Dải Gaza trước nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

13/10/2023 - 06:15

PNO - Israel đang đóng cửa tất cả các cửa khẩu biên giới với dải Gaza, khiến mọi viện trợ nhân đạo đều không thể đến với người dân Palestine.

Người đàn ông bế một bé gái Palestine bị thương sau cuộc pháo kích từ Israel nhắm vào dải Gaza vào ngày 11/10 - Nguồn ảnh: Reuters
Người đàn ông bế một bé gái Palestine bị thương sau cuộc pháo kích từ Israel nhắm vào dải Gaza vào ngày 11/10 - Nguồn ảnh: Reuters

Israel đang phát động các chiến dịch quân sự nhắm vào dải Gaza, nhằm đáp trả cuộc tấn công từ nhóm phiến quân Hamas của Palestine. Bộ Y tế Gaza cho biết tính đến ngày 11/10, ít nhất 1.100 người Palestine đã thiệt mạng (trong đó có 326 trẻ em) và 4.250 người khác bị thương. Hơn 260.000 người tại Gaza phải di dời kể từ ngày 7/10 và con số này đang tăng nhanh. Hơn 175.000 người đang trú ẩn trong các trường học do Cơ quan cứu trợ của Liên hiệp quốc (LHQ) về người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành. UNRWA với khoảng 13.000 nhân viên hoạt động tại khu vực này báo cáo vào ngày 11/10 rằng, 9 nhân viên của họ đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ. Cơ quan này nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường, kể cả trong xung đột.

UNRWA là huyết mạch cho khoảng 2 triệu người tị nạn Palestine ở Gaza, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Cuộc xung đột buộc 14 trung tâm phân phối thực phẩm do UNRWA điều hành phải đóng cửa và số khác cắt giảm hoạt động.

Adnan Abu Hasna - phát ngôn viên của UNRWA - nói: “Dải Gaza sẽ chứng kiến một thảm họa nhân đạo chưa từng có nếu các hành lang an toàn không được mở ra cho viện trợ nhân đạo, bao gồm vật tư y tế, thực phẩm và nước uống”. Ngày 11/10, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trong một cuộc họp báo: “Dân thường và những người hoạt động nhân đạo không phải là mục tiêu cho xung đột. Họ phải luôn được bảo vệ”.

Israel đang đóng cửa tất cả các cửa khẩu biên giới với dải Gaza, khiến mọi viện trợ nhân đạo đều không thể đến với người dân Palestine. Israel cũng cắt nguồn cung cấp nước và điện cho dải Gaza, đồng thời ngăn chặn những người muốn rời khỏi khu vực. Động thái cứng rắn của Israel vấp phải sự phản đối trên toàn thế giới và thậm chí là cả cáo buộc tội ác chiến tranh. Adnan Abu Hasna nói: “Gaza sẽ sớm cạn kiệt nhiên liệu và các bệnh viện chỉ có thể cầm cự thêm vài giờ từ thời điểm đó. Nếu tình hình tiếp tục, dải Gaza sẽ hết lương thực trong vòng 2 tuần”. 

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và các cơ quan khác của LHQ đã kêu gọi xây dựng hành lang nhân đạo và lối đi an toàn, không bị cản trở cho nhân viên của họ. Ngay sau cuộc xung đột, WFP bắt đầu phân phát bánh mì tươi, thực phẩm đóng hộp và thực phẩm ăn liền cho khoảng 100.000 người tại các nơi trú ẩn của UNRWA. Mục tiêu của họ là tiếp cận hơn 800.000 người, với kinh phí 17,3 triệu USD cho biện pháp ứng phó tức thì và gần 45 triệu USD để duy trì hoạt động trong 6 tháng tới.

Samer Abdeljaber - Giám đốc WFP tại Palestine - cho biết: “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo những người phải rời bỏ nhà cửa, sống trong các nơi tạm trú sẽ nhận được thực phẩm và sự giúp đỡ họ cần để tồn tại”. WFP sẽ triển khai hỗ trợ thông qua phiếu mua hàng điện tử để mọi người có thể mua thực phẩm từ các cửa hàng vẫn mở cửa. Ông Abdeljaber nói thêm: “Chẳng bao lâu nữa, nguồn cung cấp thực phẩm và nhu cầu cơ bản ở Gaza sẽ cạn kiệt. Chúng tôi cần hành lang nhân đạo để có thể hỗ trợ số người bị ảnh hưởng đang tăng lên mỗi ngày”. 

Theo Reuters, các cuộc đàm phán giữa Ai Cập, Mỹ, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về ý tưởng cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua cửa khẩu Rafah giữa Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập, dựa trên một lệnh ngừng bắn giới hạn. Nơi này là cửa ngõ trên bộ an toàn nhất không do Israel kiểm soát. Dù vậy, cửa khẩu đã bị đóng cửa kể từ ngày 10/10, sau các cuộc ném bom của Israel nhắm vào phía Palestine.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết: “Ai Cập rất muốn mở cửa khẩu Rafah để cung cấp viện trợ nhân đạo, thực phẩm và thuốc men, nhưng tình trạng bất ổn và sự leo thang xung đột dẫn đến nhiều khó khăn, chẳng hạn như việc người tị nạn đổ xô tới các khu vực an toàn, trong đó có châu Âu”.

Tấn Vĩ (theo UN, Reuters, AA) 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI