Đại dịch giúp công nghệ số ở Đông Nam Á phát triển

13/11/2020 - 09:12

PNO - Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020, đại dịch COVID-19 tác động tích cực trong việc tăng tốc độ tiếp nhận các nền tảng mở, công nghệ kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á.

Vốn là công trình do Google, Công ty Temasek của Singapore và Công ty Đầu tư mạo hiểm Bain & Company đồng biên soạn, e-Conomy SEA 2020 tập trung vào sáu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Trước nỗi lo dịch bệnh, người tiêu dùng Đông Nam Á chuyển sang sử dụng công nghệ số để hạn chế tiếp xúc
Trước nỗi lo dịch bệnh, người tiêu dùng Đông Nam Á chuyển sang sử dụng công nghệ số để hạn chế tiếp xúc

Cũng theo báo cáo trên, trong năm 2020, có thêm 40 triệu người ở sáu quốc gia Đông Nam Á bắt đầu tham gia mạng trực tuyến, nâng tổng số dùng internet trong khu vực lên 400 triệu người, tăng thêm 150 triệu người so với năm 2015 và chiếm khoảng 70% tổng dân số các nước. Đồng thời, quy mô nền kinh tế internet của khu vực cũng lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD và ước tính giá trị này sẽ tăng gấp ba vào năm 2025 nếu các xu hướng hiện tại được giữ vững.

Người tiêu dùng thích nghi nhanh

Sự tăng trưởng trong năm nay đến sau một thập niên phát triển mang tính cách mạng trong công nghệ kỹ thuật số, mã nguồn mở và các nền tảng truyền thông xã hội ở Đông Nam Á - nơi đang có bốn trong tám quốc gia có số người dùng Facebook lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, các báo cáo lưu ý rằng, việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng giao đồ ăn và phương tiện truyền thông trực tuyến đều đã tăng mạnh kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tương tự, dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang có dấu hiệu tăng trưởng khi người dân tìm cách hạn chế các tương tác công cộng không thiết yếu.

Stephanie Davis - Phó chủ tịch chi nhánh Google tại Đông Nam Á - cho biết: “COVID-19 thay đổi cuộc sống hằng ngày của mọi người theo những cách cơ bản. Việc áp dụng kỹ thuật số - dự kiến ​​sẽ diễn ra trong vài năm tới - đã tăng tốc ngay trong năm nay”.

Nhìn chung, đại dịch mang lại sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực như giáo dục trực tuyến do học sinh buộc phải học ở nhà, nhưng lại làm suy yếu dịch vụ du lịch trực tuyến, vốn đang tê liệt vì làn sóng lây nhiễm toàn cầu. 

Cũng theo báo cáo trên, trong năm 2020, 36% người tiêu dùng sử dụng dịch vụ kỹ thuật số ở Đông Nam Á chỉ mới làm quen dịch vụ này nhưng trong đó, 90% bày tỏ ý định tiếp tục sử dụng sau đại dịch. Một số lượng lớn người tiêu dùng kỹ thuật số mới đến từ các khu vực phi đô thị ở Malaysia, Indonesia và Philippines.

Chưa có sự đồng bộ 

Ở khía cạnh người tiêu dùng, công nghệ số đang từng bước làm thay đổi cuộc sống, tiệm cận mức đồng đều giữa các quốc gia. Dù vậy, với doanh nghiệp và bộ máy hành chính trên khắp Đông Nam Á, tốc độ ứng dụng vẫn còn khá chênh lệch.

Trong nền kinh tế sản xuất của Việt Nam, các công ty chủ yếu sử dụng công nghệ nguồn mở Linux để chạy ứng dụng hoạch định nguồn lực doanh nghiệp. Ở Thái Lan, từ chính phủ đến khu vực tư nhân, người dùng có thể thích nghi với việc sử dụng cả phiên bản nguồn mở dành cho doanh nghiệp lẫn cộng đồng. Còn ở Philippines, người dùng quen với việc mua các dịch vụ đăng ký công nghệ số vì chúng hỗ trợ mọi thứ, từ thủ tục hành chính, giáo dục đến hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Ngược lại, Singapore tiếp tục là quốc gia tiên phong trong việc kết hợp công nghệ tiên tiến mã nguồn mở như một phần của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây để thúc đẩy hệ sinh thái truyền thông infocomm, cho phép doanh nghiệp và khách hàng tiếp cận thị trường nhanh hơn.

Trong tương lai, dự kiến tác động từ đại dịch sẽ làm thay đổi cách tiếp cận công nghệ số của người dân, doanh nghiệp và cả các bộ máy hành chính tại khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, muốn đạt được mục tiêu có một cộng đồng kinh tế chung vững mạnh, các quốc gia cần tìm cách bắt kịp xu hướng và đưa vấn đề tiếp cận công nghệ số vào các diễn đàn chung của khu vực. 

Linh La (theo The Diplomat, Temasek, Tech Collective)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI