Đại dịch và cơ hội tăng doanh thu cho nhiều bệnh viện ở Đông Nam Á

19/08/2021 - 11:11

PNO - Đang là tâm chấn của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất Đông Nam Á nhưng tại Indonesia, nhiều bệnh viện tư nhân đã tận dụng cơ hội người dân không thể ra nước ngoài chữa trị để đưa doanh thu tăng gấp nhiều lần.

Trong năm đầu của đại dịch COVID-19, do không thể bay sang Singapore chữa trị, bà Fenny Nelly, 61 tuổi, đã khám bệnh trực tuyến định kỳ với bác sĩ riêng của mình và mua thuốc ngay ở Jakarta. Khi dịch bệnh kéo dài, biện pháp kiểm soát biên giới được áp dụng nghiêm ngặt, bà đã quyết định đến một bệnh viện ở phía bắc Jakarta để tiếp tục điều trị. “Các bác sĩ ở Indonesia cũng ổn”, bà Fenny nói.

Siloam International Hospitals, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất của Indonesia, cho biết lợi nhuận ròng của họ đã tăng hơn bốn lần
Siloam International Hospitals, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất của Indonesia, cho biết lợi nhuận ròng của họ đã tăng hơn bốn lần

Singapore, Thái Lan và Malaysia từng là điểm đến y tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á của những du khách vừa kết hợp du lịch và chữa bệnh. Nhưng vì đại dịch, nhiều người đã chọn cách chữa trị trong nước. 

Trong năm 2018, chỉ riêng Malaysia đã ghi nhận 670.000 người Indonesia đến khám chữa bệnh tại đây. Nhưng giờ đây, việc người Indonesia tìm kiếm các bệnh viện địa phương để tiếp tục điều trị bệnh đã tạo ra một bước nhảy vọt về thu nhập cho các bệnh viện tư nhân ở quốc gia này.
Cuối tháng trước, Bệnh viện Quốc tế Siloam, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất Indonesia, cho biết lợi nhuận ròng của họ đã tăng gấp bốn lần. Trong đó, riêng hạng mục xét nghiệm và điều trị COVID-19 chiếm đến 15% tổng doanh thu.

Chắc chắn, đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các chuyên gia. Kể từ đầu đại dịch, hơn 1.200 bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh ở Indonesia đã chết vì COVID-19. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trung bình Indonesia có 4 bác sĩ/10.000 công dân.

Trong những tháng đầu sau khi các ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Jakarta vào tháng 3/2020, bệnh nhân thuộc nhiều nhóm bệnh đã rời khỏi bệnh viện theo từng đợt. Chuỗi bệnh viện Siloam lúc đó báo cáo khoản lỗ 149 tỷ rupiah (hơn 10 triệu USD) sau ba tháng nhưng giờ đây bệnh nhân đang trở lại để chữa trị, phẫu thuật tự chọn, giúp cải thiện doanh thu đáng kể.

COVID-19 đang gây ra nỗi kinh hoàng cho người dân toàn thế giới, dù vậy, các bệnh viện tư nhân ở Indonesia và nhiều nước trong khu vực xem đó là cơ hội để họ phát huy hết khả năng của mình. “Đây là thời điểm đầy thách thức và cơ hội cho chúng tôi”, tiến sĩ Lies, Giám đốc Bệnh viện Depok, nói. 

Trọng Trí (theo Straits Times)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI