Đại dịch khiến phụ nữ Nhật tự tử nhiều hơn

26/02/2021 - 16:11

PNO - Mất việc, bị cô lập trong nhà, gánh nặng gia đình do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm gia tăng áp lực đối với phụ nữ ở Nhật Bản, quốc gia đang nỗ lực giảm tỷ lệ tự tử vốn ở mức cao nhất thế giới.

Áp lực xã hội và gia đình luôn khiến phụ nữ cảm thấy cô đơn
Áp lực xã hội và gia đình luôn khiến phụ nữ cảm thấy cô đơn

Cô đơn trong chính nhà mình

Không lâu sau khi Nhật Bản tăng cường cuộc chiến chống lại đại dịch vào mùa xuân năm ngoái, Nazuna Hashimoto bị rơi vào khủng hoảng. Phòng tập thể dục ở Osaka nơi cô làm huấn luyện viên đã tạm ngừng và mọi người phải ở nhà theo đề nghị của chính phủ.

Sợ ở một mình, Hashimoto gọi cho bạn trai mới đến ở cùng. Nhưng điều này vẫn không cải thiện tâm lý; căn bệnh trầm cảm của cô có chiều hướng gia tăng. Có đôi khi, cô không thể ngừng khóc. Hashimoto nói: “Thế giới tôi đang sống vốn đã nhỏ bé, giờ tôi càng cảm thấy nó bé hơn”.

Tháng 7/2020, cảm thấy không còn lối thoát, Hashimoto đã tự tử nhưng may được bạn trai phát hiện, đưa đến bệnh viện và các bác sĩ đã cứu sống cô. Hashimoto cho biết, cô muốn công khai trải nghiệm của mình vì muốn xóa bỏ sự kỳ thị liên quan đến việc nói về sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản.

Đại dịch đang gây khó khăn cho nhiều người và áp lực này càng lớn đối với phụ nữ Nhật Bản. Cũng như ở nhiều nước, ngày càng có nhiều phụ nữ ở Nhật Bản mất việc làm. Tại Tokyo, khoảng 1/5 số phụ nữ sống một mình và ở nhà càng làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn. Những phụ nữ khác thì phải vật lộn với sự chênh lệch sâu sắc trong việc phân chia công việc nhà và chăm sóc gia đình, con cái, cha mẹ già hoặc phải chịu đựng sự gia tăng của bạo lực gia đình, tấn công tình dục. 

Chống tự tử: cuộc chiến không hồi kết

Sự gia tăng của đại dịch đã kéo theo sự gia tăng đáng lo về nạn tự tử ở phụ nữ. Tại Nhật Bản, 6.976 phụ nữ đã tự tử vào năm ngoái, nhiều hơn gần 15% so với năm 2019. Điều này kéo dài suốt bảy tháng liên tiếp vào năm ngoái, khiến các quan chức chính phủ và các chuyên gia sức khỏe tâm thần lo ngại.

khoảng 1/5 số phụ nữ sống một mình và ở nhà càng làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn
Ở Tokyo có khoảng 1/5 số phụ nữ sống một mình và ở nhà càng làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn

 Nói về các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ vẫn là điều khó khăn ở một xã hội đề cao chủ nghĩa khắc kỷ như Nhật Bản. Trong đó, phụ nữ - những người thường được mặc định là người chăm sóc chính - đôi khi sợ hãi trước sự sỉ nhục, chỉ trích của mọi người nếu họ bị nhiễm virus SARS-Cov-2 hoặc gia đình có người bị nhiễm.

Yuki Nishimura - Giám đốc Hiệp hội Dịch vụ sức khỏe tâm thần Nhật Bản - cho biết: “Không chỉ chịu áp lực ngoài xã hội, phụ nữ phải chịu gánh nặng của việc phòng, chống virus trong gia đình. Phụ nữ phải chăm sóc sức khỏe gia đình; họ phải vệ sinh sạch sẽ và có thể bị xem là tội đồ nếu làm không đúng”. 

Trong một tài khoản được công bố rộng rãi, một phụ nữ khoảng 30 tuổi đang cách ly điều trị COVID-19 tại nhà đã tự tử. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã thu thập được những dòng nhật ký của cô bày tỏ sự đau khổ về khả năng đã lây nhiễm bệnh cho người khác và khiến họ gặp rắc rối. Các chuyên gia đã đặt câu hỏi, liệu sự xấu hổ có thể khiến cô ấy tuyệt vọng hay không. “Thật không may, xu hướng hiện nay là đổ lỗi cho nạn nhân” - Michiko Ueda, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda ở Tokyo, người đã nghiên cứu về nạn tự tử, cho biết. 

Trong quá khứ, tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản đã tăng đột biến trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990 và suy thoái toàn cầu năm 2008. Nhưng thời kỳ đó, nam giới là những người bị ảnh hưởng và tự tử nhiều nhất do mất việc làm. Hơn một năm nay, tỷ lệ nữ giới tự tử do mất việc làm chiếm 2/3 trong số phụ nữ tự tử và thường rơi vào những người dưới 40 tuổi. Kumiko Nemoto - giáo sư xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto - nhận định: “Nếu họ không thể hòa nhập hoặc chia sẻ những căng thẳng của mình thì đó là do họ đang cảm thấy áp lực hoặc chán nản". 

Sống sót sau nỗ lực tự tử bất thành, Hashimoto hiện muốn giúp những người khác học cách nói chuyện về các vấn đề cảm xúc của mình và kết nối họ với các chuyên gia. “Đất nước tôi chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp và phát triển kinh tế. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến sức khỏe tinh thần của phụ nữ nhiều hơn” - cô chia sẻ. 

Thảo Nguyễn (theo NY Times, JP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI