Đại dịch không ngừng thay đổi

18/11/2021 - 06:11

PNO - Trong gần hai năm đại dịch, thế giới đã chứng kiến nhiều cảnh “xanh thành đỏ, đỏ thành xanh”, khi các khu vực an toàn lại dần chuyển thành vùng nguy cơ cao, còn những điểm nóng lây nhiễm trở nên an toàn nhờ miễn dịch. Để chấm dứt vòng lẩn quẩn này, vắc-xin và các biện pháp xã hội chính là giải pháp.

Châu Âu và Mỹ trở thành điểm nóng

Hôm 10/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng số ca tử vong do COVID-19 tăng 10% ở châu Âu trong tuần qua, khiến khu vực này trở thành trung tâm đại dịch. WHO cũng thống kê có khoảng 3,1 triệu trường hợp mắc mới trên toàn cầu trong tuần, tăng khoảng 1% so với tuần trước. Gần 2/3 trong đó là ở châu Âu. Đáng chú ý, các nước có số ca mắc mới cao gồm Mỹ, Nga, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, những nước vốn bắt đầu tiêm vắc xin cho người dân từ rất sớm. Số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần đã giảm khoảng 4% trên toàn thế giới và giảm ở mọi khu vực, ngoại trừ châu Âu. 

Một phụ nữ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của đại dịch COVD-19 tại Praha, Cộng hòa Séc vào tháng 5/2021 - ẢNH: AP
Một phụ nữ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của đại dịch COVD-19 tại Praha, Cộng hòa Séc vào tháng 5/2021 - Ảnh: AP

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nhận định: “Một số nước láng giềng đang ở trong làn sóng lây nhiễm thứ năm của đại dịch. Những gì chúng tôi đang trải qua ở Pháp rõ ràng giống như sự khởi đầu của đợt bùng phát mới”. Các nhà chức trách cho biết hầu hết bệnh nhân mới đều chưa được tiêm chủng. Tiến sĩ Hans Kluge - Giám đốc WHO khu vực châu Âu - cho rằng, nếu không thực hiện nhiều hành động hơn nữa để ngăn chặn COVID-19, khu vực có thể chứng kiến thêm 500.000 người chết từ nay đến tháng 2/2022.

Tại châu Mỹ, WHO cho biết số ca mắc mới hằng tuần giảm 5% và số ca tử vong giảm 14%, tuy nhiên các con số cao nhất lại được ghi nhận ở Mỹ. Ngược lại, tại Đông Nam Á và châu Phi, tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm khoảng 1/3 sau nhiều tháng nằm trong vùng đỏ, ngay cả khi những khu vực này thiếu thốn vắc xin. 

Tiêm chủng bắt buộc và các biện pháp khác

Nga hiện đang là nước dẫn đầu thế giới về số người chết hằng tuần vì COVID-19. Ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Viện Gamaleya - trung tâm phát triển Sputnik V - nói rằng, Moscow nên bắt buộc tiêm chủng, vì tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp. Hiện tại, chỉ 34,6% người Nga được tiêm chủng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì kêu gọi công dân tiêm liều vắc xin bổ sung. Ông cho biết những người từ 65 tuổi trở lên sẽ cần tiêm nhắc lại vào giữa tháng 12 để có thẻ sức khỏe hợp lệ. Pháp là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở châu Âu, với gần 75% dân số trưởng thành được tiêm chủng.  

Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Anh ước tính rằng vắc xin chỉ có hiệu quả 34% trong việc ngăn ngừa sự lây truyền của biến thể Delta ở môi trường hộ gia đình. Họ kết luận rằng chỉ riêng vắc xin thì không đủ để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, những biện pháp phòng dịch khác như đeo khẩu trang vẫn rất quan trọng để ngăn chặn đại dịch.

Đáng chú ý, một số người chưa bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính dù cả gia đình của họ đều nhiễm COVID-19. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học tại Anh nhận thấy trong những trường hợp trên, virus xâm nhập vào cơ thể nhưng bị tế bào T của hệ miễn dịch loại bỏ ở giai đoạn sớm nhất, do đó các xét nghiệm PCR và kháng thể đều cho kết quả âm tính.

Leo Swadling, nhà miễn dịch học tại Đại học College London, gợi ý rằng một nhóm nhỏ dân số sở hữu tế bào T “vượt trội” có khả năng ghi nhớ các lần nhiễm coronavirus theo mùa trước đó, giúp bảo vệ họ khỏi COVID-19. Kết quả này rất quan trọng trong việc thiết kế một loại vắc xin khác, tạo tế bào T miễn dịch chống lại các mục tiêu protein của các dòng virus giống nhau trong nhóm coronavirus, thay vì chỉ đặc hiệu cho protein gai bám của dòng SARS-CoV-2. 

Linh La (theo Reuters, AP, Guardian, DW)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI