Đại diện Viện kiểm sát: “Bà Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản, tất cả là khai khống"

01/04/2024 - 16:17

PNO - Trong phiên đối đáp ý kiến luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan trong sáng 1/4, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho biết bà Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản mà đây là thủ đoạn đưa tài sản vào để tạo lập khoản vay mới.

Bà Trương Mỹ Lan đổ tội cho cấp dưới là ngoan cố

Bà Trương Mỹ Lan cho rằng các công ty “ma” này không liên quan tới bà, lời khai của các bị cáo không có căn cứ nên quy buộc của VKS nói rằng bà dùng công ty “ma” rút ruột SCB là không đúng.

Đại diện VKS cho biết, trong quá trình điều tra và dựa vào các lời khai tại tòa, VKS có đủ tài liệu chứng minh việc bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB và đồng phạm tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê/nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty “ma” đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký.

Đại diện VKS trình bày
Đại diện VKS đối đáp ý kiến luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan

Tại phần trả lời thẩm vấn với cơ quan công an, bà Trương Mỹ Lan khai đã giao cho ông Nguyễn Phương Anh - Phó TGĐ Công ty Sài Gòn Peninsula - theo dõi toàn bộ việc thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác nhau cho các công ty. Bà cũng khai, đối với các tài sản đưa vào SCB đến hạn thanh toán nhưng không có khả năng thanh toán thì sẽ trao đổi với ông Trương Khánh Hoàng - cựu quyền TGĐ SCB, Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó TGĐ SCB - nhằm đưa tài sản vào SCB để vay nợ mới trả nợ cũ, hoặc tìm kiếm nguồn tiền từ bên ngoài trả nợ SCB trước, sau đó làm hồ sơ giải ngân sau. Bà Lan còn khai do bà có hàng ngàn tài sản nên phải nhờ bà Đặng Phương Hoài Tâm - Trưởng Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát - theo dõi, quản lý để biết tài sản nào đã đưa vào cho vay, tài sản nào đủ để đưa vào cho vay.

Sau đó, lời khai của các bị cáo khác như Nguyễn Anh Phương, bà Đặng Phương Hoài Tâm - Trưởng Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát, Hồ Bửu Phương - Phó TGĐ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - đều chỉ rõ việc thành lập hàng ngàn công ty ma để “rút ruột” SCB là do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo, việc thu chi “giải quỹ” dòng tiền đã được giải ngân từ SCB vào các công ty thụ hưởng cuối cùng trước khi bà Lan rút ra sử dụng với mục đích riêng đều trùng khớp với các công ty bà Lan đã khai.

Thành lập hàng ngàn công ty “ma” để đứng tên hồ sơ vay nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên bà Lan tiếp tục chỉ đạo bà Nguyễn Phương Hồng - cựu Phó TGĐ SCB (đã mất) - thành lập 3 trung tâm để phục vụ các khoản vay của riêng mình gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp, kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân.

Bà Trương Huệ Vân, cháu gái bà Lan cũng khai bà Lan đã chỉ đạo thành lập các công ty "ma", thông đồng với bị cáo Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó TGĐ Ngân hàng SCB - lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Công ty Cổ phần Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ SCB nhằm sử dụng cho các mục đích của bị cáo Lan và Vân.

Sau đó ông Dương Tấn Trước còn khai rằng bà Trương Mỹ Lan và ông Trương Khánh Hoàng thỏa thuận sẽ chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho ông Trước và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỉ đồng. Ông Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB, nhận nợ 3.500 tỉ đồng. Trong đó, 2.500 tỉ đồng tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, 1.000 tỉ đồng để bà Trương Mỹ Lan sử dụng và có trách nhiệm trả nợ cho SCB.

“Các bị cáo này đã khai rất nhiều lần chứ không phải 1 lần. Nhiều bị cáo còn nói vì tin tưởng mù quáng vào bà Trương Mỹ Lan nên mới thực hiện theo và quá thất vọng về lời khai của bà Lan. Do đó, việc bà Trương Mỹ Lan đổ tội cho SCB cấu kết với ông Nguyễn Phương Anh thành lập công ty “ma” để tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống là ngoan cố, thủ đoạn tinh vi.

Bà Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản

Nhiều luật sư cho rằng, bà Trương Mỹ Lan đã cho SCB mượn tài sản trong giai đoạn tái cơ cấu nên bà đang bị thiệt hại mất hết tài sản, những thiệt hại của SCB là sau giai đoạn cơ cấu, không thuộc trách nhiệm bà Trương Mỹ Lan.

Đại diện VKS cho rằng, bà Lan khai không đúng sự thật. 5 dự án tài sản mà bà cho SCB mượn gồm tòa nhà Windsor Plaza, dự án 289 Trần Hưng Đạo, dự án khu 5-2, Times Square, Chợ Vải… thực tế đã thế chấp trước đó, có khoản nợ phát sinh trước khi hợp nhất là 48.759 tỉ đồng (gốc và lãi). Sau đó, bà Lan đã hoán đổi tài sản sản và rút ra 55.000 tỉ đồng. Bà và các đồng phạm đã lập phương án tái cơ cấu không đầy đủ rồi trình lên NHNN. Do đó, bà Lan không cho SCB mượn tài sản mà dùng thủ đoạn đưa tài sản vào để tạo khoản vay mới, dùng tiền giải ngân của khoản vay mới để trả nợ cũ.

Viện kiểm soát khẳng định rằng bà Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản mà chỉ là lời khai khống
Viện kiểm sát khẳng định bà Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản, đây chỉ là lời khai khống

Các bị cáo là lãnh đạo SCB cũng khẳng định bà Trương Mỹ Lan chưa từng cho SCB mượn tài sản. Với 1.169 tài sản là các bất động sản đã bị kê biên, bà Lan khai chỉ có 6 tài sản mua trước năm 2012, còn lại đều sau năm 2012 và bà Lan đã thuê người đứng tên. Từ đó cho thấy, các tài sản này được mua trong thời gian bà thực hiện chuỗi hành vi phạm tội. Bị cáo Nguyễn Phương Anh cũng khai, các công ty con thuộc Vạn Thịnh Phát hầu hết không có hoạt động kinh doanh, tiền rút ra từ SCB dùng để mua các bất động sản.

Đại diện VKS dẫn chứng thêm các phương thức gian dối mà bà Trương Mỹ Lan đã “rút ruột” SCB. Đơn cử, bà Lan nhờ bà Trương Thanh Nhã (tại Mỹ) đứng tên giùm 9 sổ tiết kiệm với số tiền 1.040 tỉ đồng. Số tiền này không phải của bà Lan mà là rút từ SCB. Sau đó, bà Lan nhờ bà Nhã cầm cố 9 sổ này để vay 1.033 tỉ đồng tại SCB, lập hồ sơ khống để trả nợ cho 2 cá nhân khác. Toàn bộ thủ tục hồ sơ mở sổ tiết kiệm do ông Nguyễn Phương Anh chuẩn bị, còn tiền do tài xế riêng của bà Lan chở đến.

Trong tất cả tài liệu, hồ sơ tại SCB đều thể hiện bà Trương Mỹ Lan chỉ trả nợ cho SCB số tiền rất nhỏ so với dư nợ các khoản vay.

Nâng khống giá trị tài sản bảo đảm

Theo đại diện VKS, dù bà Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cơ quan tố tụng đã làm rõ bà là người đã chỉ đạo thực hiện.

Như với dự án Mũi Đèn Đỏ (quận 7, TPHCM), bà Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó TGĐ SCB - khai rằng, nghe theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan nên đã yêu cầu các công ty thẩm định giá phát hành chứng thư thẩm định ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản.

Bà Trương Mỹ Lan cũng từng khai với cơ quan điều tra rằng, với những tài sản không đủ giá trị thế chấp khoản nợ cũ trước đó, bà sẽ thuê công ty thẩm định giá nâng khống giá trị. Hiện hầu hết các tài sản đảm bảo khoản vay của bà Trương Mỹ Lan đều không thực hiện thủ tục thế chấp, giao dịch tài sản đảm bảo. Từ đó chứng minh rằng, việc bà Lan câu kết với các công ty thẩm định giá là có căn cứ, việc đưa tài sản vào SCB là thủ đoạn bà Lan dùng để “rút ruột” SCB.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI