PNO - Hơn hai năm đại dịch COVID-19 đã để lại những thử thách cho mọi người trên khắp thế giới. Bên cạnh những tác động lên cuộc sống, kinh tế, thì vấn đề sức khỏe tâm thần đang trở thành mối quan tâm mới, đặc biệt với thế hệ trẻ.
Hôm 4/4, Chính phủ Anh công bố báo cáo đánh giá tác động đến kỹ năng viết và xã hội của trẻ em từ các biện pháp ngăn chặn COVID-19. Theo Ofsted (Văn phòng Tiêu chuẩn về giáo dục, dịch vụ và kỹ năng cho trẻ em thuộc Chính phủ Anh), mặc cho “những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ” trong toàn ngành giáo dục khi học sinh khôi phục kiến thức và kỹ năng bị bỏ lỡ, vẫn còn những thách thức có thể gây ra “hậu quả lâu dài”, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Ngay cả khi tái mở cửa, tác động tâm lý từ đại dịch vẫn đe dọa cuộc sống của thế hệ trẻ tại nhiều quốc gia - Ảnh: Kyodo
Theo các nghiên cứu, đại dịch đã ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ nhỏ. Nhiều cơ sở giáo dục đã ghi nhận những biểu hiện về sự chậm phát triển trong lời nói và ngôn ngữ của học sinh. Mặt khác, trẻ sơ sinh cũng gặp khó khăn hơn trong việc thể hiện các biểu cảm trên gương mặt, nguyên nhân có thể là do giảm tương tác xã hội.
Chánh thanh tra của Ofsted - Amanda Spielman - thừa nhận đại dịch đã tạo ra một số thách thức kéo dài, tác động tiêu cực đến sự phát triển cá nhân, xã hội và tình cảm của trẻ em. Những tác động này đã kéo dài qua giai đoạn tái mở cửa, khiến nhiều em trở nhiếu tự tin. Kèm với đó là các hạn chế đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Bao gồm cả việc trẻ sơ sinh chậm tập bò và đi, hay trẻ yếu kém về các kỹ năng độc lập và tự chăm sóc bản thân. Đáng chú ý, các rối loạn phát triển và tâm thần thời thơ ấu thường kéo dài đến tuổi trưởng thành, khiến các em dễ bị tổn thương trong quá trình tăng trưởng, có nhu cầu cao hơn về sự hỗ trợ của các dịch vụ y tế.
Đối với các nhóm tuổi lớn hơn tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh trung học trong đại dịch COVID-19 là rất đáng lo ngại. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học tâm thần của Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia Singapore thì phát hiện 83,3% sinh viên của đại học này có nguy cơ trầm cảm do tác động của đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội.
Trợ lý giáo sư Wilson Tam - điều tra viên chính của nghiên cứu - cho biết: “Không giống như trẻ nhỏ, vốn dễ thích nghi với việc dành nhiều thời gian hơn cùng các thành viên trong gia đình, nhóm thanh niên chịu nhiều áp lực vì những khoảng cách thế hệ trong giao tiếp”.
Chú trọng hỗ trợ người trẻ
Tại Singapore, những người trẻ tuổi đang đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể sớm được chăm sóc tại nhà hơn theo một chương trình mới dựa vào cộng đồng. Chương trình được thí điểm từ ngày 15/3 để giúp đỡ những thanh thiếu niên từ 13 - 19 tuổi có các triệu chứng tâm thần ở mức độ nhẹ đến trung bình. Theo đó, bệnh nhân sẽ được các cơ quan dịch vụ xã hội giúp đỡ khi gặp những tình trạng như rối loạn căng thẳng, trầm cảm và có hành vi tự làm hại bản thân.
Ở Philippines, ngay từ khi mới xảy ra đại dịch, Hiệp hội Tâm lý Philippines đã thực hiện các cuộc tư vấn y tế từ xa miễn phí và mở đường dây trợ giúp nhằm giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần cùng các mối quan tâm tương tự khác đối với gia đình có con nhỏ.
Tại Anh, Trường tiểu học St Nicholas Church of England ở Blackpool đưa ra sáng kiến tiếp nhận nhu cầu của trẻ em sau các bài học trên lớp. Mỗi đứa trẻ được phát ba chiếc cốc màu đỏ, màu cam và màu xanh lục. Trẻ sử dụng những chiếc cốc để cho biết chúng cảm thấy như thế nào về các chủ đề trong bài học.
Vì vậy, nếu một đứa trẻ gặp khó khăn, chúng sẽ di chuyển chiếc cốc đỏ về phía trước, màu cam nghĩa là trẻ còn một số câu hỏi cần giải đáp, còn màu xanh lục thể hiện khả năng hiểu bài và mong muốn tiếp tục. Những chiếc cốc này đã giúp giáo viên nhanh chóng xác định học sinh cần giúp đỡ. Phương pháp này cũng giúp trẻ ngày càng tự tin hơn vì chúng có thể đóng góp vào vấn đề chất lượng giáo dục đối với chính mình.
Cuối cùng, Ashly Schanback Ishii - cố vấn tại United School of Tokyo (Nhật Bản) - cho biết trẻ em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì chúng thấy từ người lớn xung quanh. Do đó, việc người lớn “làm mẫu” cho sự cân bằng về cảm xúc và hành vi đối với trẻ là rất quan trọng. Cô Ishii giải thích: “Trẻ em học hầu hết bằng cách quan sát và bắt chước người lớn. Vì vậy, chúng ta có thể chỉ cho chúng cách quản lý tình trạng lo lắng và căng thẳng. Đối với việc kiểm soát căng thẳng nói chung, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đúng giờ là những nguyên tắc cơ bản, nên bắt đầu từ đó”. Khi mọi thứ trở nên quá tải với trẻ, việc người lớn giúp chúng tìm ra lối thoát lành mạnh, giải tỏa sự bực bội hay tức giận là rất cần thiết.
Cha mẹ, gia đình, bạn bè giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ gặp bất ổn về tinh thần
Cha mẹ, thầy cô là điểm tựa
Theo nhiều nghiên cứu, nếu được thấu hiểu, trẻ sẽ cảm thấy tin tưởng và chia sẻ những khó khăn đang mắc phải. Nếu được điều trị sớm, trẻ nhỏ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ nhanh hồi phục, có thể kiểm soát hành vi của bản thân.
Benito Luna-Herrera - giáo viên dạy môn xã hội học lớp Bảy một trường trung học cơ sở ở Nam California (Mỹ) - cho biết trong quá trình giảng dạy, ông luôn nhận ra những bất ổn về tâm lý của học sinh. “Một hôm, em học sinh 12 tuổi của tôi cảm thấy thế giới của cô bé đang vụn vỡ bởi việc học online đã làm mất các mối quan hệ bạn bè, cuộc sống ở nhà nặng nề. Cô bé chia sẻ với tôi về kế hoạch tự sát. Rồi một học sinh khác, bình thường là một người hay đùa và tự tin, nhưng rồi một ngày nọ cô bé cũng nói với giáo viên của mình rằng không muốn sống nữa”, thầy Benito kể.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các chuyên gia đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần mà trẻ em toàn cầu phải đối mặt. Những ghi nhận từ các cuộc phỏng vấn với giáo viên, ban giám hiệu, quan chức giáo dục và chuyên gia sức khỏe tâm thần cho thấy một xu hướng đáng sợ đang âm thầm diễn ra tại trường học.
Hội chứng lo lắng thái quá khiến tăng áp lực học tập. Hậu quả là tính bạo lực gia tăng và nung nấu ý định hủy hoại cuộc sống của chính mình. Tại bang California (Mỹ) nhiều trường học đã tăng cường đào tạo cho ít nhất 75% nhân viên kiến thức ứng phó về các vấn đề tâm lý của học sinh. Benito nói mình may mắn vì đã trải qua khóa huấn luyện đặc biệt gọi là sơ cứu sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên. Khóa học này dạy người lớn cách phát hiện các dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện ở trẻ và cách ngăn chặn thảm kịch.
Cha mẹ, gia đình, bạn bè giữ một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cũng như điều trị cho trẻ gặp bất ổn về tinh thần. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ sẽ lo lắng, hoang mang không biết con mình có rơi vào trường hợp này hay không? Làm cách nào để giúp con mình vượt qua gia đoạn khó khăn này?
Giáo sư Iram Siraj - chuyên gia về lĩnh vực phát triển trẻ em thuộc Đại học Oxford, đồng thời là cố vấn của Bộ Giáo dục Anh - cho rằng: “Cha mẹ nên nói chuyện với con cái càng nhiều càng tốt về kinh nghiệm đối phó với đại dịch, những gì chúng phải đối mặt và cảm xúc của chúng hiện nay. Cha mẹ cũng nên lưu ý về mức độ căng thẳng của bản thân, vì điều này có thể ảnh hưởng đến con cái của mình. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tận dụng “hiệu ứng cổng trường”, có nghĩa là các bậc cha mẹ trao đổi với nhau các mẹo để cải thiện kỹ năng nuôi dạy con cái".
Ngoài ra, các chuyên gia khuyên cha mẹ đừng hoảng sợ, bởi hầu hết các bậc cha mẹ đã làm rất tốt vai trò của mình và không có lý do gì để lo lắng. “Đưa con bạn ra ngoài, chơi thể thao càng nhiều càng tốt hay tạo ra những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên với một người lạ cũng giúp phát triển các kỹ năng xã hội của con. Thậm chí là cùng chơi game với con. Cuối cùng, bạn nói chuyện với con càng nhiều càng tốt để trẻ nêu quan điểm, suy nghĩa của mình, từ đó nắm bắt tâm lý của con”, giáo sư Iram Siraj chia sẻ.
Ngọc Hạ - Lệ Chi (theo Guardian, Straits Times, NCBI, TES, Japan Times, Yahoo, AP )
Chính quyền địa phương cho biết, ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau tai nạn giao thông "thảm khốc" giữa xe buýt và xe tải ở bang Minas Gerais của Brazil.