“Đơn vị trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng đang trùng tu nhà thờ Đức Bà Tournai 850 tuổi ở Bỉ - được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tôi hoàn toàn tin tưởng và yên tâm về chuyên môn cũng như kinh nghiệm của họ”, linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM, Chánh xứ, Trưởng ban trùng tu nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, cho biết.
Bắt đầu từ tối 4/1, một số vấn đề về chuyên môn lẫn tính trung thực trong chuyện trùng tu nhà thờ Đức Bà được các facebooker (trong đó có cả kiến trúc sư, chuyên gia kết cấu lẫn nhà nghiên cứu…) truyền đi trên mạng xã hội. Câu chuyện nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn từ phía dư luận.
Liệu số phận của nhà thờ Đức Bà có đang bị đẩy vào vòng nguy hiểm? Đó có lẽ là câu hỏi đầy lo lắng của không ít người khi những thông tin ban đầu được đưa ra như cách điều hành không có chuyên môn, tùy tiện, lấp liếm và hoang phí… Cũng có những ý kiến không rõ, công trình này đang tiếp tục được trùng tu hay đã dừng lại “vì quây kín lâu quá, không biết bên trong như thế nào”.
|
Nhà thờ Đức Bà đang được trùng tu, dự kiến năm 2025 mới xong - Ảnh: T.N. |
Trong đó có một nội dung cần xem xét một cách thận trọng và có bằng chứng cụ thể, vì nó liên quan đến quan điểm trùng tu ban đầu của nhà thờ, đó là vấn đề vật tư. Một chuyên gia kết cấu cho biết: “Đa số ngói tháo xuống khi xem lại seal niêm phong gần như ngói được sản xuất tại việt Nam, được tập hợp và thống kê đầy đủ, rất giá trị”.
Trước đó, nhân dịp UBND TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố cho năm di tích, trong đó có bốn di tích gắn với lịch sử công giáo TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung, ngày 31/12/2019, trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM về tiến độ trùng tu của công trình nhà thờ Đức Bà, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM Hồ Văn Xuân cho biết: “Trùng tu là một công việc phức tạp. Năm ngoái, trong buổi gặp ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, tôi có báo cáo rằng, theo dự kiến ban đầu, sớm nhất là cuối năm 2023, công trình sẽ xong; nhưng đơn vị thi công nói không xong nổi, sớm nhất phải 2025”.
“Đơn vị trùng tu đủ kinh nghiệm, có chuyên môn”
Ngày 2/4/2015, Đức tổng giám mục Phaolo Bùi Văn Đọc quyết định trùng tu nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn. Khi thiết lập ban trùng tu cấp giáo phận, linh mục Hồ Văn Xuân được chọn đảm nhiệm vị trí trưởng ban.
Theo lời kể của linh mục Hồ Văn Xuân, hồi đó, khi quyết định trùng tu nhà thờ Đức Bà, Đức tổng giám mục Phaolo Bùi Văn Đọc đã đưa ra một định hướng rất rõ ràng: ngày xưa, người Pháp xây dựng nhà thờ Đức Bà với vật tư nhập từ Pháp, theo kỹ thuật châu Âu. Các nhà thờ châu Âu trước đây được xây dựng theo kết cấu gạch đá, vì thế nếu trùng tu, cũng phải cố gắng nhập vật tư từ châu Âu về; đồng thời, nhờ các công ty bên đó tư vấn, giúp thực hiện trùng tu theo tiêu chuẩn châu Âu. Có thế, tuổi thọ của công trình này mới kéo dài cho những thế hệ mai sau.
Theo chia sẻ của linh mục Hồ Văn Xuân trên kênh truyền thông chính thức của Tổng giáo phận Sài Gòn, công việc trùng tu được bắt đầu từ tháng 7/2017 với sự tham gia lúc đầu của nhiều đơn vị khác nhau, bên cạnh các đơn vị châu Âu, còn có cả Việt Nam như Eurowindow và Thép Việt Bình Dương trong giai đoạn đầu thực hiện hai giàn giáo.
Tuy nhiên, sau chuyến công tác châu Âu từ ngày 13-19/3/2019, đi tham quan tất cả nhà thờ đang được trùng tu để học hỏi và áp dụng kinh nghiệm vào việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn; nhất là sau ký kết với Tập đoàn Monument ở Bỉ ngày 18/3, tập đoàn này sẽ chịu trách nhiệm chính đối với công việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Đây là tập đoàn nổi tiếng châu Âu trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là trùng tu các công trình cổ. Trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, họ từng trùng tu xong nhà thờ Đức Bà Rouen ở Pháp (Cathédrale primatiale Notre Dame de l’Assomption de Rouen); nhà thờ Đức Bà Anges (Notre Dame des Anges) ở Pháp được UNESCO công nhận di sản phần tháp chuông cao 125m, gấp đôi tháp chuông nhà thờ ở Sài Gòn. Họ cũng đang thực hiện trùng tu nhà thờ Đức Bà Tournai (Notre Dame de Tournai) ở Bỉ 850 tuổi được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Với công trình 850 tuổi này, họ đã thực hiện trùng tu suốt 20 năm qua, hết 50 triệu euro và dự kiến 10 năm, với chi phí 30 triệu euro nữa mới xong.
|
Linh mục Hồ Văn Xuân |
“Với kinh nghiệm, chuyên môn cũng như sự nhiệt tình, tôi hoàn toàn yên tâm và tin rằng, họ sẽ giúp ước mơ của ta thành hiện thực: trùng tu nhà thờ Đức Bà thành công tốt đẹp”, đại diện Tổng giáo phận TP.HCM nói.
“Vẫn còn nhiều việc phải làm”
Sau khi ký hợp đồng, Tập đoàn Monument sang khảo sát toàn bộ công trình lại từ đầu, kết luận móng nhà thờ vẫn còn rất tốt, kết cấu nhà thờ không có gì nghiêm trọng, nhưng để kéo dài tuổi thọ chí ít 100 năm nữa thì còn nhiều việc phải làm.
Nói thêm với Báo Phụ Nữ TP.HCM về tiến độ trùng tu, linh mục Hồ Văn Xuân cho biết, do chưa được chuẩn bị nên chưa thể đưa ra được một tổng kết mang tính toàn diện; song, từng hạng mục cụ thể đang được cố gắng đẩy nhanh hết sức có thể. Theo sự giới thiệu của Monument, cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, đại diện nhà thờ vừa sang Đức và Pháp đặt mua dàn giáo Layher về, nhẹ, nhanh, chắc chắn.
Vị đại diện cũng cho biết, phần sau nhà thờ từng múi rất đẹp nhưng rất khó làm. Các chuyên gia đang vệ sinh ngói, gỡ ngói… phần sau. Hiện tại, công trình đang bị quây kín, đi qua sẽ không biết được bên trong đang làm gì. Dự kiến tháng 3/2020 này, các giàn giáo cũ hai bên sẽ được gỡ ra, khi đó, bà con sẽ thấy những mái ngói lợp phía trong. Chúng tôi đang cố gắng để cuối năm 2020, tất cả các mái ngói đều được lợp xong. Về tháp chuông và hai tháp nhọn, dự kiến tháng 6/2020 mới lắp giàn giáo bởi phải lắp vận thang.
“Sau khi trùng tu, kiến trúc giữ nguyên”
Đó là câu trả lời của linh mục Hồ Văn Xuân trên kênh truyền thông của Tổng giáo phận Sài Gòn trước lo ngại về việc trùng tu liệu có phá hỏng di tích? Sẽ có những thay đổi như tất cả các mái ngói đã mục hoặc hai tháp nhọn bị hư hỏng nặng… Tuy nhiên, theo người đại diện Tổng giáo phận TP.HCM, sau khi trùng tu xong, gần như kiến trúc nhà thờ giữ nguyên, không có gì thay đổi. Linh mục Hồ Văn Xuân cũng nói thêm: “Tập đoàn Monument nói sẽ cố gắng thực hiện theo yêu cầu của Tòa Tổng giám mục, để kéo dài tuổi thọ nhà thờ ít nhất 100 năm nữa”.
“Bất cứ vấn đề nào cũng sẽ có nhiều ý kiến, nhiều góc nhìn khác nhau, không thể có sự đồng thuận 100% do khác biệt về quan điểm, trình độ hiểu biết… Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ chính tòa, là nhà thờ của Đấng Bản Quyền giáo phận, là nhà thờ Mẹ của tất cả nhà thờ trong giáo phận. Là nơi linh thiêng không chỉ với tất cả người Kitô hữu nói riêng, người dân thành phố nói chung, mà còn với du khách nhiều quốc tịch. Họ trầm trồ kiến trúc nhà thờ, họ cầu nguyện và cảm nhận sự thánh thiêng của nhà thờ. Việc trùng tu nhà thờ Đức Bà là một trong những việc chúng ta thể hiện lòng tin, sự hiệp nhất, sự đoàn kết của mình”, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM nói.
"Tháng 10/2016, tôi sang Pháp, gặp cha Nguyễn Văn Nên, đang phục vụ giáo phận Beauvais bên Pháp. Đầu tiên, chúng tôi xuống tham quan Công ty VMJ – được thành lập từ 1837, thuộc tập đoàn Umicore ở Bỉ, để đặt tấm kẽm nguyên chất cho 2 tháp nhọn của nhà thờ, đặt máng xối.
Sau đó, chúng tôi đi thẳng xuống Roumazières - Loubert để đến Công ty Monier – công ty ngày xưa đã cung cấp ngói mạc-xây (ngói Marseille) của nhà thờ, nay họ vẫn còn hoạt động – để đặt ngói cho mái trên của nhà thờ gồm 27.480 viên.
Sau đó, ngày 24, chúng tôi bay sang Đức, đến Hüllhorst, tham quan Công ty Meyer-holsen, đồng thời đặt ngói vảy cá ở tầng giữa, gồm 84.000 viên và đặt riêng ngói âm dương cho mái dưới nhà thờ gồm 10.800 viên ngói dương và 10.800 viên ngói âm.
Chúng tôi cũng liên lạc với hãng kính màu Lorin và hãng Loire mà hơn 100 năm trước cha ông họ làm toàn bộ kính màu cho nhà thờ Đức Bà ở thành phố Chartres, Pháp.
Ngoài ra, chúng tôi còn liên hệ hãng chuông Bollée – thành lập 1815, từng đúc 6 cái chuông cho nhà thờ Đức Bà vào đầu năm 1878 mà tới nay vẫn sử dụng tốt, và đến Saint Maximin cách Paris chừng 70km, để đặt đá cho thánh giá ở nhà thờ”.
Linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM, Chánh xứ, Trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
|
Đậu Dung