COVID-19 ngày càng tồi tệ ở châu Âu

25/09/2020 - 08:10

PNO - Trước tình hình số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng cao kỷ lục, nhiều quốc gia châu Âu đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới nghiêm ngặt.

Dịch bệnh ngày càng tồi tệ tại châu Âu

Ngày 24/9, Liên minh châu Âu (EU) đã báo động về đại dịch COVID-19, cho biết tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn so với mức đỉnh hồi tháng 3, buộc các chính phủ ở một số quốc gia phải đưa ra các biện pháp kiểm soát quyết liệt.

Pháp đã báo cáo số ca nhiễm mới kỷ lục, hơn 16.000 người trong 24 giờ qua, một ngày sau khi công bố các lệnh hạn chế nghiêm ngặt mới. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng đưa ra cảnh báo có thể tiến hành một cuộc phong tỏa mới ở Athens, trừ khi công chúng có thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm virus bằng cách thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Các nước châu Âu thắt chặt các biện pháp kiểm soát.
Các nước châu Âu thắt chặt các biện pháp kiểm soát.

Trong khi đó, Israel, quốc gia đã đóng cửa trường học và áp đặt các hạn chế vào tuần trước trong đợt đóng cửa toàn quốc lần hai, đã tăng cường thêm các quy định vào ngày 24/9. Theo đó, các công ty và chợ buộc ngưng hoạt động, các cuộc họp và những buổi cầu nguyện của người dân sẽ bị kiểm soát nghiệm ngặt, bởi Isreal hiện đang đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm virus tính theo đầu người là tồi tệ nhất thế giới.

Bà Stella Kyriakides, Ủy viên châu Âu phụ trách Y tế và An toàn Thực phẩm cho biết: "Một số nước thành viên, tình hình hiện còn tồi tệ hơn so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 3".

Tỷ lệ tử vong vẫn chưa đạt mức kỷ lục như đầu năm 2020 nhưng các ca nhiễm mới lại một lần nữa tăng vọt, khiến cơ quan kiểm soát dịch bệnh của EU phải đưa ra danh sách 7 quốc gia thuộc diện "quan ngại cao", bao gồm Tây Ban Nha và một số nước phía đông của EU. Đây là những nước có "tỷ lệ người cao tuổi nhập viện, các ca bệnh nặng và tỷ lệ tử vong tăng cao”.

Hơn 80% số ca mắc COVID-19 ở châu Phi không có triệu chứng

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại khu vực châu Phi, cho biết trong khi số ca nhiễm virus đang có chiều hướng giảm và tỷ lệ tử vong vẫn thấp ở nhiều nước châu Phi, nhưng kết quả khảo sát ban đầu cho thấy số bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 thực tế cao hơn so với báo cáo.

“Phân tích sơ bộ cho thấy hơn 80% trường hợp nhiễm virus ở châu Phi không có triệu chứng" - Matshidiso Moet nói trong cuộc họp báo ngày 24/9.

Hơn 80% số ca mắc COVID-19 ở châu Phi không có triệu chứng.
Hơn 80% số ca mắc COVID-19 ở châu Phi không có triệu chứng.

Tiến sĩ cho biết thêm, nhờ hành động quyết liệt của các chính phủ trong việc áp đặt các đợt phong tỏa sớm cộng với việc công chúng tuân thủ các hạn chế đi lại, đã tạo ra "cơ hội" giữ tỷ lệ mắc COVID-19 của châu Phi ở mức thấp. Tuy nhiên, kể từ khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng các lệnh giới nghiêm, mở cửa nền kinh tế trở lại, các trường hợp mắc mới COVID-19 đã gia tăng đáng kể.

Liên Hợp Quốc: Đại dịch không thể kiểm soát vì sự thiếu hợp tác toàn cầu

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cho biết đại dịch COVID-19 không thể kiểm soát khi số người chết toàn cầu đã lên tới 1 triệu, trong khi hơn 30 triệu người được xác nhận nhiễm bệnh. Ông đổ lỗi do "thiếu sự chuẩn bị toàn cầu, hợp tác, thống nhất và đoàn kết."

“Đại dịch là một thử nghiệm rõ ràng về hợp tác quốc tế - một thử nghiệm mà chúng tôi đã thất bại về cơ bản” - Tống Thư ký nhấn mạnh.

Trong cuộc họp hội đồng trực tuyến về quản trị toàn cầu sau COVID-19, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, Kelly Craft cho biết: “Tôi ngạc nhiên và ghê tởm nội dung của cuộc thảo luận hôm nay... các thành viên của hội đồng đã nhân cơ hội này để tập trung vào những mối hận chính trị hơn là vấn đề quan trọng hiện tại”.

Tương tự, mặc dù không đề cập đến bất kỳ quốc gia nào, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergey Lavrov lưu ý rằng đại dịch đã làm sâu sắc thêm sự khác biệt giữa các nước. “Chúng tôi nhận thấy nỗ lực của các quốc gia trong việc sử dụng tình hình hiện tại để hướng tới những lợi ích hạn hẹp của họ”, ông nói.

Theo Reuters, căng thẳng kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm vì đại dịch, làm nổi bật nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phô trương sức ảnh hưởng của nước này đối với thế giới, thách thức vai trò lãnh đạo truyền thống của Washington.

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI