Đại dịch COVID-19 đang tấn công sức khỏe tâm thần

19/08/2020 - 07:43

PNO - Đại dịch COVID-19 không chỉ tấn công vào sức khỏe thể chất mà còn làm suy yếu sức khỏe tâm thần của người dân. Theo các chuyên gia y tế và tâm lý, bất kỳ ai cũng có thể bị tác động tâm lý nặng nề trong đại dịch.

 

 Trong một khu cách ly ở Hà Nội
Trong một khu cách ly ở Hà Nội

Nhu cầu được hỗ trợ tâm lý tăng lên 

Phó giáo sư - tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Đặng Hoàng Minh - người đứng đầu dự án Mạng lưới nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần Việt Nam (VMHLN), giảng viên Trường đại học Giáo dục, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, không chỉ người bị nhiễm vi-rút SARS-Cov-2 mà bất kỳ ai cũng có thể bị tác động tâm lý nặng nề trong đại dịch. 

Theo bà Minh, COVID-19 đã làm nhiều người bị mất việc, nhiều gia đình bị chia cách và mất mát người thân, các trường học phải đóng cửa, sự tương tác với xã hội của cá nhân bị thu hẹp, nỗi lo sợ bị nhiễm bệnh và một tương lai bất định tăng lên. Tất cả những hậu quả này đều có thể gây ra sang chấn tâm lý đối với mỗi người, ngay cả khi người đó có một thể chất hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể dịch bệnh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm thần ở Việt Nam nhưng theo bà Minh, nhu cầu được hỗ trợ về tâm lý của người dân hiện tại cao hơn cùng kỳ các năm trước. 

Những tổn thương về tâm lý do ảnh hưởng của đại dịch xảy ra ở nhiều bản dạng giới và lứa tuổi. Theo báo cáo Nghiên cứu tác động của COVID-19 đối với cuộc sống và nhu cầu của người LGBTI+ (đồng tính, song tính, chuyển giới, không xác định được giới tính…) do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện vào tháng 5/2020, gần 75% người LGBTI+  được hỏi cho biết, họ có nhu cầu hỗ trợ tâm lý. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, nhóm nghiên cứu của iSEE nhận định, những người LGBTI+ không chỉ đối mặt với những khó khăn về sinh kế trong đại dịch mà còn với những rào cản từ gia đình. Trong thời gian giãn cách xã hội, không ít người đồng tính, người chuyển giới đã có trải nghiệm quan hệ tiêu cực với gia đình. 20-30% người được hỏi cho biết, thường bị gia đình la mắng, đối xử lạnh nhạt và cảm thấy bị áp lực vì phải thay đổi cử chỉ khi ở nhà. Kết quả báo cáo cũng chỉ ra, nhóm đã công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới và chưa được gia đình chấp nhận đã trải qua giai đoạn giãn cách xã hội với gia đình khó khăn hơn so với các trường hợp khác. 

Còn theo kết quả báo cáo Đánh giá nhanh tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em và gia đình tại Việt Nam do UNICEF thực hiện, trẻ em ở độ tuổi tiểu học trở lên có xu hướng đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe tâm thần và tâm lý trong dịch bệnh. Một số thanh thiếu niên cảm thấy lo lắng mỗi khi có những thông tin cập nhật số ca mắc mới trên các phương tiện truyền thông xã hội. Có trường hợp sợ đến nỗi không dám chạm vào vở bài tập về nhà hoặc không muốn bất kỳ ai lại gần vì sợ bị lây nhiễm.

Báo cáo của UNICEF cũng cho hay, trẻ em và gia đình sống trong các khu vực bị phong tỏa hoặc khu cách ly tập trung càng có tâm lý bất an, lo lắng. Một người mẹ tham gia nghiên cứu sống trong khu vực bị phong tỏa cho biết, khi một ca mắc mới được phát hiện trong khu phố, con trai cô đã rất lo lắng và điều này ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của cậu bé.  

Mới đây, một thanh niên đã nhảy lầu tự tử tại khu cách ly tập trung ở tỉnh Bình Dương. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xác định, người này có kết quả âm tính với COVID-19 và có dấu hiệu trầm cảm trong quá trình cách ly. Còn tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Trị, hồi tuần trước, một bệnh nhân lớn tuổi người dân tộc thiểu số được đưa vào khu cách ly tập trung để điều trị COVID-19 đã bỏ ăn nhiều bữa và nằng nặc đòi về nhà.  

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM hồi giữa tháng Bảy, số bệnh nhân tới khám và tư vấn do rối loạn tâm lý tâm thần tại Bệnh viện Quận 2 (TPHCM) tăng gấp đôi so với lúc chưa xảy ra đại dịch.  

 Cần tăng cường sức khỏe thể lực lẫn sức khỏe tinh thần để phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh minh họa
Cần tăng cường sức khỏe thể lực lẫn sức khỏe tinh thần để phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh minh họa

Cần tư vấn tâm lý ở bệnh viện, khu cách ly

Trái ngược với nhu cầu thực tế, tại Việt Nam, các chính sách về chăm sóc, hỗ trợ tâm lý trong đại dịch hiện vẫn chưa được quan tâm. Theo bà Đặng Hoàng Minh, ngành y tế và các cơ quan chức năng đã làm rất tốt công tác bảo đảm sức khỏe thể chất, dinh dưỡng. Nhưng điều đó là chưa đủ, vì một cơ thể khỏe mạnh toàn diện phải bao gồm cả sức khỏe tâm thần. Người bị nhiễm vi-rút, người trong khu cách ly và ngay cả đội ngũ y, bác sĩ đang phải làm việc quá tải đều cần được hỗ trợ tâm lý. 

Bà Minh cho biết, tư vấn hoặc trị liệu tâm lý chưa được luật pháp Việt Nam công nhận là một ngành, cũng chưa có mã nghề trong công tác đào tạo và việc làm. Do chưa được luật hóa nên việc triển khai những hoạt động liên quan sẽ gặp nhiều khó khăn. 

“Nhưng nói vậy không có nghĩa là chúng ta không làm được ngay lúc này. Về lâu dài, cần có những thay đổi về chính sách đối với công việc trị liệu, tư vấn tâm lý. Trong ngắn hạn, để đảm bảo sức khỏe tâm thần của người dân, nên có nhân viên hỗ trợ tâm lý ở mỗi khu cách ly và bệnh viện điều trị người nhiễm. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ở địa phương đều có các cán bộ công tác xã hội, mỗi tỉnh, thành đều có bệnh viện tâm thần. Chúng ta có thể huy động nguồn lực này” - bà Minh nói.

Theo bà Minh, ở nhiều nước, hỗ trợ tâm lý cho người dân là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo tính nhân đạo và quyền con người, nhất là trong thảm họa và đại dịch. “Có ý kiến cho rằng, ở những nước nghèo, nước đang phát triển, chăm lo sức khỏe tâm thần cho người dân là một hoạt động phù phiếm, xa xỉ, nhưng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, cái giá phải trả cho việc phớt lờ sức khỏe tâm thần là lớn hơn rất nhiều.

Một quốc gia sẽ vượt qua, phục hồi như thế nào trong và sau đại dịch nếu nhiều người dân không có tâm thần khỏe mạnh? Cách thức nào để phục hồi kinh tế nếu chúng ta không khỏe mạnh về mặt tâm lý?” - bà Minh đặt câu hỏi. 

 Bảo Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI