Đại dịch không thể ngăn cản lòng tốt của con người

23/02/2021 - 07:51

PNO - Khi nhiều người phải cô lập để tránh lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, vẫn có những cá nhân cần mẫn làm tình nguyện trong lĩnh vực y tế, đi hiến máu hoặc giúp các học sinh có bữa ăn đầy đủ.

Anh Keith Perkins đã hiến máu 19 lần tính đến năm 2020 và dự kiến sẽ cho đi nhiều hơn nữa khi biết rằng máu của anh chứa kháng thể chống lại COVID-19
Anh Keith Perkins đã hiến máu 19 lần tính đến năm 2020 và dự kiến sẽ cho đi nhiều hơn nữa khi biết rằng máu của anh chứa kháng thể chống lại COVID-19

Ông Lee Montgomery (82 tuổi, bang Idaho - Mỹ), phải nhập viện gần một tuần vì bệnh viêm phổi và các biến chứng nặng khác do COVID-19 hồi đầu năm 2020. Ông yếu đến nỗi chỉ có thể uống nước và nuốt thức ăn lỏng. Nhưng chín tháng sau, sức khỏe của ông đã hoàn toàn bình phục. Cuộc chiến chống lại virus đã thúc đẩy ông giúp đỡ những bệnh nhân COVID-19 bằng cách hiến máu. “Tôi cảm thấy khỏe, vì vậy tôi đã đặt hẹn hiến máu và vừa hoàn thành”, ông Montgomery cho biết.

 Cam kết hiến tặng huyết tương giàu kháng thể của ông càng được củng cố sau khi mất người em trai một cách bi thảm vì COVID-19. Ông tâm sự: “Khoảng chục người tôi quen có kết quả xét nghiệm dương tính và ngã bệnh. Do đó, miễn còn mang kháng thể trong người, tôi sẽ tiếp tục cho đi”.

Tương tự, Keith Perkins là một trong những người đầu tiên ở bang Arkansas được chẩn đoán mắc COVID-19 vào tháng 3/2020. Sau khi hồi phục, biết rằng huyết tương từ những người sống sót sau COVID-19 có thể giúp chống virus ở những trường hợp nhẹ, anh quyết định dùng những giọt máu của mình để giúp ích cho cộng đồng. Anh Perkins (57 tuổi), đã thường xuyên hiến huyết tương từ năm 1999, khi con gái sơ sinh của anh mắc bệnh về hô hấp và cần huyết tương.

Shiela Garland, giáo viên lớp Một, biết rằng 100% học sinh trong Khu học chánh Stanfield (Arizona) nơi cô giảng dạy, được ăn miễn phí ở trường. Nhưng cô không hiểu con số đó có ý nghĩa gì cho đến khi đại dịch tấn công và khiến các trường học đóng cửa. Garland và nhiều giáo viên khác bắt đầu đeo khẩu trang, găng tay và đi hơn 200km/ngày để đưa thực phẩm, bài tập về nhà học sinh ở vùng nông thôn nghèo khó. Cô nói: “Khi đến nhà của học sinh và chứng kiến cuộc sống của bọn trẻ, tôi tan nát cõi lòng”.

Theo cuộc khảo sát quốc gia của Viện Brookings (Mỹ) khi đại dịch xảy ra, hơn 17% các bà mẹ cho biết con họ không đủ ăn và gia đình không đủ tiền để mua thêm thực phẩm.

Jeannie Gerlach (ở Cobden) cố gắng xoay xở với khoản chi phí eo hẹp, nói mình không đủ tiền lo bữa ăn cho hai đứa con sau khi trường chuyển sang dạy trực tuyến. Vì vậy, việc làm của các giáo viên đã giúp ích rất nhiều: “Những bữa ăn rất có ý nghĩa. Đó không chỉ là thức ăn, nó còn mang lại cảm giác bình thường giữa đại dịch vì bọn trẻ được gặp các thầy cô của mình”. 

 Ngọc Hạ (theo USA Today, Arkansas online, Red Cross US)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI