Đại dịch COVID-19 tiếp tục ám ảnh năm mới

11/01/2021 - 06:02

PNO - Bất chấp các nước tăng cường tiếp cận và mở rộng tiêm chủng vắc-xin COVID-19, tháng 1/2021 tiếp tục diễn tiến tồi tệ khi dịch bệnh hoành hành mạnh mẽ từ Anh sang Nhật Bản cho đến California (Hoa Kỳ), lấp đầy các bệnh viện và đe dọa sinh kế của hàng chục triệu người.

Những ngày đầu tháng 1 tồi tệ

Nước Anh lại rơi vào bế tắc một lần nữa trước sự lây lan mạnh mẽ của biến thể virus mới, có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng virus cũ. Những ngày gần đây, Anh liên tục báo cáo gần 60.000 ca nhiễm mỗi ngày, đẩy hệ thống y tế đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, Đức ghi nhận số lượng bệnh nhân tử vong cao kỷ lục trong những ngày đầu năm, đỉnh điểm là 1.188 người chết trong ngày 8/1. Theo ABC News, cứ 2 phút lại có 1 người chết ở Đức vì COVID-19.

Hệ thống y tế Mexico quá tải vì số lượng bệnh nhân gia tăng liên tục. Nam Phi và Brazil thì chật vật tìm chỗ chôn cất cho người chết. Ngay cả Thái Lan, quốc gia từng được ca ngợi kiểm soát dịch thành công trong năm 2020, giờ cũng vật lộn với làn sóng lây nhiễm mới.

Số người tử vong vì COVID-19 tăng cao đột biến tại các quốc gia châu Âu trong những ngày đầu năm 2021.
Số người tử vong vì COVID-19 tăng cao đột biến tại các quốc gia châu Âu trong những ngày đầu năm 2021

Sau đợt nghỉ lễ kéo dài từ Giáng sinh, các bác sĩ trên toàn thế giới đối mặt với tình trạng gia tăng đột biến số lượng bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới virus từ Anh và Nam Phi.

Tiến sĩ Margaret Harris, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Tháng Giêng sẽ là một tháng khó khăn. Tất cả chúng ta đều chán ngấy nó (dịch COVID-19-PV)”.

Trái ngược với không khí đón tết nhộn nhịp như mọi năm, dịch bệnh mất kiểm soát buộc chính phủ Anh ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, đóng cửa các trường học, nhà hàng và các cửa hàng kinh doanh không cần thiết.

Tương tự ở những nơi khác tại châu Âu, Ý và Đức tiếp tục gia hạn và mở rộng lệnh phong tỏa buộc người dân phải ở nhà trong năm mới. Còn Tây Ban Nha ban hành lệnh hạn chế đi lại, trong khi Đan Mạch cắt giảm số người có thể tụ tập nơi công cộng từ 10 xuống còn 5. 

Anh, Mỹ tăng cường tiêm chủng rộng rãi vắc-xin trong tình hình dịch bệnh diễn tiến tồi tệ.
Anh, Mỹ tăng cường tiêm chủng rộng rãi vắc-xin COVID-19 khi dịch bệnh diễn tiến tồi tệ

Khu vực Mỹ Latinh dù chưa ban bố cảnh báo tồi tệ nhưng theo Domingos Alves, giáo sư trợ giảng tại Đại học Sao Paulo (Brazil) cho biết: “Sự gia tăng mà chúng tôi đang trải qua ở Brazil nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì đã xảy ra vài tháng trước”.

Số lượng bệnh nhân được đưa vào đơn vị chăm sóc đặc biệt của Brazil đạt mức cao nhất kể từ tháng 8, ngay khi quốc gia này cho phép các cửa hàng và văn phòng mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Một số bệnh viện Brazil đã lắp đặt lại các xe tải đông lạnh bên ngoài để chứa thi thể các nạn nhân COVID-19.

Thậm chí, các quốc gia châu Á từng thành công trong việc kiểm soát dịch như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang khổ sổ trước đợt lây nhiễm mới, ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm virus mỗi ngày. Hiện, Thái Lan đã phong tỏa nhiều khu vực rộng lớn của đất nước, bao gồm thủ đô Bangkok. Tương tự, Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm đi lại ở hai thành phố Thạch Gia Trang và Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, nhằm ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất trong 6 tháng qua. Còn Nhật Bản sau thời gian lưỡng lự cũng đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, tăng cường kiểm soát biên giới và đẩy nhanh việc phê duyệt vắc-xin.

Phân phối vắc-xin COVID-19 bất bình đẳng

Trong khi Anh đã phê duyệt sử dụng vắc-xin COVID-19 thứ hai do Đại học Oxford và nhà sản xuất thuốc AstraZeneca phát triển trong tuần này và một số bang của Hoa Kỳ tăng cường triển khai tiêm chủng rộng rãi. Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn đang diễn ra, cho thấy khả năng tiếp cận các loại vắc-xin trên toàn cầu là rất bất bình đẳng, khi các nước giàu gần như thâu tóm toàn bộ nguồn cung.

Dự kiến phải nhiều tháng nữa, các nước nghèo mới tiếp cận được các lô vắc-xin COVID-19 đầu tiên.
Dự kiến phải nhiều tháng nữa, các nước nghèo mới tiếp cận được các lô vắc-xin COVID-19 đầu tiên

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: “Chúng tôi đang trong cuộc chạy đua để ngăn ngừa lây nhiễm virus, giảm ca bệnh, bảo vệ hệ thống y tế và cứu sống người bệnh trong khi tung ra hai loại vắc-xin hiệu quả và an toàn cho các nhóm dân số có nguy cơ cao. Dẫu vậy, điều này không dễ dàng thực hiện”.

Các loại vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech, Moderna, Oxford/AstraZeneca… được đẩy mạnh sản xuất với hàng chục triệu liều vắc-xin mới mỗi tháng nhưng chủ yếu đều có hợp đồng ràng buộc cung cấp cho Mỹ, Anh và những quốc gia phát triển khác.

Trong khi niềm hy vọng cuối cùng là Viện Serum - nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới - có khả năng tạo ra 1 tỷ liều vắc-xin cung cấp cho các nước đang phát triển cũng bị dập tắt hy vọng, bởi Ấn Độ đã cấm các công ty nước này xuất khẩu vắc-xin COVID-19 của Đại học Oxford-AstraZeneca trong vòng vài tháng.

Điều này đồng nghĩa với việc, các quốc gia nghèo hơn sẽ phải chờ đợi thêm nhiều tháng nữa, trước khi nhận được những liều vắc-xin đầu tiên.

Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,92 triệu người và lây nhiễm cho gần 90 triệu người trên toàn cầu.

Chung Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI