Đại dịch khiến các nước nghèo rơi vào cảnh nợ cùng cực

13/10/2021 - 11:15

PNO - Theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự đảo ngược bi thảm trong quá trình phát triển thế giới và đẩy mức nợ ở các nước nghèo lên mức kỷ lục.

Số liệu mới nhất vừa được công bố bởi Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy gánh nặng nợ nần của hơn 70 quốc gia có thu nhập thấp đã tăng kỷ lục với 12%, lên 860 tỷ USD vào năm 2020.

Ông David Malpass - Chủ tịch WB - cảnh báo đại dịch đã làm tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo, làm lùi tiến độ kéo giảm khoảng cách giàu nghèo trong nhiều năm, thậm chí có nhiều nước là một thập kỷ.

Ông Malpass đã kêu gọi một kế hoạch toàn diện để giảm bớt áp lực nợ cũng như các nước giàu cung cấp vắc-xin cho những người nghèo hơn. Trong năm nay, dự kiến thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng trung bình 5% ở các nước phát triển so với 0,5% ở các nước đang phát triển.

Ông Malpass cho biết vấn đề bất bình đẳng càng trở nên tồi tệ hơn khi lãi suất toàn cầu tiếp tục tăng. “Chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề nợ, bao gồm giảm nợ, tái cơ cấu nhanh hơn và cải thiện tính minh bạch. Mức nợ bền vững là rất quan trọng để phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo”, ông Malpass nói.

Các nước nghèo phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ kỷ lục trong và sau đại dịch - ẢNH: AP
Các nước nghèo phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ kỷ lục trong và sau đại dịch - ẢNH: AP

Mức nợ tăng 12% so với năm ngoái, theo sau mức 9,5% hồi năm 2019 ở 73 quốc gia đủ điều kiện để được đình chỉ thanh toán nợ theo một sáng kiến do WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhằm giảm bớt áp lực tài chính trên các nước nghèo nhất. Theo kế hoạch này, nhóm các nước phát triển và thị trường mới nổi đã đồng ý hoãn trả nợ cho đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, điều này chỉ có tác động hạn chế đến việc tạm ngừng thanh toán, kéo dài thời gian trả nợ chứ không phải là xóa hay giảm nợ.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động thêm, ông Malpass nói rằng ngay cả trước cuộc khủng hoảng, mức nợ gia tăng đã là mối quan tâm ở nhiều quốc gia và tình trạng dễ bị tổn thương đã gia tăng đáng kể vào năm 2020. “Cuộc khủng hoảng đã làm tăng nhu cầu tài chính và do đó là vay nợ công, đồng thời làm suy yếu các nền tảng kinh tế và năng lực phục vụ, trả nợ công của từng quốc gia. Rủi ro bây giờ là sau cuộc khủng hoảng COVID-19, sẽ có quá nhiều quốc gia xuất hiện với một khoản nợ lớn mà họ có thể phải mất nhiều năm để xoay xở”.

Báo cáo của WB lưu ý rằng, các chỉ số nợ của những nước đủ điều kiện áp dụng sáng kiến giãn nợ đã xấu đi trong thập kỷ qua. Năm 2020, hơn một nửa (56%) có tỷ lệ nợ trên tổng thu nhập quốc dân là hơn 60%, trong khi 7% quốc gia có tỷ lệ này lên đến trên 100%. 

Báo cáo trên được đưa ra trước cuộc họp thường niên của WB tại Washington trong tuần này và trong bối cảnh một số ngân hàng trung ương - bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Anh - đang xem xét hành động để chống lạm pháp gia tăng. Carmen Reinhart - Kinh tế trưởng của WB - cho rằng: “Các nền kinh tế trên toàn cầu phải đối mặt với một thách thức khó khăn do mức nợ cao và gia tăng nhanh chóng. Các nhà hoạch định chính sách cần phải chuẩn bị cho khả năng lâm vào cảnh túng quẫn khi các điều kiện thị trường tài chính trở nên kém lành mạnh hơn, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển”. 

 Lệ Chi (theo AP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI