Đại dịch COVID-19 làm tăng gánh nặng "việc không lương” cho phụ nữ

11/03/2021 - 07:51

PNO - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng gánh nặng "việc không lương" cho phụ nữ như chăm sóc con cái, gia đình, nội trợ…

Ngày 10/3, tại diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”, bà Hà Thị Nga -  Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua gần 5 năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam đã được Liên Hiệp quốc đánh giá cao về sự cam kết và những thành tựu đạt được. Hội LHPN Việt Nam, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động cả ở cấp độ tác động chính sách cũng như các chương trình, sáng kiến cụ thể. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy vai trò và sự đóng góp, thụ hưởng ngày càng bình đẳng của phụ nữ trong phát triển bền vững.

Tuy nhiên, năm 2020, dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu cùng các vấn đề thiên tai, dịch bệnh cũng trở thành một thách thức, làm gia tăng gánh nặng “công việc không lương” của phụ nữ. Ngoài công việc, họ phải đảm nhận hàng loạt công việc chăm sóc con cái, gia đình, nội trợ…

“Trong các tình huống khủng hoảng, phụ nữ là một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, tuy nhiên đây cũng là tác nhân tích cực để kiến tạo sự thay đổi. Cần tạo điều kiện để chị em phát huy thế mạnh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và phát triển bền vững nói chung”, bà Hà Thị Nga nói.

Bà Hà Thị Nga khẳng định, phụ nữ vẫn đang chịu gánh nặng từ những công việc không lương như chăm sóc con cái, gia đình...
Bà Hà Thị Nga khẳng định, phụ nữ vẫn đang chịu gánh nặng từ những công việc "không lương" như chăm sóc con cái, gia đình...

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - đánh giá, năm 2020, Việt Nam đã được đánh giá cao về chỉ số phát triển bền vững khi tham gia vào Chương trình nghị sự 2030, sau nhiều thành tựu đáng kể về xóa đói giảm nghèo, giáo dục có chất lượng, bảo vệ khí hậu…

Liên quan tới vấn đề bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được một số điểm nổi bật như ban hành được hệ thống văn bản, pháp luật, chính sách thúc đẩy và thực hiện bình đẳng giới khá toàn diện trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị, cải thiện tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp… Bình đẳng giới đã đạt được trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đại học và dạy nghề…

Mặc dù vậy, ông Trung cũng cho rằng, việc triển khai bình đẳng giới ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như tư tưởng định kiến giới, tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn tồn tại trong xã hội, dẫn tới mất cân bằng giới tính. Tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa có nhiều cải thiện, phụ nữ vẫn phải dành thời gian cho công việc “không lương” cao hơn nam giới tới 2,1 lần.

Để thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh, cần tăng cường truyền thông hơn nữa để thay đổi định kiến giới trong xã hội, đặc biệt là tâm lý thích con trai hơn con gái. “Định kiến xã hội về giới chính là gốc rễ của các vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay”, ông Trung chỉ ra.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy, tạo việc làm bình đẳng cho nữ giới trong mọi ngành nghề, công việc. Nghiên cứu, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội để giảm bớt gánh nặng của phụ nữ trong công việc chăm sóc “không lương” như chăm sóc gia đình, con cái, từ đó phụ nữ có thời gian tham gia vào các hoạt động kinh tế khác…

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI