụng chạm. Bà còn thuê cả người giúp việc để con dâu chỉ việc ôm con. Thế nhưng, cô con dâu của bà chẳng thấy mình sung sướng, chẳng ham tổ chức cuộc sống gia đình. Cách đây một năm, con dâu bà quyết định bồng con về nhà mẹ ruột, bỏ luôn căn hộ đầy đủ tiện nghi. Bà chẳng hiểu lý do. Con trai bà cũng chẳng hề tỏ ra buồn lòng vì mất vợ. Anh chàng cho thuê ngay căn hộ, dọn đồ về ở với mẹ, như chưa hề có cuộc chia tay. Bây giờ, bà chỉ mong đến ngày cuối tuần để được gặp cháu nội. May mắn là cô cháu gái 5 tuổi rất quấn bà nội, nên bà cũng an ủi được một phần.

Dai gi dang ky ket hon?
Ảnh minh họa

Con trai bà giờ đã ngoài 30, xem như vẫn chưa yên bề gia thất. Bạn bè gặp mặt, hỏi han chuyện con cháu, bà ngại ngùng, chẳng biết nói sao. Mọi người còn đùa, bà nên chuẩn bị tiền để tiếp tục cưới dâu. Chuyện đó thì bà không ngại, chỉ lo không biết khi con trai đám cưới lần nữa, bạn bè của bà liệu có ai còn nhiệt tình đến dự. Bà lao vào công việc để tìm vui, không may bị lừa, mất hết tiền bạc, tưởng như cuộc sống bế tắt hẳn rồi. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, con trai bà bỗng chí thú làm ăn, chăm sóc mẹ. Nhưng (lại nhưng) bà chưa kịp yên lòng thì con trai bà phải vào viện mổ ruột thừa, phát hiện bị nhiễm HIV. Trong những cuộc tình ngắn ngủi, cô gái nào đó đã tặng cho con bà một nỗi sầu quá lớn. Bà giấu tiệt, không dám tiết lộ cho con dâu cũ biết, vì sợ cô ta không cho con sang nhà bà nội, càng không cho con gặp bố. Con trai bà giờ đang sống trong trạng thái trầm cảm triền miên, phải uống thuốc mới ngủ được.

Sợ thất bại

Hôn nhân là một hành trình dài, nhiều bất trắc. Có đăng ký kết hôn cũng chẳng đảm bảo cuộc sống chung dài lâu mà không đăng ký kết hôn cũng chẳng phải là nguyên nhân khiến người ta dễ xa nhau. Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hồn Việt: giới trẻ ngày nay có nhiều đổi thay đột phá trong tư duy. Họ có những chọn lựa táo bạo khi kết hôn mà không cần đăng ký, xem việc đăng ký kết hôn như một lựa chọn chứ không phải điều bắt buộc. Đây là vấn đề mới mẻ, nhưng hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể số người cưới mà không đăng ký kết hôn. Nhìn nhận về vấn đề này, chúng ta có thể thấy nhiều được, mất:

Không đăng ký kết hôn đương nhiên đỡ mất thời gian đi đăng ký, với nhiều thủ tục giấy tờ, nhất là nếu cá nhân có vấn đề rắc rối với việc xin giấy chứng nhận độc thân hoặc nếu là tín đồ Công giáo thì sẽ có thể phải mệt mỏi theo học, kiếm giấy chứng nhận các lớp giáo lý của nhà thờ. Nếu hôn nhân có biến cố gì, họ cũng dễ dàng quyết định, dễ dàng dứt bỏ, khỏi phải khởi kiện ly hôn rắc rối, rườm rà ở tòa án.

Nhưng đương nhiên, kết hôn không có giấy chứng nhận sẽ gặp khó khăn khi con chào đời, làm giấy tờ khai sinh cho con, chuyện thừa kế sau này. Chưa kể những vấn đề rắc rối hay thiệt thòi cho đôi bên trong chuyện phân chia tài sản, trách nhiệm nuôi con nếu vợ chồng chia tay. Đặc biệt, trong tâm lý, người ta chứng minh rằng, khi một người chuẩn bị tâm thế cho việc gì thì khả năng việc đó xảy ra vô cùng cao. Nghĩa là nếu các đôi đến với nhau, không đăng ký kết hôn, với tâm thế “lỡ có gì thì bỏ cũng dễ” sẽ dễ bỏ nhau thật.

Có nhiều nguyên nhân để các bạn trẻ chọn lựa cách này. Ngoài ảnh hưởng từ lối sống của các nước phương Tây, các cặp đồng thuận với giải pháp này thường phù hợp với nhau, có cùng quan điểm và giá trị sống. Về mặt tâm lý, trong sâu xa, những bạn trẻ chọn lựa giải pháp này thường vì họ không có niềm tin về hôn nhân bền vững. Phần lớn họ xuất thân từ gia đình bị đổ vỡ hôn nhân hoặc cha mẹ có hôn nhân không hạnh phúc. Các bạn né tránh những vết thương ấy bằng cách không đăng ký kết hôn và tự biện hộ bằng sự “yêu thích tự do”. Nhưng sâu bên trong niềm tin bị đổ vỡ chính là cảm xúc sợ thất bại. 

Trường Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI