Nguy cơ tự sát do ám ảnh tâm lý
Báo cáo mới công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ghi nhận kỷ lục 514 vụ tự tử ở học sinh tiểu học, THCS và THPT vào năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, con số này là một phần của xu hướng tăng chung do ảnh hưởng của đại dịch, các vấn đề sức khỏe và nhiều lý do khác, chẳng hạn như áp lực giáo dục hoặc hoàn cảnh kinh tế.
|
Thanh thiếu niên rất dễ gặp phải bất ổn tâm lý và ngại chia sẻ điều đó với người xung quanh - ẢNH: GETTY IMAGES |
Tương tự, một nghiên cứu mới của Đại học Calgary (Canada) cho thấy tỉ lệ các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tâm thần - bao gồm nguy cơ tự sát - đang gia tăng ở thanh thiếu niên trên khắp thế giới kể từ đại dịch COVID-19. Đây là cảnh báo đáng quan tâm, đặc biệt vì đối với thanh thiếu niên, khủng hoảng tâm lý và nguy cơ tự tử có thể lây lan.
Theo khảo sát Rủi ro hành vi của thanh niên năm 2021 do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện, mức độ tuyệt vọng cao hiện hữu ở mọi lứa tuổi và thành phần nhân khẩu học. Kết quả cho thấy 1/3 thiếu nữ và 1/7 nam thiếu niên Mỹ từng “nghiêm túc” xem xét việc tự tử. Đáng lo ngại, dường như tỉ lệ tự sát đang có xu hướng tăng lên. Theo dữ liệu của CDC, tỉ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Mỹ tăng hơn 40% trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2019. Mặt khác, thanh thiếu niên có bạn bè hoặc thành viên gia đình chết vì tự sát có nguy cơ tự tử cao hơn đáng kể so với bạn bè đồng trang lứa.
Giỏi che giấu nhưng lại dễ tổn thương
Khi Sophie Nystuen tạo một trang web dành cho thanh thiếu niên từng trải qua chấn thương tâm lý, ý tưởng của cô là cho họ không gian để viết về những nỗi đau không thể chia sẻ. Kết quả, cô gái 16 tuổi từ bang Massachusetts (Mỹ) nhận được nhiều bài đăng về bạo lực tình dục, sử dụng chất gây nghiện và tự tử.
“Tôi đã bị tấn công tình dục. Mỗi lần tôi cố gắng hét lên, cổ họng của tôi như bị đóng lại, phổi của tôi quên mất cách thở” - một người đăng bài nặc danh viết.
|
Phụ nữ và học sinh nhỏ tuổi có xu hướng chịu nhiều “căng thẳng về cảm xúc” so với nam giới và học sinh lớn tuổi hơn - ẢNH: GETTY IMAGES |
Những biểu hiện của cuộc khủng hoảng nội tâm này chỉ là một phần nhỏ của dữ liệu đáng kinh ngạc được các nhà nghiên cứu liên bang ở Mỹ báo cáo. CDC cho biết: “Số cô gái tuổi teen tại Mỹ đang chìm trong làn sóng đau buồn, bạo lực và chấn thương ngày càng tăng”. Lớn lên trong nền văn hóa truyền thông xã hội, những cô gái trẻ phải đối mặt với những tiêu chuẩn về sắc đẹp phi thực tế, sự ghét bỏ trên mạng, áp lực học tập, khó khăn kinh tế, nghi ngờ bản thân và nguy cơ bạo lực tình dục.
Khi Caroline Zuba bắt đầu tự cắt vào cánh tay hồi năm lớp Chín, cô cảm thấy bị mắc kẹt giữa xung đột trong gia đình, bài vở ở trường, nhiệm vụ duy trì hình ảnh về một cô gái sôi nổi, ham học trong mắt bạn bè và thầy cô. Vết cắt đã thay nỗi đau tinh thần bằng nỗi đau thể xác.
Caroline từng tâm sự với một giáo viên đáng tin cậy, người giúp cô tìm sự hỗ trợ từ các cố vấn của trường và trò chuyện cùng mẹ của Caroline. Thế nhưng chứng trầm cảm của cô bé tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và ở tuổi 15, Caroline phải nhập viện sau khi cố gắng tự tử. Hiện là học sinh 17 tuổi tại một trường trung học công lập ở khu dân cư Potomac, bang Maryland (Mỹ), Caroline dựa vào liệu pháp tâm lý, thuốc men, thói quen tập thể dục và các chiến lược đối phó với bất ổn để vượt qua khó khăn về cảm xúc.
Cô nữ sinh cũng thành lập một câu lạc bộ sức khỏe tâm thần tại trường của mình để hỗ trợ các bạn cùng lớp, những người đang phải vật lộn với chứng trầm cảm, lo lắng và có ý định tự tử. Caroline cho biết, vào thời điểm tồi tệ nhất, cô đã giữ nhiều bí mật với bạn bè, cha mẹ và giáo viên vì cảm thấy bế tắc. Nữ sinh chia sẻ: “Mẹ tôi giống như người bạn thân nhất của tôi và bà ấy không thể ngờ đến việc tôi tự làm hại bản thân mình. Người trẻ thực sự giỏi trong việc che giấu bất ổn tâm lý của bản thân, điều đó thực sự đáng buồn”.
Các bậc cha mẹ thường nghĩ họ biết chuyện gì đang xảy ra với con mình và liệu đứa trẻ có bất ổn tâm lý hay không. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong nghiên cứu được công bố năm 2019 trên Tạp chí Pediatrics, các tác giả đã phỏng vấn hơn 5.000 thanh thiếu niên từ 11-17 tuổi tại Mỹ. Trong đó, khoảng một nửa số cha mẹ có con từng có ý định tự sát mà họ không hề hay biết.
Seth Abrutyn - tiến sĩ và phó giáo sư xã hội học tại Đại học British Columbia, Mỹ - cho biết: “Sự phát triển cảm xúc của thanh thiếu niên khiến các em trải qua chấn thương và bi kịch theo những cách khác biệt”. Riêng nhà tâm lý học từ Đại học Harvard - Richard Weissbourd - chỉ ra rằng, “các bé gái có nhiều khả năng phản ứng với nỗi đau trên thế giới bằng cách nội tâm hóa xung đột, căng thẳng và sợ hãi, còn các bé trai có nhiều khả năng chuyển những cảm xúc đó thành sự tức giận và hung hăng”, qua đó che đậy những triệu chứng trầm cảm của bản thân.
Stress đang khiến nhiều sinh viên Mỹ bỏ học Isabel - một nữ sinh viên 20 tuổi - không xa lạ gì với những công việc khó khăn. Lớn lên trong gia đình không mấy khá giả, cô đã đi làm thêm từ sớm nhưng vẫn vui vẻ và sôi nổi. Nhưng khi bắt đầu học đại học vào mùa thu năm 2021, cô bắt đầu cảm thấy như mình đang “chìm dần xuống vực”. Isabel tâm sự, cô như lạc vào một mê cung trong học kỳ đầu tiên. Tính cách sôi nổi của cô đã giảm đi, cô khóc nhiều hơn trước và dễ bị tác động với những cảm xúc tiêu cực. “Tôi vừa có một cơn hoảng loạn. Tâm trí tôi không còn tập trung. Tôi suy kiệt và nghĩ đến cái chết” - Isabel chia sẻ. Theo khảo sát mới công bố tuần qua của Gallup - công ty tư vấn và phân tích có trụ sở ở Mỹ và quỹ Lumina - quỹ nghiên cứu về giáo dục đại học, thuộc Gallup - cho thấy: 2/5 sinh viên đại học, bao gồm gần một nửa số sinh viên nữ, cho biết họ thường xuyên bị căng thẳng về cảm xúc khi theo học đại học. 41% sinh viên đã cân nhắc việc ngừng học trong 6 tháng qua. Tỉ lệ này ở năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19 là 33%. Báo cáo sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên ở Anh năm 2022 cũng cho thấy, trong số những người từ 17-19 tuổi, tỉ lệ mắc chứng rối loạn tâm thần đã tăng từ 17,4% vào năm 2021 lên 25,7% vào năm 2022. Một nghiên cứu của Đại học Boston (Mỹ) năm 2022 cho kết quả: trong 8 năm qua, số lượng sinh viên đại học Mỹ bị trầm cảm tăng gần 135%, sinh viên có tâm lý lo lắng tăng 110%. Hầu hết các sinh viên tham gia khảo sát đều xác nhận tình trạng căng thẳng, cảm xúc tiêu cực, sức khỏe tâm thần cá nhân… là nguyên nhân khiến họ muốn bỏ học hơn là do tài chính và khó khăn trong học tập. Sinh viên theo học chương trình 4 năm đại học dường như có kết quả tồi tệ hơn sinh viên các trường cao đẳng. Sarah K. Lipson - trợ lý giáo sư tại Đại học Boston - cho biết: “Khoảng 75% các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đời sẽ khởi phát vào giữa những năm 20 tuổi, có nghĩa những năm đại học là thời điểm rất dễ bị tổn thương về mặt dịch tễ học”. Một phân tích dữ liệu liên bang của Kaiser Family Foundation cho thấy một nửa số thanh niên từ 18-24 tuổi đã báo cáo các triệu chứng lo âu và trầm cảm vào năm 2023, so với khoảng 1/3 người trưởng thành nói chung. Sức khỏe tinh thần của học sinh đã trở thành vấn đề đáng lo ngại trên toàn thế giới. Tháng Hai vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi những người có trách nhiệm hỗ trợ nhiều hơn về sức khỏe tâm thần tại các trường học. Ông cũng thông báo về gói tài trợ Chính phủ trị giá 280 triệu USD giúp các trường thuê thêm cố vấn nhằm giúp đỡ sinh viên và giải quyết vấn đề này. “Khi hàng triệu thanh niên đang phải vật lộn với tình trạng bắt nạt, bạo lực, chấn thương, chúng ta nợ họ nhiều hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học” - Tổng thống Mỹ Biden phát biểu. Lệ Chi (theo CNN, NY Post) |
Ngọc Hạ (theo Washington Post, ABC News, MSN)