Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại cho du lịch toàn cầu khoảng 2.000 tỷ USD trong năm 2021

29/11/2021 - 14:45

PNO - Đại dịch SARS-CoV-2 dự kiến sẽ khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại khoảng 2.000 tỷ USD doanh thu trong năm 2021, cơ quan du lịch của Liên Hợp Quốc cho biết hôm 29/11.

Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO) - có trụ sở ở Marid, Tây Ban Nha - đưa ra dự báo này trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với sự gia tăng của số ca nhiễm, với sự xuất hiện của Omicron, biến thể mới của COVID-19 được đánh giá ban đầu là nguy hiểm hơn và có nguy cơ lan rộng trên toàn cầu.

Một người đàn ông chụp ảnh tự sướng với gia đình của mình trong chuyến thăm của họ đến Pháo đài Galle ở Galle, Sri Lanka, vào Chủ nhật.
Một người đàn ông tự chụp ảnh với gia đình của mình trong chuyến thăm Pháo đài Galle ở Galle, Sri Lanka, vào Chủ nhật

Lượng khách du lịch quốc tế trong năm nay sẽ vẫn giảm hơn 70%-75% so với con số 1,5 tỷ lượt được ghi nhận vào năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch, và mức giảm này tương tự như trong năm 2020, theo UNWTO.

Cơ quan này cũng cho biết, ngành du lịch toàn cầu - vốn đóng góp 10% GDP thế giới và tạo ra 10% việc làm trên toàn cầu - đã mất khoảng 2.000 tỷ USD doanh thu trong năm 2020 do đại dịch, trở thành một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng này.

Tuy không đưa dự báo cụ thể về hoạt động của ngành du lịch toàn cầu trong năm tới, nhưng UNWTO cho rằng, trong trung hạn, triển vọng của ngành này cũng không mấy khả quan.

“Tuy thế giới đã có những bước tiến đáng kể về phòng chống dịch trong thời gian gần đây, nhưng tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các nước trên thế giới và sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 mới, như Delta và Omicron, có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, vốn đã chậm và mong manh, của ngành du lịch”, UNWTO nhận định.

“Việc hàng loạt các nước áp đặt các biện pháp hạn chế và các lệnh phong tỏa mới trong những tuần gần đây cho thấy rất khó lường trước diễn biến của ngành du lịch trong thời gian tới.

Đó là một cuộc khủng hoảng lịch sử trong ngành du lịch. Nhưng ngành này thường có khả năng phục hồi khá nhanh, và tôi thực sự hy vọng rằng năm 2022 sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2021”, ông Zurab Pololikashvili - người đứng đầu UNWTO - cũng nói thêm.

Theo UNWTO, ngoài các hạn chế đi lại liên quan đến dịch bệnh, lĩnh vực du lịch thế giới cũng đang phải đương đầu với các áp lực kinh tế do đại dịch gây ra, giá dầu tăng vọt và sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng.

Ông Pololikashvili cũng kêu gọi các quốc gia nên có các biện pháp hạn chế nhất quán trong việc đối phó với dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế.

UNWTO cho biết, trong mùa hè năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trở lại ở Bắc bán cầu, nhờ nhiều du khách đã cảm thấy “tự tin” hơn trong việc đi lại, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện và nhiều quốc gia nới lỏng các hạn chế nhập cảnh.

“Mặc dù có sự cải thiện trong quý 3, tốc độ phục hồi của ngành du lịch vẫn không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới do mức độ hạn chế, tỷ lệ tiêm chủng và sự tự tin của khách du lịch ở các quốc gia không giống nhau”, cơ quan này cho biết.

Theo UNWTO, hiện, 46 điểm đến - chiếm 21% tổng số điểm đến trên toàn thế giới - đã đóng cửa biên giới hoàn toàn với du khách. 55 quốc gia khác đã đóng cửa một phần biên giới đối với người nước ngoài. Chỉ có 4 quốc gia đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến COVID-19, bao gồm Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica và Mexico.

Nhất Nguyên (theo Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI